“Cơn lốc” trà sữa có thực sự hấp dẫn?
Với nhiều mức giá, hương vị, giao hàng tận nơi, trà sữa đang ngày càng thu hút nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Tuy nhiên, việc kinh doanh mặt hàng này không "ngọt ngào" dành cho tất cả.
Có khoảng 30 thương hiệu trà sữa tại Việt Nam và họ đang điều hành 1.500 cửa hàng. Những thương hiệu Đài Loan gồm có Gong Cha và Co Co cũng nằm trong số này.
Mỏ vàng khổng lồ
Trào lưu trà sữa không phải mới tại Việt Nam, mà đã du nhập vào từ những năm 2000 với công thức đơn giản là trà và sữa trộn cùng các hạt trân châu. Tuy nhiên, khi đó, thị trường chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ tự pha chế với giá bán khá rẻ.
Khoảng 4 năm trở lại đây, trào lưu trà sữa lại bùng phát trở lại với một bộ mặt mới khi thị trường có sự tham gia của hàng chục thương hiệu trà sữa quốc tế như Dingtea, Chago, Gongcha, Igongcha, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Wang Tea và Taiwan Tea Good Tea, Chatime, Bobapop, Citea Fun, Blackball… Trong số những tên tuổi đó, không chỉ có trà sữa Đài Loan – thương hiệu hàng đầu về mặt hàng này, mà còn có trà sữa Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore...
Ước tính, cả nước hiện có khoảng 30 thương hiệu trà sữa với 1.500 cửa hàng. Giá mỗi loại đồ uống giao động từ 30.000 tới 60.000 đồng (1,32 USD tới 2,64 USD), đắt hơn một chút so với một cốc cà phê. Dù mức giá khá cao nhưng nó vẫn không bớt đi độ "hot" với các khách hàng.
Nếu làm phép thử, tính lợi nhuận của một cốc trà sữa sau khi trừ hết các chi phí, con số được đưa ra là khoảng 60% so với chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, dự báo lâu dài khi mặt hàng này bớt sốt thì sẽ được bình quân trở lại ở mức 30-50%.
Hiện nay, trước "cơn sốt" trà sữa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các cửa hàng trà sữa mở rầm rộ hiện nay được đầu tư bởi các hệ thống nhượng quyền có thương hiệu, một số tên tuổi mới thì bắt đầu gây dựng thương hiệu nhưng đặc điểm chung của các thương hiệu này là đều lựa chọn hình thức tăng cường độ phủ sóng với hệ thống chuỗi các cửa hàng vệ tinh rộng khắp. Các cửa hàng đều được chọn mở ở những vị trí đẹp, thuận tiện giao thông. Không gian nột thất được trang trí trẻ trung kèm chất lượng phục vụ nhanh chóng… Ngoài ra, hệ thống giao hàng nhanh, giao hàng miễn phí của các cửa hàng cũng được xây dựng đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của các thượng đế.
Đánh giá về sự trở lại và thành công của mô hình trà sữa trong vài năm gần đây, các chuyên gia trong ngành F&B cho hay, ngành trà sữa được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tăng trưởng ổn định với tốc độ 5,7%/năm và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020, để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ (15-34 tuổi), đối tượng tiềm năng chiếm tới hơn 30% dân số Việt Nam.
Ngành trà sữa được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tăng trưởng ổn định với tốc độ 5,7%/năm và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020.
“Từ giờ đến 2020 thị trường trà sữa vẫn còn phát triển, nhưng mình nghĩ bây giờ có 100 thương hiệu thì sau này sẽ còn lại một vài thương hiệu mạnh. Chỉ thương hiệu nào duy trì chất lượng, dịch vụ cũng như thân thiện với khách hàng thì mới có thể tồn tại”, CEO của Aroi nhận định.
Rủi ro lớn?
Mặc dù các thương hiệu trà sữa quen thuộc đã có mạng lưới cửa hàng rộng và chỗ đứng vững trên thị trường, nhưng những thương hiệu trà sữa mới vẫn tiếp tục xuất hiện trên thị trường để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của các “tín đồ” trà sữa. Trà sữa Dream Tea tuy mới xuất hiện nhưng được nhiều người trẻ lựa chọn vì sự đa dạng của các vị trân châu như mật ong, matcha, thanh long, xoài… với giá 25.000-70.000 đồng/ly.
The Alley đến từ Đài Loan dù mới xuất hiện nhưng đã làm “dậy sóng” với sản phẩm mới lạ sữa tươi trân châu đường đen, tức chỉ có sữa và trân châu mà không có trà. Theo nhiều khách hàng, sản phẩm này có vị ngọt thanh vì sữa tươi không đường khi kết hợp cùng trân châu được làm từ mía sẽ giúp làm tăng hương vị. Mỗi ly như vậy có giá 60.000-80.000 đồng/ly.
Còn House of Cha, hoạt động mạnh tại thị trường Hà Nội và Đà Nẵng, lại có nhiều “tín đồ” bởi những ly trà sữa của thương hiệu này có những loại hoa quả, matcha được cho là tốt cho sức khỏe… với giá 35.000-50.000 đồng/ly. Nhiều người đánh giá sự khác biệt của House of Cha chính là vị trà đậm, kem sữa ngon béo, đặc biệt món matcha latte 3 tầng lạ miệng.
Ngoài những hương vị trà sữa quen thuộc, các cửa hàng đã kết hợp nhiều nguyên liệu để tạo nên hương vị mới lạ. Có thể kể đến dòng trà trái cây, với thành phần là nước cốt trà pha chế cùng syrup hoa quả (nước ép kết hợp tinh dầu hoa và rượu) hoặc trái cây tươi; yakult kết hợp giữa sữa chua và nước ép trái cây; milkshake được pha trộn giữa sữa tươi với sữa chua và các loại hương vị khác.
Tuy màu mỡ nhưng xu hướng của giới trẻ là luôn thay đổi, kém trung thành, do đó, việc đầu tư lớn cho chuỗi các cửa hàng trà sữa có thể gặp rủi ro rất lớn. Ví dụ có thể thấy, bài học từ những cái “chết yểu” của các trào lưu như cà phê take away, mì bay, mì cay 7 cấp độ,… Chính vì lý do đó, không ít chuyên gia cho rằng, thị trường trà sữa không phải “cuộc chiến” ngọt ngào dành cho tất cả.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia F&B Trần Anh Khoa: “Bán cà phê thì có thể bán trong hẻm, nhưng trà sữa thì không. Vì vậy, mặt bằng là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của loại hình kinh doanh này”.
Bên cạnh đó, quán phải thiết kế đẹp, có phong cách đặc trưng mới giúp cửa hàng trà sữa thu hút được khách hàng trẻ.
"Nhiều thương hiệu gia nhập thị trường thì việc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Trong cuộc chiến đó, sẽ có những thương hiệu bị rớt khỏi cuộc chơi.", ông Khoa nhận định.
Câu chuyện nhượng quyền lại được chính người trong cuộc cảnh báo. Ông Bryan Loo, người sáng lập Tealive, cho rằng, mô hình nhượng quyền thương hiệu với sản phẩm này khá rủi ro và nguy hiểm. Nhà đầu tư có thể có nhiều vốn để nhượng quyền thương hiệu, nhưng lại không có đủ tâm huyết khi nhận quản lý thương hiệu, nên chúng tôi muốn thật sự cẩn thận.
Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp