Digiworld đặt cược vào hàng tiêu dùng

Công ty Cổ phần Thế Giới Số đã trình kế hoạch doanh thu 200 tỉ đồng chỉ riêng từ mảng phân phối sản phẩm tiêu dùng.

Không còn dè dặt, năm nay, trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld - DGW) đã trình kế hoạch doanh thu 200 tỉ đồng chỉ riêng từ mảng phân phối sản phẩm tiêu dùng (FMCG, gồm cả thực phẩm chăm sóc sức khỏe). Con số này tăng gấp 4 lần năm ngoái. Điều gì khiến DGW đi đến quyết định táo bạo này?

DGW chỉ mới nhảy vào lĩnh vực phân phối FMCG gần đây. Trong 20 năm qua, vị trí của DGW là ở mảng phân phối sản phẩm công nghệ. DGW khá thành công trong phân phối sản phẩm cho Acer, Asus, Dell, HP, Philips, Ricoh, Sharp, Xiaomi... Theo báo cáo tài chính mới nhất của DGW, sản phẩm công nghệ đã và vẫn là nguồn thu quan trọng của Công ty. Cụ thể, trong 3.820 tỉ đồng doanh thu năm 2017 của DGW, có tới 59,3% doanh thu đến từ mảng máy tính xách tay và máy tính bảng.

Trong khi đó, mảng phân phối điện thoại và thiết bị văn phòng lần lượt đóng góp khoảng 19,7% doanh thu. Còn nguồn thu từ phân phối sản phẩm FMCG chưa đáng kể, chỉ đạt 50 tỉ đồng, chiếm 1,3% tổng doanh thu. Nhưng từ năm nay, trong kế hoạch, doanh thu hàng tiêu dùng (65% là FMCG, 35% là chăm sóc sức khỏe) sẽ là 200 tỉ đồng, ước chiếm 4,2% tổng doanh thu của DGW trong năm 2018. Xa hơn, đến năm 2020, lãnh đạo DGW tin rằng, Công ty có thể đạt 600 tỉ đồng từ FMCG.

Digiworld đặt cược vào hàng tiêu dùng

Quý Hòa.

Tuy nhiên, phân phối hàng FMCG sẽ có những thách thức nhất định. Đặc biệt, cạnh tranh ngành này khốc liệt, khi phải đối đầu với hàng trăm đối thủ, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Công ty Dược liệu Trung ương II, Vimedimex, Dapharco, Khương Duy, Hapharco, Eco, Sapharco (mảng phân phối dược) hay BT Group (mảng FMCG).

Nhưng ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DGW, nhấn mạnh Công ty nhìn thấy cơ hội cho mình, đặc biệt từ quy mô 6 tỉ USD của ngành thực phẩm chức năng và từ thu nhập trung bình của người dân ngày càng tăng cao. Ngoài ra, theo quan điểm của lãnh đạo DGW, “khi vào một thị trường đang tăng trưởng thì ai cũng có phần. Nếu đi đúng hướng và làm tốt hơn, người đó sẽ chiếm được phần to hơn trong miếng bánh đang tăng trưởng”.

Theo tính toán của DGW, nếu làm tốt và làm hết các khâu, với khả năng triển khai dịch vụ phát triển thị trường (MES), gồm chiến lược, marketing, bán hàng, hậu cần, hậu mãi, DGW có thể đạt biên lợi nhuận trên 60%. DGW xem đây như điểm khác biệt giữa Công ty với các đối thủ khi tiến công ngành này. Ngoài ra, ngách nhỏ mà DGW tấn công là sẽ ưu tiên bắt tay với các nhà cung cấp có sản phẩm tốt, được kiểm định bởi các bác sĩ, phù hợp nhu cầu thị trường (sản phẩm liên quan đến sức khỏe, làm đẹp, bổ trợ...), nhưng mới gia nhập hoặc chưa được xây dựng hình ảnh thương hiệu bài bản, phát triển theo đúng tiềm năng của mình.

Ở phân khúc này, các đối thủ mạnh của DGW sẽ ít nhòm ngó đến, vì quy mô nhỏ hoặc vì vấn đề xung đột lợi ích. Ví dụ, Traphaco, một doanh nghiệp đông dược lớn của Việt Nam với thế mạnh mạng lưới 24.000 nhà thuốc, đã tham gia phân phối sản phẩm của Natural Factors (Canada), Novartis (Thụy Sĩ). Chắc chắn Traphaco sẽ không phân phối sản phẩm cho các đơn vị trong cùng mảng đông dược.

Digiworld đặt cược vào hàng tiêu dùng

Trong bức tranh đó, tháng 8 năm ngoái, DGW đã thực hiện phân phối thực phẩm chức năng đầu tiên cho Kingsmen - sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh lý nam của Vinamedic. Mặc dù DGW chỉ phân phối Kingsmen trong chưa đầy 1 năm nhưng ông Đoàn Hồng Việt cho biết, các chỉ số về độ phủ, độ nhận diện thương hiệu, định vị sản phẩm… của Kingsmen đều cải thiện và ở mức khá hài lòng. Từ đây, DGW tiếp tục có các hợp đồng phân phối sản phẩm cho Dược Thống Nhất (thuốc không toa), Phú Bảo (khẩu trang y tế)...

Dự kiến trong năm 2018, DGW sẽ tiếp tục cho ra mắt 3 dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới, bao gồm nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe trẻ em, sản phẩm dành cho gan và sản phẩm hỗ trợ tuần hoàn máu. Trong đó, nhóm sản phẩm trẻ em sẽ là hàng nhập từ Mỹ.

DGW đã từng bước lấn sâu vào phân phối thực phẩm chức năng và hàng FMCG trên nền tảng và kinh nghiệm thực hiện MES cho các sản phẩm công nghệ của Wiko (Pháp), Obi Worldphone (Mỹ), hãng điện thoại Intex (Ấn Độ), Freetel (Nhật) và Xiaomi (Trung Quốc).

Ngoài ra, gần 2 năm qua, Công ty cũng đã có những hoạt động đầu tư như mời chuyên gia marketing Trần Bảo Minh tham gia vào Hội đồng Quản trị. Công ty cũng tuyển dụng hàng trăm trình dược viên. Đến nay, DGW đã tổ chức đội ngũ, phát triển mạng lưới tới 6.000 nhà thuốc. Mục tiêu của DGW là sẽ tiếp tục mở rộng độ phủ ở 20.000 nhà thuốc đến năm 2019, tức chiếm khoảng 50% số lượng nhà thuốc cả nước.

Digiworld đặt cược vào hàng tiêu dùngTrong một động thái chuẩn bị khác, tháng 10 năm ngoái, Digiworld đã mua lại 50,3% cổ phần Công ty CL - nhà phân phối độc quyền của Lion Corporation tại thị trường Việt Nam. Lion Corporation là công ty Nhật chuyên sản xuất chất tẩy rửa, xà bông, thuốc, các sản phẩm vệ sinh răng miệng, đồ vệ sinh cá nhân khác. Thông qua thâu tóm CL, DGW đã tiến thêm một bước trên thị trường FMCG, trực tiếp phân phối hàng FMCG cao cấp của Nhật như kem đánh răng Kodomo, kem tẩy trắng răng Zact Lion, bàn chải đánh răng Systema, nước giặt quần áo Essense, bột giặt Bio Zip, nước rửa chén Bubbi King...

Ưu thế cho DGW trong việc thâu tóm CL là Công ty có thể tận dụng kênh bán hàng tại hơn 800 siêu thị trên toàn quốc và trên 20.000 kênh bán hàng độc lập, nhỏ lẻ của CL. Đây là tiền đề để DGW tiến xa hơn trong mảng phân phối FMCG.

Nhưng ông Đoàn Hồng Việt nhấn mạnh, DGW chỉ phát triển mở rộng thêm phân phối thực phẩm chức năng và FMCG như một sự nắm bắt thời cơ và xu hướng mới. Công ty sẽ không buông bỏ mảng truyền thống là phân phối hàng ICT. Bằng chứng là trong kế hoạch 2018, nhóm các ngành truyền thống vẫn đóng góp chính và DGW đặt mục tiêu gia tăng nguồn thu từ cả mảng phân phối điện thoại, thiết bị văn phòng lẫn máy tính xách tay. DGW cũng sẽ tìm kiếm hợp tác với các nhãn hàng mới, nhằm duy trì tăng trưởng ở các mảng truyền thống.

Với những hợp đồng quan trọng, như hợp đồng phân phối độc quyền cho Xiaomi, DGW tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, dự kiến mở thêm cửa hàng Mi-Store để tăng trải nghiệm và gia tăng mua sắm, từ đó tăng thị phần điện thoại của Xiaomi tại Việt Nam, vượt hơn 5,3%, đứng thứ 4 hiện nay (theo số liệu của Gfk).

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư