Digital Marketing phải chăng đang đang bị thổi phồng?
Điều khiến vị trí Digital Marketing trở nên khan hiếm và vụt đắt giá chính bởi sự thiếu hụt tính chất kỹ thuật của lực lượng Marketing truyền thống. Hòa vào đó là niềm mơ hồ về công nghệ của các lãnh đạo doanh nghiệp.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Mặc dù, tôi là người đang được hưởng nhiều lợi thế từ việc Digital Marketing lên ngôi như hiện nay nhờ có nền tảng đào tạo cũng thực hành về cả Marketing-Kinh doanh và Lập trình ứng dụng. Đặc biệt là đã trải qua từ mức độ tay chân đến mức độ có quan hệ gần gũi với cộng đồng Start-up để tiếp nhận sự cập nhật thường xuyên. Nhưng tôi phải cho rằng, vị trí này tại Việt Nam đang bị thổi phồng hoặc gây bối rối quá mức, một cách đáng ra có thể tránh được, với nhiều tổ chức.
Về bối cảnh chung
Trong quá trình chuyển đổi môi trường tương tác của người tiêu dùng một cách nhanh chóng từ ấn phẩm in sang điện tử, từ TV sang Mobile, từ tiếp nhận thông tin sang xuất bản thông tin, từ giao tiếp trực tiếp sang mạng xã hội,…như hiện nay, các hoạt động Marketing truyền thống bị choáng ngợp và tác động mạnh mẽ bởi các kênh truyền thông Digital thay thế. Tốc độ chuyển đổi của công nghệ, các dữ liệu về hành vi khách hàng nhanh chóng lạc hậu, sự tăng trưởng ngoạn mục của đối thủ, những huyền thoại về "Growth Hacking" hay các "kỳ lân" càng khiến mọi "tay chơi" nóng ruột, rối bời.
Theo trưởng phòng tuyển dụng một Group hàng đầu về khởi nghiệp tại Hà Nội chia sẻ: "Việc tuyển được người giờ khó khăn hơn, mức lương cũng bị đẩy lên cao thêm 30%. Một nhân viên Digital Marketing được tuyển dụng chỉ với 1-2 năm kinh nghiệm cũng được trả lương từ 10 triệu đồng/tháng trở lên". Nhu cầu này đã được sớm dự báo từ vài năm trước khi chỉ trong vòng 2 tháng giữa năm 2015, một Website tuyển dụng đã ghi nhận tới 196.593 hồ sơ tuyển dụng cho các vị trí Digital & Online Marketing.
Về thị trường nhân sự
Điều khiến vị trí Digital Marketing trở nên khan hiếm và vụt đắt giá chính bởi sự thiếu hụt tính chất kỹ thuật của lực lượng Marketing truyền thống. Hòa vào đó là niềm mơ hồ về công nghệ của các lãnh đạo doanh nghiệp. Từ sự mơ hồ và sợ tụt hậu, các doanh nghiệp đổ xô tuyển dụng vị trí mới nổi này ngay cả khi một bức tranh tổng thể về Marketing với Digital trong đội hình còn chưa hoàn thiện. Biểu hiện tiêu biểu cho điều này là các buổi phỏng vấn thường cực kỳ chi tiết, danh mục các kỹ năng và hiểu biết về Platform, Channel, Tool cho ứng viên dài hơn cả trang giấy nhưng KPI lúc nhận việc thì lại không đầy đủ, chưa nói đến là ở mức giản đơn. Mức giá nhân lực trên thị trường càng thêm nhiễu loạn.
Trong khi tính kỹ thuật được đề cao thì cái cốt lõi về Marketing không toàn diện hoặc thái độ nhầm lẫn rằng "làm việc trong phòng Marketing có nghĩa là một Marketer" lại khiến những người làm Digital Marketing – vốn được bố trí tương đối độc lập trong tổ chức Marketing nhờ bức màn kỹ thuật – dễ trở nên thiếu thấu hiểu mục tiêu chung, có các phương án tiệp cận sai lạc, dễ ngụy biện hoặc trở nên không chủ động và chỉ chờ đợi các mệnh lệnh cụ thể.
Về giải pháp: Đừng chia tách Marketing truyền thống và Digital Marketing
Tôi cho rằng cái gốc của hoạt động Marketing là dữ liệu và sự sáng tạo trong hành xử với dữ liệu nắm giữ. Bản chất của Digital Marketing lại là các Platform và sự đa dạng của Channel và Tool so với Marketing truyền thống. Bản chất của Platform là sở hữu, nắm giữ và năng lực tiếp cận với Data.
Việc tách bạch bộ phận Digital Marketing thành một dòng song song với Marketing truyền thống là lãng phí và mang lại sự thiếu đồng bộ trong hoạt động.
Do bản chất của hoạt động Digital Marketing và Marketing truyền thống là tương đồng nhau về mục tiêu, tư duy. Điểm khác duy nhất là môi trường tiếp cận nên việc tách bạch bộ phận Digital Marketing thành một dòng song song với Marketing truyền thống là lãng phí và mang lại sự thiếu đồng bộ trong hoạt động. Tôi từng có kinh nghiệm cụ thể trong triển khai một chiến dịch khảo sát khách hàng của một doanh nghiệp, khi họ chia việc trong tiếp nhận ý kiến khách hàng cho cả hai nhánh cùng triển khai thì mang lại kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, bởi thiếu phối hợp trong đối chiếu Profile nhóm người dùng.
Các doanh nghiệp cũng có thể nên cân nhắc để tạo nên các "chuyên gia nằm vùng" để tư vấn lãnh đạo Digital Strategy, đào tạo nội bộ trong giai đoạn chuyển đổi và thẩm định Agency đồng thời với trang bị các kỹ năng Digital Marketing cho lực lượng Marketing truyền thống. Bởi việc hoàn toàn ủy thác cho các Digital Agency có thể dẫn đến sự xa rời kế hoạch Marketing tổng thể cũng như xói mòn sự gắn kết trong hoạt động chung.
Cách tiếp cận này có đầy đủ tính khả thi bởi độ khó của thực hành của Digital Marketing ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Với sức mạnh công nghệ, đặc biệt là AI và Big Data, các Platform như Google, Facebook,… sẽ đi tới tự động tối ưu giúp người dùng (chạy quảng cáo) một cách chính xác hơn. Nhiều công nghệ của bên thứ ba ra đời cũng sẽ giúp việc phối hợp các kênh và đo lường thuận tiện hơn. Theo kinh nghiệm cá nhân, nhất thể hóa Digital Marketing vào Marketing truyền thống một cách hiệu quả không quá khó, nếu 03 bài toán sau được giải quyết:
- Đặt được nó vào một chỉnh thể Marketing chung (Master Plan), từ chiến lược, cách phối hợp, cho tới ngân sách.
- Tạo ra các chỉ tiêu cụ thể Marketing rồi áp dụng chiến thuật Digital phù hợp, thay vì bó hẹp trong các Platform danh tiếng Chuyển đổi nhân sự Marketing truyền thống sang lĩnh hội và làm chủ các công cụ Digital Marketing.
- Hiện nay rất nhiều khóa học Marketing Online chất lượng có giá phải chăng dễ dàng tham khảo. Không nắm được, là bởi kém năng lực, yếu thể lực hoặc lười biếng. Cá nhân tôi cũng không cho là dễ nhưng hoàn toàn có thể vượt qua. Thời gian tìm hiểu và thử một Tool/Channel mới từ Zero tới mức độ đủ dùng cũng không mất quá thời gian.
Việc hoàn toàn ủy thác cho các Digital Agency có thể dẫn đến sự xa rời kế hoạch Marketing tổng thể cũng như xói mòn sự gắn kết trong hoạt động chung.
Nhìn lại, đã làm Marketing trước tiên phải hiểu về Marketing còn việc "khó" trong phối hợp đội Digital Marketing hiệu quả có lẽ đến từ sự rạn nứt hoặc không đồng đều trong 03 khía cạnh:
- Hiểu về cách hành xử với dữ liệu để đạt được mục tiêu doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn – Chất Marketing
- Hiểu về kỹ thuật để cập nhật các Platform, Channel, Tool mới cũng như tạo dựng các Digital Assets cho doanh nghiệp. Kiểm định kết quả từ các Agency. – Chất Kỹ thuật
- Sự thấu hiểu và niềm tin từ lãnh đạo để đầu tư vào những thứ mới mẻ, phức tạp và đắt đỏ (nguồn lực).
Bởi vậy, các tổ chức lớn sẽ không hiệu quả trong Digital Marketing bằng các SME hoặc Start up. Bởi các đơn vị này có thể nhanh chóng triển khai và dám thử các kênh dẫn Data hoặc Platform mới. Do với Start-up thì Digital Marketing là kênh chủ yếu nhờ chi phí thấp, còn CEO và Head of Marketing thường cách nhau có 50cm của bàn trà đá mà thôi.
Đỗ Quốc Việt Anh
Nguồn Trí thức trẻ