Sức mạnh của content marketing tích cực

Trong bối cảnh nhộn nhạo của mạng xã hội ngày nay, những nội dung marketing có tính tích cực là cách tốt nhất để marketer gắn kết thương hiệu với người xem và xây dựng thương hiệu.

Con người luôn yêu chuộng những câu chuyện tốt lành. Tuy nhiên trên thực tế tin tốt ngày càng hiếm hoi.

Những tiêu đề giật gân, gây sốc đang chiếm thế thượng phong trên phần lớn các kênh truyền thông đại chúng. Tâm lý cảnh giác và sự tò mò thúc đẩy người đọc nhấp vào các tiêu đề gây cấn, làm lượng truy cập các bài viết có thông tin tiêu cực tăng cao.

Song, theo Rafael Urbina-Quintero - Chủ tịch & CEO của agency xây dựng thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số VIX, thì tâm lý độc giả toàn cầu đang dần đi đến điểm bão hòa.

Cụ thể, ông nhận thấy bạn đọc hiện đại bắt đầu từ chối các quảng cáo có nội dung tiêu cực, gây chia rẽ trong cộng đồng. Họ ưu tiên các quảng cáo có thông điệp tích cực, truyền cảm hứng kết nối con người nhiều hơn.

Rafael Urbina-Quintero

Rafael Urbina-Quintero - Chủ tịch & CEO của VIX

Ảnh: LinkedIn.

Trong bài viết trên Mediapost, vị chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm truyền thông này đã chia sẻ những nhận định của ông về sức mạnh của sự tích cực trong thông điệp marketing.

1. Tạm biệt những bài viết "công kích"

Trong nhiều năm liền, tính chất sắc bén, công kích trở thành phong cách viết chủ đạo cho các nội dung quảng bá thương hiệu doanh nghiệp. Tương tự như thông tin tiêu cực, phong cách viết có phần gây hấn này dễ dàng thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Một ví dụ nổi bật cho phong cách nội dung này là chiến dịch "The Axe Effect" (tạm dịch: Hiệu ứng Axe) của thương hiệu xịt khử mùi dành cho nam giới Axe. Ý tưởng phía sau chiến dịch này là Axe như "chiếc rìu" vô hình, có khả năng giúp những khách hàng nam giới dùng xịt khử mùi của Axe có sức hấp dẫn mạnh mẽ, dễ dàng "đốn ngã" mọi phụ nữ xung quanh.

Ngày nay, cách tiếp cận này của thương hiệu đã không còn phù hợp với người tiêu dùng. Khách hàng không muốn các thương hiệu trở thành chiếc "quạt máy" thổi liên tục các luồng năng lượng tiêu cực, kích thích sự phán xét, chia rẽ vào cuộc sống thường ngày của họ.

Vì vậy, sau nhiều năm gắn với các hình ảnh mang tính "gây hấn", Axe đã chuyển hướng thương hiệu đến các hình ảnh tốt đẹp hơn. Cụ thể là chiến dịch "Is it OK for guys?" (tạm dịch: Liệu đàn ông có thể thế này không?). Ở chiến dịch này, Axe hướng đến thông điệp phá vỡ những định kiến sai lầm về sự nam tính, thay vì đưa ra những hình ảnh hạ thấp giá trị phụ nữ như các chiến dịch trước.

2. Doanh nghiệp chọn các platform tích cực

Ở góc độ chiến lược, tại Hội nghị Lãnh đạo thường niên IAB diễn ra vào tháng 2/2018, Keith Weed - CMO của Unilever (công ty mẹ của thương hiệu Axe) đã đưa ra một tuyên bố gây "xôn xao" trong giới quảng cáo khi yêu cầu các mạng xã hội phải tạo ra môi trường quảng bá lành mạnh, bền vững cho các thương hiệu cũng như loại bỏ các nội dung có yếu tố chia rẽ lẫn đả kích giữa các cộng đồng.

Sức mạnh của content marketing tích cực

Hình ảnh chiến dịch "Is it OK for guys?" của thương hiệu Axe.

"Unilever sẽ không đầu tư vào những platform không bảo vệ trẻ em, những môi trường tạo ra sự chia rẽ, giận dữ lẫn ganh ghét trong xã hội. Chúng tôi sẽ chỉ ưu tiên đầu tư vào những platforms có trách nhiệm xã hội, cam kết tạo ra những tác động tích cực trong cộng đồng", Weed nhấn mạnh.

Vào đầu năm 2018, Facebook cũng tiến hành thay đổi thuật toán, ưu tiên hiển thị trên trang chủ tài khoản cá nhân các cập nhật từ người thân, bạn bè của người dùng thay cho các nội dung quảng cáo của doanh nghiệp. Sự thay đổi này đã ảnh hưởng đến doanh số của nhiều doanh nghiệp. Song các đơn vị xuất bản, các trang nội dung phong cách sống lại không bị giảm nhiều lượt theo dõi. Nguyên nhân là vì những nội dung liên quan đến phong cách sống có tính chất thân thiện nhiều hơn nội dung quảng bá sản phẩm, dịch vụ của công ty.

3. Sức mạnh tích cực trong marketing

Sự dịch chuyển thông điệp sang hướng tích cực giữa các thương hiệu đang được dẫn dắt bởi nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, lợi ích của sự dịch chuyển này không phải là điều mới mẻ.

Sức mạnh của các thông điệp tích cực, truyền cảm hứng trong chiến dịch marketing đã từng thể hiện trong nhiều chiến dịch trong quá khứ. Nghiên cứu cũng cho thấy những câu chuyện truyền cảm hứng có thể làm gia tăng cảm giác đồng cảm và oxytocin, một hóoc-môn liên quan đến cảm giác thân thiết của con người.

Trong bối cảnh nhộn nhạo của mạng xã hội ngày nay, sự tích cực là cách tốt nhất để marketer gắn kết với người xem và xây dựng thương hiệu.

Với tư duy này, các quảng cáo có nội dung cảm xúc như "Puppy Love" của Budweiser đã tạo nên sự kết nối người xem đạt mức kỷ lục, đứng đầu danh sách những quảng cáo được yêu thích nhất mọi thời đại của giải đấu Super Bowl.

Trong bối cảnh nhộn nhạo của mạng xã hội ngày nay, sự tích cực là cách tốt nhất để marketer gắn kết với người xem và xây dựng thương hiệu. Những câu chuyện ngọt ngào, nhiều cảm hứng không phải lúc nào cũng được lan tỏa rộng rãi, hay trở thành tin tức được bàn tán nhiều nhất trong ngày. Nhưng các câu chuyện ấy chắc chắn sẽ tồn tại rất lâu trong trí nhớ của người xem. Và đó là lý do nên các nhãn hàng nên ưu tiên tạo ra những content marketing tích cực.

Lâm Nghi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn