Fintech Việt Nam có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020
Việt Nam có thể trở thành người đi đầu trong lĩnh vực fintech.
Ảnh hưởng của fintech (tài chính công nghệ) đang ngày càng tăng trên thế giới. Theo PricewaterhouseCoopers, các start-up về fintech đã thu hút được hơn 40 tỷ USD trong 4 năm qua.
Chỉ riêng từ tháng 1/2016 đến tháng 2/2017, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận được gần 15 tỷ USD đầu tư vào fintech. Cơ hội của fintech là rõ ràng và Việt Nam đang tranh thủ thời cơ.
Không có giới hạn
Thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD năm 2017 và sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu từ Solidiance, công ty tham vấn tập trung vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong báo cáo gần đây, tiêu đề “Mở khóa tiềm năng phát triển fintech của Việt Nam”, Solidiance cho rằng fintech Việt Nam phát triển nhờ những yếu tố như tỷ lệ phổ biến của Internet và điện thoại thông minh trong các trung tâm đô thị, ví điện tử ngày càng phổ biến, thu nhập tăng, tiêu dung tăng và lĩnh vực thương mại điện tử phát triển.
Solidiance nhận định chính phủ Việt Nam cũng có vai trò tích cực khi tạo ra “khung quy tắc ngày càng có tính hỗ trợ”, thông qua việc lập Ban chỉ đạo fintech cùng nhiều biện pháp khác. Nếu chính phủ Việt Nam thành công trong kế hoạch 70% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng trong hai năm tới, thị trường fintech sẽ được thúc đẩy hơn nữa.
Michael Sieburg, chuyên gia tại Solidiance, nói điều đó còn phụ thuộc vào những động thái tiếp theo của chính phủ Việt Nam.
“Quan trọng là phải biết định hướng phát triển của Ban chỉ đạo fintech, thể hiện sự nghiêm túc của chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một khung hướng dẫn ngành công nghiệp fintech đi lên”, theo Sieburg. “Một vấn đề nữa cần chú ý là tốc độ các sản phẩm và dịch vụ mới được hướng dẫn pháp lý ra sao, để họ có thể dự đoán được thị trường và giảm rủi ro khi hoạt động".
Sieburg cho rằng thời gian phê duyệt pháp lý kéo dài gây cản trở sự sáng tạo, cản trở Việt Nam trở thành người đi đầu trong fintech.
Thúc đẩy số hóa
Hiện tại, các giải pháp thanh toán kỹ thuật số chiếm 89% thị trường fintech Việt Nam. Solidiance dự đoán lĩnh vực tài chính cá nhân và công ty sẽ tăng tương ứng lên 31,2% và 35,9% vào năm 2025. Sự tăng trưởng này phần nào được thúc đẩy bằng nỗ lực của chính phủ trong việc hạn chế thanh toán sử dụng tiền mặt. Năm 2017, Việt Nam thông báo kế hoạch giảm sử dụng tiền mặt tại các trung tâm mua sắm, cửa hàng và nhà phân phối xuống dưới 10% vào năm 2020.
Để điều đó thành hiện thực, Việt Nam cần cải thiện chỉ số Tài chính toàn diện. Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luận chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đến năm 2014, chỉ 31% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản giao dịch chính thức, theo World Bank. Có nhiều lý do cho tinh trạng trên, gồm chi phí cao, thủ tục nhiều giấy tờ, khách hàng khó tiếp cận dịch vụ và nghi ngờ trong lĩnh vực tài chính.
'Đòn bẩy' điện thoại di động
Quá trình cải thiện Tài chính toàn diện có thể được thúc đẩy bởi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, Sieburg cho biết.
Năm 2017, 84% người dùng điện thoại di động ở Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số có thể giúp thu hút những người khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống, mở đường hướng đến một xã hội không tiền mặt hoặc ít tiền mặt.
“Thanh toán kỹ thuật số có thể thay đổi không chỉ thị trường bán lẻ, thanh toán hóa đơn mà còn cả trong thanh toán giữa chính phủ với người dân, đặc biệt là khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa thể phát triển tại một số vùng nông thôn”, theo Sieburg.
Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để thực hiện tham vọng fintech. Sieburg dự báo trong thập kỷ tiếp theo, Việt Nam sẽ đi đầu trong phát triển các giải pháp fintech.
“Việt Nam có nội lực… người dân sẵn sàng đón nhận công nghệ mới, thúc đẩy sáng tạo. Tôi háo hức muốn biết tương lai nơi đây sẽ như thế nào”, ông nói.
Như Tâm / Forbes
Nguồn Người đồng hành