Từ một đế chế độc tài, Microsoft đã trở thành hình mẫu lý tưởng như thế nào?
Vào những thập niên đầu, Microsoft luôn là một trong những công ty bị ghét, bị kiện cáo nhiều nhất. Vì sự độc quyền, vì sự độc tài của họ trong thị trường công nghệ thông tin, nhưng hiện giờ họ đang là công ty như thế nào?
Đó là năm 1998, khi Bill Clinton vẫn còn đang là Tổng Thống Mỹ và Google chỉ là một công ty mới được thành lập, Microsoft - hay còn được gọi là Microsoft – đã liên tục phải đối mặt với những vụ kiện tụng về độc quyền. Mặc dù công ty, với tiềm lực và tầm ảnh hưởng của mình, luôn là người dành chiến thắng, nhưng những gì Microsoft thể hiện trong các vụ kiện cáo này đã khiến Microsoft trong mắt nhiều người là một gã khổng lồ chuyên đi bắt nạt các công ty yếu thế khác. Họ sẵn sàng làm mọi cách để nghiền nát đối thủ của mình.
20 năm sau, 2018, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Google, Facebook khi xưa luôn giữ hình tượng là một công ty "tốt, vì người dùng" thì lại đang lao đao trong những bê bối về quyền riêng tư. Trong khi đó, Microsoft lại đang tỏ ra họ là một công ty thân thiện, vì cộng đồng và là một công ty đáng tin cậy khi bảo vệ dữ liệu khách hàng. Không phải tự nhiên Microsoft lại làm được điều này, mà đó là thành quả của cả một quá trình mà công ty đã nỗ lực hết mình để thực hiện.
Mã nguồn mở chính là tương lai
Microsoft không phải một công ty khép kín như Apple, từ lâu họ đã tiếp cận với các nhà phát triển với tinh thần cởi mở. Sự thống trị của Windows có được nhờ một phần rất lớn từ các nhà phát triển bên thứ ba. Sự đa dạng về ứng dụng đã giúp củng cố vị trí thống trị của Windows, một hệ điều hành có thể đáp ứng được cho tất cả mọi người.
Trong những năm gần đây, Microsoft đã tăng gấp đôi các dự án mã nguồn mở của mình. Năm 2018 đã chứng kiến sự ra mắt của nền tảng mã nguồn mở Azure IoT Edge và mối quan hệ hợp tác giữa Microsoft và Github, giúp nền tảng dành cho nhà phát triển lớn nhất thế giới có thêm nhiều những tính năng của Azure. Hãng đã tỏ ra quan tâm tới mã nguồn mở từ khá lâu, khi tại Build 2017, Linux đã được đưa lên Microsoft Store, và tại Build 2016, người dùng có thể thực thi mã lệnh Linux ngay trên Windows.
Những điều trên có vẻ không có nghĩa gì nếu bạn không phải là một nhà phát triển. Nhưng nếu có, thì điều đó có nghĩa là các nền tảng và dịch vụ của Microsoft sẽ trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn, bạn sẽ có nhiều thông tin chi tiết về cách thức hoạt động hơn, từ đó giúp bạn thiết kế ra những phần mềm tối ưu cho Microsoft. Trong thời kỳ của CEO mới, Satya Nadella, Microsoft đã đẩy mạnh các dự án mã nguồn mở, và thực tế đang diễn ra như vậy, đây sẽ là tương lai của Microsoft.
Điều này lại đang ngược lại hoàn toàn với Facebook. Vốn là một công ty cũng rất cởi mở với các nhà phát triển, nhưng sau vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica, họ bắt đầu thay đổi chính sách của mình. Tại hội nghị F8, Facebook cho biết họ sẽ thắt chặt các chính sách của mình với các nhà phát triển, nghĩa là sẽ không còn cởi mở như trước nữa, và điều này sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho Facebook. Chính sách mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với các nhà phát triển? Làm cách nào để bảo vệ người tiêu dùng nhưng cũng bảo đảm quyền lợi của các đối tác? Không ai biết được Facebook sẽ làm thế nào.
Đó là lý do tại sao trong một cuộc thăm dò gần đây, Facebook là công ty công nghệ có độ tin cậy thấp nhất hiện nay, trong khi đó Microsoft đứng thứ ba.
Một cái nhìn cho cộng đồng đầy thú vị
Tính rõ ràng, sự minh bạch là một phần trong nỗ lực đi lên của Microsort, nhưng đó không phải là tất cả. Công ty cũng thu được những lợi ích lớn nhờ vào các chương trình đóng góp cho cộng đồng của mình. Điều đó vẫn tiếp tục tại Build 2018, với việc công bố chương trình "AI dành cho người khuyết tật" cùng khoản đầu tư 25 triệu USD. Đó chỉ là một trong danh sách dài các chương trình như vậy của Microsoft. Năm ngoái, Microsoft cũng đã tài trợ cho Project Emma, dự án thiết kế chiếc vòng đeo tay giúp các bệnh nhân bị bệnh Parkinson có thể viết, vẽ trở lại.
Ngoài số lượng lớn các công việc đóng góp cho xã hội, Microsoft còn mang đến một cái nhìn mới lạ hơn. Chắc chắn Project Loon của Google nhằm mang internet đến những vùng xa xôi, thảm họa, hay như tính năng Kiểm tra an toàn của Facebook thực sự giúp đỡ rất nhiều người. Tuy nhiên, họ chỉ phục vụ bạn như là một người tiêu dùng, bởi vì bạn mang lại giá trị cho họ.
Còn Microsoft thì khác, họ không coi bạn là một sản phẩm của các chương trình của họ. Trên thực tế, những công nghệ mà Microsoft phát triển cũng như tài trợ, đều nhắm đến những tổ chức lớn, các tập đoàn, chính phủ và tổ chức từ thiện chứ không hướng đến người dân cụ thể. Do đó các dự án của họ có chất lượng cao hơn.
Họ không xin lỗi
Có một phần quan trọng trong mảnh ghép Microsoft – có lẽ là phần quan trọng nhất. Đó không phải là những gì mà Satya Nadella hay bất kỳ ai khác tại Build 2018 nói, mà là những gì họ không nói.
Microsoft không hề xin lỗi ai cả.
Bởi vì họ không có lỗi gì để mà phải xin lỗi cả. Không có công ty nào là hoàn hảo, nhưng Microsoft hầu như không có bất kỳ scandal nào nghiêm trọng trong những năm gần đây. Họ cung cấp một loạt các công cụ giúp bạn quản lý được dữ liệu cá nhân của bạn, họ tăng cường bảo mật cho Windows, tích cực theo đuổi các vụ kiện chống lại chính phủ để bảo về quyền riêng tư của bạn.
Đó có thể coi là một thành công của Microsoft, ít nhất là khi so sánh với những công ty công nghệ khác. Đó là điều mà Apple từ lâu đã hiểu, còn Facebook và Google vẫn chưa hoàn thiện được. Chính hành động, chứ không phải những lời nói để làm người khác tin tưởng – và Microsoft thực sự đã hành động, họ đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của họ so với những thập niên trước.
Trí Nguyễn
Nguồn Người đồng hành