Shopee giảm tốc

Shopee Việt Nam đang từng bước hạn chế một trong những chính sách đã giúp họ có sự tăng trưởng mạnh ở thị trường Việt Nam trong gần 3 năm qua.

Phương Trinh, 28 tuổi, quận Phú Nhuận (TP.HCM) là khách hàng thường xuyên mua sắm trên Shopee Việt Nam, tần suất một tháng của cô mua khoảng 30 món hàng trên nền tảng này. Lần gần đây nhất, Trinh nhận được thông báo mỗi tháng cô chỉ được miễn phí 10 lần giao hàng thay vì miễn phí hoàn toàn như trước kia.

Từ bỏ “siêu vũ khí”

Đối với những người mua sắm trực tuyến thường xuyên, giao hàng miễn phí gần như là thương hiệu của Shopee Việt Nam. Gia nhập Việt Nam chưa được 3 năm nhưng Shopee đã nhanh chóng được xếp vào chiếu trên với Lazada Việt Nam và Tiki phần lớn là nhờ vào chính sách này. Giá giao mỗi đơn hàng ở Việt Nam trung bình là 30.000 đồng, khách hàng phải thanh toán thêm 50.000 đồng phí thu tiền hộ nếu trả bằng tiền mặt. Shopee Việt Nam trong 3 năm qua, không tính phí này.

Không chỉ người mua hàng, chính sách này dường như cũng đang áp dụng cho người kinh doanh. Anh Nhị Khoa, quận 7, TP.HCM, nói rằng để được hỗ trợ phí giao hàng, cửa hàng anh phải đạt doanh thu hoặc đơn hàng trong tháng theo quy định của Shopee Việt Nam.

Shopee giảm tốc

Shopee đang nổi lên trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa.

Theo một số thông tin, Shopee Việt Nam hiện có số lượng vào khoảng 120.000 đơn hàng/ngày, giá trị trung bình khoảng 140.000 đồng/đơn hàng. Con số này vượt qua Lazada Việt Nam nhưng thấp hơn về giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng.

Thành lập vào tháng 7.2015, Shopee là nền tảng mua sắm trên thiết bị di động có trụ sở ở Singapore. Chiến lược của Shopee là tập trung vào thị trường Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Công ty chủ quản của Shopee là Garena nay là Sea (Singapore), được thành lập năm 2009. Từ doanh nghiệp phát hành game trực tuyến, Sea chuyển thành doanh nghiệp internet bằng cách mở thêm mảng thương mại điện tử Shopee và thanh toán trực tuyến AirPay.

Tháng 10 năm ngoái, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Sea đã thu về hơn 800 triệu USD trên sàn New York với giá 15 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Sea đã rời đỉnh không lâu sau đó và hiện có giá 10 USD/cổ phiếu. Ở Việt Nam, năm ngoái, đơn vị này khẳng định sẽ tiếp tục chính sách miễn phí giao hàng và không thu phí người bán. Nhưng hiện nay, Shopee từ chối bình luận các vấn đề liên quan đến việc hạn chế số lần miễn phí giao hàng.

Gánh nặng chi phí

Hạn chế miễn phí giao hàng là bước đi đúng của Shopee Việt Nam sau khi đã đạt được lượng đơn hàng nhất định. Với nguồn thu chính đến từ phí hoa hồng trên mỗi đơn hàng và quảng cáo trên website, không công ty thương mại điện tử nào có thể cân đối chi phí khi cứ giữ chính sách miễn phí giao hàng.

Shopee giảm tốcNhất là khi chính sách này đang bị lợi dụng trở thành kênh giao hàng giá rẻ toàn quốc. Sẽ không có gì lạ nếu Shopee Việt Nam dừng hẳn chính sách miễn phí giao hàng trong tương lai. Vấn đề là phản ứng của người sử dụng của họ như thế nào và quan trọng hơn là các đối thủ đã chuẩn bị gì trong thời gian qua? Thương mại điện tử Việt Nam đã phần nào giải quyết được bài toán niềm tin và các công ty đang hướng đến việc đáp ứng trải nghiệm mua hàng và dịch vụ giao hàng.

Chị Minh Hà, quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết, khi không giới hạn số lần miễn phí giao hàng, một số cửa hàng trên Shopee Việt Nam cố tình đặt chuyển sai món hàng vì nếu có hoàn hàng cũng không mất phí. Nhưng khi việc giao hàng bị siết lại, các đơn hàng này không được hỗ trợ và chi phí này được đẩy về người mua. Chị Hà cho biết sẽ hạn chế đặt các shop ở xa trong thời gian tới.

Trong khi đó, các đối thủ của Shopee đã cho thấy các bước chuẩn bị cho việc trải nghiệm mua hàng. Tháng trước, Lazada Việt Nam công bố đến cuối năm 2018 sẽ đưa 30% lượng đơn hàng giao bằng xe đạp trợ điện. Nhìn rộng hơn là kế hoạch giảm chi phí giao hàng trên diện rộng.

“Chúng tôi dự kiến sẽ giảm 30% chi phí vận hành và 20% thời gian giao hàng trung bình trong thời gian tới”, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc LEL Express, đơn vị giao nhận trực thuộc Lazada Việt Nam, cho biết. Theo ông Thịnh, chi phí giao nhận hiện chiếm 30% tổng chi phí của một công ty thương mại điện tử. Việc chuyển sang giao bằng xe đạp giúp Công ty tăng được 40% trọng lượng giao hàng so với mức 50kg của xe máy hiện nay. Việc bảo trì xe và đào tạo nhân viên cũng dễ dàng hơn.

Song song đó, LEL Express cũng sẽ mở rộng mạng lưới đối tác nhận hàng trên toàn quốc, gồm các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Family Mart, B’smart, Co.op Smile... Hiện LEL Express có khoảng vài trăm điểm đối tác toàn quốc. Con số này sẽ tăng lên 1.000 điểm đến cuối năm 2018. Mạng lưới này hỗ trợ cho việc giao và nhận hàng được đặt qua hệ thống Lazada Việt Nam mà công ty không phải tốn chi phí đầu tư quá lớn cho việc thuê mặt bằng, nhân sự. “Tối ưu hóa chi phí giao hàng ở Việt Nam luôn là một bài toán khó vì nhu cầu tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất khó dự đoán”, ông Thịnh nói.

“Tối ưu hóa chi phí giao hàng ở Việt Nam luôn là một bài toán khó vì nhu cầu tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất khó dự đoán.”

Tương tự, Tiki đẩy mạnh dịch vụ giao hàng 2 tiếng ở các thành phố lớn từ năm ngoái. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Tiki, khá tự tin với Tiki Now vì dịch vụ Rocket Delivery của Coupang, đơn vị thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, hiện chỉ đáp ứng trong vòng 6 tiếng. Các khoản lỗ lên tới hàng trăm tỉ đồng của Tiki cho thấy mức độ khốc liệt của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Việc Shopee dừng miễn phí giao hàng cũng thể hiện sức nặng của các khoản chi phí khổng lồ mà các công ty thương mại điện tử đang phải gánh. Trong một thị trường có tốc độ tăng trưởng 2 chữ số như thương mại điện tử, các đối thủ phải tung tiền để cùng lúc giành được thị phần, doanh số bán hàng, giá trị mua trên mỗi khách hàng và tỉ lệ khách hàng quay lại.

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Trong khi đó, báo cáo của Statista ước tính tổng doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 4 tỉ USD vào năm 2020.

Về phần mình, Shopee Việt Nam vẫn kín tiếng với các chính sách trong thời gian sắp tới. Cho đến nay, đối tác giao nhận lớn nhất của Shopee Việt Nam là giao hàng tiết kiệm. Trong thời gian qua, giao hàng tiết kiệm đầu tư mở rộng kho khá mạnh và phát triển khá nhanh. Đơn vị này từ chối bình luận về việc được Sea đầu tư.

Còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận chính sách hạn chế miễn phí giao hàng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Shopee Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới càng thú vị hơn khi các bên đang tối ưu chi phí vận hành sau một thời gian dài “đốt” tiền đổi giao dịch.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư