Nhà đầu tư Thái "lấn chiếm" ngành bán lẻ

Với một loạt thương hiệu Big C, MM Mega Market, Robins, Nguyễn Kim, Bmart, Lan Chi Mart, C-Epress..., các nhà đầu tư Thái nắm hầu hết các ngành bán lẻ khi có đầy đủ những loại hình từ trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, trung tâm điện máy, cửa hàng tiện lợi.

Central Group Việt Nam (CGV) là một trong những doanh nghiệp nước ngoài khiến nhiều đối thủ e dè. Năm 2015, sau hơn 4 năm thành lập, CGV đã mua 49% cổ phần tại Nguyễn Kim. Năm 2016, CGV liên tiếp sở hữu 2 thương hiệu khác là Big C Việt Nam và Lan Chi Mart. Thông qua các thương vụ M&A để thâu tóm các thương hiệu bán lẻ, Central Group Việt Nam còn đưa các thương hiệu từ Thái và các nước khác vào Việt Nam.

Tính đến nay, Central Group Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bán lẻ rộng lớn khi có đến 230 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng. Nhà đầu tư này tập trung vào bán lẻ đa ngành và đa kênh, gồm đại siêu thị và siêu thị Big C, hệ thống cửa hàng tiện lợi C-Express, siêu thị điện máy và trang thương mại điện tử Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị Lan Chi Mart, trung tâm mua sắm Robins, hệ thống cửa hàng thời trang Dalala, cửa hàng thể thao Supersports, văn phòng phẩm B2S và một loạt thương hiệu quốc tế như Lee, F&F, Crocs, Fila...

Còn với BJC - công ty con của TCC Holdings, người tiêu dùng cũng khó đoán được mức độ phủ thị trường bán lẻ của đơn vị này. Vì chỉ với MM Mega Market, BJC đã có 19 trung tâm thương mại cùng với 3 trạm trung chuyển tại Đà Lạt (cung cấp rau củ quả tươi), Đồng Nai (thịt heo tươi sống), Cần Thơ (thủy sản) và 2 tổng kho trung chuyển cung cấp thực phẩm tươi. Đó là chưa kể hệ thống cửa hàng tiện lợi Bsmart đang phủ rộng tại các thành phố lớn.

Nhà đầu tư Thái lấn chiếm ngành bán lẻ

Ảnh: X. Thảo.

Năm 2016, sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Metro Cash & Cary với phía Đức, BJC đã thay đổi nhận diện thương hiệu (chuyển tên thành MM Mega Market Việt Nam) và thực hiện chiến lược kinh doanh với mô hình B2B và B2C, trong đó tập trung 70% cho B2B và 30% cho B2C.

Ông Phidsanu Pongwatana - Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, Công ty đang xây dựng trạm trung chuyển thịt heo đầu tiên tại miền Bắc. Năm tới, MM Mege Market Việt Nam sẽ mở từ 1 - 3 trung tâm phân phối ở phía Bắc mà trung tâm đầu tiên là tại Hà Nội. Chuẩn bị cho kế hoạch này, MM Mega Maket đang cần tuyển dụng hơn 700 nhân sự.

Năm 2017, Central Group Việt công bố đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng diện tích mặt bằng cho thuê tại Việt Nam lên gấp đôi so với mức 470.000m2 đang có. Cùng với đó, Central Group - công ty mẹ tại Thái Lan cũng muốn đầu tư thêm 6,4 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng thị trường nội địa và nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam. Bởi với doanh nghiệp này, Việt Nam là trọng tâm trong kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn.

Đây là thị trường tiềm năng và được kỳ vọng phát triển gấp 4 lần về doanh thu cho Tập đoàn trong 5 năm tới. Năm nay, Central Group hướng tới doanh thu gần 13 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017. Theo ông Tos Chirathivat - CEO Central Group, đến năm 2022, Tập đoàn dự định nâng số cửa hàng tại Thái Lan từ 4.970 lên hơn 7.500 và mở thêm hơn 500 cửa hàng tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư Thái quan tâm tới thị trường Việt Nam vì Việt Nam đang có hướng phát triển như Thái Lan vài thập niên trước, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Bên cạnh đó, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng tăng mạnh và hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng đã xuống mức 0% giúp Việt Nam trở thành thị trường rất lớn trong khu vực ASEAN.

Tính đến tháng 3/2018, vốn lũy kế đăng ký của các nhà đầu tư Thái trị giá hơn 9,3 tỷ USD với 490 dự án, xếp thứ 10 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Thái Lan từ 5,78 tỷ USD năm 2009 lên 9,41 tỷ USD năm 2013,11,5 tỷ USD năm 2015 và 12,5 tỷ USD năm 2016. Năm 2017, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với 15,11 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với cả khối ASEAN. Thái Lan là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong ASEAN và hướng tới đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.

Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn