Grab triển khai GrabFood tại Việt Nam
Grab mở rộng dịch vụ GrabFood ra ngoài Indonesia và Thái Lan đến các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, bắt đầu với Việt Nam.
Ngày 9/5, Grab chính thức công bố tầm nhìn thành phố thông minh nhằm hướng đến một tương lai bao gồm di chuyển liền mạch, giao nhận thức ăn, logistics, thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ tài chính cho người dân Đông Nam Á - tất cả thông qua một ứng dụng.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 10/5, Grab sẽ chính thức triển khai phiên bản thử nghiệm dịch vụ GrabFood trong ứng dụng Grab, cho phép khách hàng tại Việt Nam có thể đặt thức ăn từ nhà hàng/quán ăn gần họ. Không yêu cầu đơn hàng tối thiểu, khách hàng có thể đặt những món ăn yêu thích trong danh mục nhà hàng, và yên tâm tận hưởng sự tiện lợi khi món ăn yêu thích được giao đến nhanh chóng, tận tay.
“GrabFood đáp ứng những nhu cầu này của khách hàng, đồng thời, tạo cơ hội gia tăng thu nhập và doanh thu cho các đối tác kinh doanh và đối tác giao nhận bằng cách không ngừng sáng tạo, và tích hợp nhiều tính năng sản phẩm mới”, đại diện Grab cho biết..
Với phiên bản ứng dụng dành riêng cho các đối tác kinh doanh, các đối tác kinh doanh của Grab có thể cập nhật thông tin, ví dụ như giờ mở cửa, số chỗ còn trống, thực đơn thay đổi, thông tin nếu doanh nghiệp muốn đóng cửa sớm hơn vào một số thời điểm nhất định trong ngày, hay cửa hàng đã hết một món ăn nào đó ngay trên ứng dụng Grab...
Grab đặt tầm nhìn xây dựng một ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày, hướng đến tương lai cho các thành phố thông minh. Grab đã thực hiện một cuộc khảo sát với người dùng trong khu vực để tìm hiểu xem người dân Đông Nam Á hình dung Grab sẽ như thế nào trong 10 năm tới. Phần lớn trong số 500 khách hàng đều mong muốn Grab sẽ trở thành ứng dụng một điểm đến (one-stop app) để sử dụng hằng ngày - một ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Như vậy, Grab đang khép kín hệ sinh thái trong tầm nhìn của mình về thành phố thông minh. Cùng với di chuyển và dịch vụ thanh toán, công nghệ tài chính của Grab mang đến cơ hội kinh doanh mới cho hàng triệu người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, đối tác tài xế và doanh nghiệp nhỏ khắp Đông Nam Á.
Tính đến nay, hơn 6 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ khắp khu vực đã tham gia vào nền tảng Grab, và Grab đặt mục tiêu hướng đến 100 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ trước năm 2020.
“Bằng cách xây dựng một nền tảng công nghệ đáp ứng mọi nhu cầu quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày của khách hàng, chúng tôi đang mang đến những lợi ích thiết thực cho toàn bộ hệ sinh thái kết nối người dùng, không chỉ bao gồm khách hàng và đối tác tài xế mà còn gồm cả các đại lý, đối tác kinh doanh và đối tác giao nhận đang gia tăng nhanh chóng. Chúng tôi có thể giúp tất cả mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, phát triển việc kinh doanh của mình và phục vụ khách hàng tốt hơn thông qua việc kết nối các dịch vụ trên ứng dụng Grab", ông Jerry Lim, Giám đốc Grab, cho biết thêm.
An Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư