Thời trang trong xu hướng thương mại điện tử
Năm 2018, thời trang sẽ được xem là một trong những ngành hàng mũi nhọn để Lazada đẩy mạnh phát triển trong chiến lược của mình.
Ngành hàng thu hút người tiêu dùng
Với việc bùng nổ về nhu cầu mua sắm của ngành hàng thời trang năm 2017, một số nhận định từ kết quả khảo sát các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy lĩnh vực này sẽ là một trong những xu hướng chiến lược theo chiều sâu của thương mại điện tử.
Theo Báo cáo về thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Q&ME năm 2017, có đến 73% khách hàng mua sắm mặt hàng thời trang trên các kênh trực tuyến, bỏ xa các sản phẩm đứng vị trí thứ 2 và 3 là các sản phẩm về công nghệ và mỹ phẩm với tỷ lệ lần lượt chỉ ở mức 36 và 33%. Theo nhiều nhận định chung đây cũng chính là nhóm 3 sản phẩm luôn giữ vị trí đứng đầu về doanh số bán, tiếp theo sau đó là các ngành hàng về thực phẩm và đồ uống, sách và các ngành hàng gia dụng…
Mặt khác, dư địa phát triển thương mại điện tử còn khá lớn nên sự tăng trưởng về số lượng nhà bán hàng và mặt hàng còn khá phong phú và tận dụng được tính tiện lợi tiết kiệm được thời gian và chi phí nên tạo được sự hấp dẫn cho khách hàng với nhiều phân khúc khác nhau.
Các ngành hàng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đang được thúc đẩy phát triển về doanh số bán trước sự nở rộ của thương mại điện tử.
Lazada trong chiến lược đa chiều
Đang dẫn đầu thị trường TMĐT với hơn 120 gian hàng chính hãng, năm 2018 Lazada sẽ tiếp tục xây dựng kênh phân phối mới cho hàng loạt những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang như Calvin Klein Jeans, Calvin Klein Underwear, Levis, Dune và Diesel thông qua việc hợp tác với ACFC, một trong những đơn vị sở hữu hàng loạt các thương hiệu thời trang quốc tế.
“Từ lâu, các thương hiệu thời trang thuộc ACFC&CMFC (hay gọi là IPP Downtown) được người Việt Nam yêu thích, việc hợp tác cùng với Lazada sẽ giúp những sản phẩm này đến gần với người Việt hơn”, đại diện ACFC cho biết.
Việc mua sắm theo phương châm “thuận mua vừa bán” của văn hóa tiêu dung người Việt cũng được Q&ME đánh giá thông qua việc xem xét về giá cả, cách thức mua bán thuận tiện nhưng việc để mua được những sản phẩm chính hãng được đảm bảo bởi nhà cung cấp vân chưa hoàn toàn được giải quyết triệt để.
Theo đó, Q&ME cho rằng hầu hết khách hàng vẫn chỉ có thể dễ dàng chấp nhận mua sản phẩm thông qua sự giới thiệu và các lượt đánh giá, nhận xét từ những khách hàng khác. Do đó, với việc hợp tác với ACFC lần này, đều tạo nên được sự cộng hưởng về lợi ích cho nhiều bên. Khách hàng của Lazada có thể mua được sản phẩm chính hãng và ngược lại, ACFC cũng có thêm kênh phân phối tiếp cận nhanh chóng hơn với người tiêu dùng thay vì chỉ thông qua những địa chỉ tại các trung tâm mua sắm.
“Năm 2018, Lazada sẽ chú trọng đến việc hợp tác với các thương hiệu thời trang nổi tiếng và các bộ sưu tập thời trang được yêu thích trong và ngoài nước để người tiêu dùng có thêm nhiều kênh mua sắm thuận tiện và dễ dàng hơn”, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Thương hiệu, cho biết.
Lazada hiện đang sở hữu lượng truy cập với hơn 30 triệu lượt truy cập hàng tháng, có hơn hơn 2 triệu sản phẩm thuộc 16 ngành hàng từ 120 gian hàng chính hãng và hàng ngàn nhà bán hàng khác.
Với nhiều chiến lược thu hút, kích thích mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thực hiện trong suốt thời gian qua. Mới đây, các nhà bán lẻ đối tác của hãng này đã được công bố miễn phí hoa hồng, đồng thời được cung cấp nền tảng mở để mỗi nhà bán hàng được tiếp cận thông tin về hành vi khách hàng và thói quen mua sắm.
Theo đó, Lazada sẽ đầu tư vào công nghệ dữ liệu (Big Data) và AI (trí tuệ nhân tạo) giúp tối ưu công cụ tìm kiếm và gợi ý sản phẩm hay thương thức thanh toán, phương thức giao hàng phù hợp với từng khách hàng trên Lazada.
Cùng với việc tấn công một số thị trường ở các nước tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore, Thái Lan. Có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 2012, trong 6 năm chinh phục người Việt Nam. Lazada giữ vai trò kết nối hơn 100.000 các nhà bán hàng hàng tại địa phương và bên ngoài khu vực.
Với hơn 2.500 thương hiệu sản phẩm, Lazada dường như thể hiện rõ hơn tham vọng chinh phục được sở thích và nhu cầu mua sắm của hơn 560 triệu khách hàng. Riêng tại Việt Nam, Lazada đã có 4 nhà kho lớn tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, và 43 trung tâm giao nhận. Đặc biệt là linh hoạt các phương thức thanh toán dưới nhiều hình thức khác nhau cũng như các dịch vụ chăm sóc khách hàng, đổi trả hàng linh hoạt thông qua hệ thống giao nhận riêng của Lazada hơn 80 đối tác vận tải.
Tháng 3 vừa qua, Alibaba cho biết sẽ chi thêm 2 tỷ USD để gia tăng đầu tư vào Lazada lên 4 tỷ USD. Giới phân tích nhận định Lazada sẽ có thêm nguồn tiền để tiếp tục chiến đấu với các đối thủ của mình trong cuộc chiến giành thị phần. Trao đổi với Nikkei, Lazada cho biết khoản đầu tư 2 tỷ USD sẽ được dành để xây dựng các cơ sở logictics để phục vụ tốt hơn cho khu vực.
Theo Q&ME, quy mô thị trường TMĐT hiện có sức tăng trưởng khá ổn định trong khoảng 49%/năm. Dự kiến đến năm 2020, giá trị thị trường sẽ nhanh chóng chạm mốc 10 tỷ đô la Mỹ. Thời gian qua,Việt Nam đã chứng kiến sự nở rộ của cổng thanh toán và các dịch vụ kèm theo, nhiều công ty chuyển phát mới được ra đời đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho TMĐT. Sự phát triển chung của các doanh nghiệp tham gia sân chơi này đã tạo nên sự năng động cho thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
Sự sôi nổi của thị trường thể hiện nhiều hơn ở việc nhiều chương trình khuyến mại kích thích mua sắm của người tiêu dùng khắp cả nước thông qua các kênh mua sắm trực tuyến. Nhân sinh nhật lần thứ 6 tại thị trường Việt Nam, Lazada cũng thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi với những sản phẩm công nghệ như điện thoại, mỹ phẩm… Trong đợt cao điểm của cuộc “cách mạng mua sắm trực tuyến” đã có hơn 1,5 triệu sản phẩm được đơn vị này bán ra chỉ trong 3 ngày.
Đức Tài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư