Hồi sinh những thương hiệu lừng lẫy một thời
Hàng loạt thương hiệu vài chục năm hoặc cả trăm năm từng một thời lừng lẫy, gắn với hoài niệm của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam sau thời gian dài lận đận đang bền bỉ hồi sinh.
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, Công ty CP Đầu tư Thương mại An Dương Thảo Điền (chủ mới của xà bông Cô Ba) bất ngờ công bố kế hoạch tái ra mắt thương hiệu "một thời vang bóng".
Nhọc nhằn đường trở lại
Theo Ban Giám đốc An Dương Thảo Điền, công ty này đang khôi phục dây chuyền sản xuất, kênh phân phối chuẩn bị tung sản phẩm ra thị trường. Như vậy, sau hơn 1 năm rưỡi ngưng sản xuất, cục xà bông màu xanh lá in hình người phụ nữ búi tóc cao từng làm chủ thị trường Việt Nam và xuất bán sang Lào, Campuchia, Hồng Kông lẫn một số nước châu Phi sẽ quay lại với đúng mẫu mã, hương vị cũ.
Chuyện xà bông Cô Ba tái xuất gây nhiều nghi vấn bởi ông chủ hiện tại của thương hiệu này không hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mà là tập đoàn bất động sản. Ban lãnh đạo An Dương Thảo Điền cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự hồi sinh của nhãn hàng này mà chủ yếu thử nghiệm mức độ đón nhận của thị trường đến mức nào rồi mới quyết định những bước đi kế tiếp. Nhưng dẫu sao, sự trở lại của sản phẩm từng được xếp vào dạng cao cấp này cũng có ý nghĩa tinh thần đối với một bộ phận người dân.
Đứt đoạn sản xuất và biến mất khỏi thị trường một thời gian dài, gầy dựng lại tên tuổi từ năm 2009 đến giờ, kem đánh răng Dạ Lan cũng đang trải qua cuộc hồi sinh kéo dài và đầy thử thách. Từng chiếm lĩnh thị trường nội địa trong những năm 1993-1994, bị khai tử sau vài năm liên doanh với Tập đoàn Colgate Palmolive và "tái sinh" khi liên doanh hết hiệu lực, đến nay kem đánh răng Dạ Lan đã "sống được" dù còn lay lắt. Một thời gian dài, kem đánh răng Dạ Lan cùng các sản phẩm bột giặt, nước xả vải của ICC theo chân các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và tự tổ chức bán hàng lưu động ở TP HCM cùng các khu chợ khắp vùng nông thôn ở các tỉnh. Nhiều người thích thú khi gặp lại nhãn hiệu từng một thời gắn bó nên mua ủng hộ. Mặc dù vậy, cái tên Dạ Lan đã bị xóa sổ đủ lâu để người tiêu dùng quên lãng; những khách hàng từng ưa chuộng sản phẩm này nay đã quá quen thuộc với sản phẩm cùng chủng loại của Unilever, Colgate… nên độ lan tỏa và khả năng tăng trưởng vẫn còn hạn chế.
Mới đây, tại một hội thảo về doanh nghiệp (DN) với công nghệ 4.0, mặc dù nói không biết mình đang ở đâu trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC (sở hữu thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan), cho biết công ty của ông đang bước vào giai đoạn kiến tạo tương lai để phát triển bền vững.
Theo ông Nhơn, sau khi đã sắp xếp việc phân phối bán hàng tương đối ổn, ICC đang tập trung đầu tư công nghệ, xem năm 2018 là mốc thời gian bắt đầu cho giai đoạn phát triển mới. Để có được sự phát triển này, ICC đã từng bước đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị tự động hóa, đầu tư phần mềm quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát thị trường để hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ kinh doanh; tạo ra một ứng dụng kết nối với đối tác phân phối hay nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm được nhiều giấy tờ và thời gian; ứng dụng trả lời thắc mắc về sản phẩm. Nhờ đó, những thông tin thị trường được phản hồi nhanh cho bộ phận sản xuất, giúp hoạt động sản xuất và kinh doanh phối hợp nhịp nhàng, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
"Cũng nhờ những ứng dụng này, công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh nhịp nhàng chặt chẽ và hiệu quả hơn hẳn, giúp chúng tôi nâng cao khả năng cạnh tranh và không bị tụt lại quá xa so với các DN cùng ngành" - ông Nhơn chia sẻ.
Kiên trì với giá trị thật
Thorakao của Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo là một trong những thương hiệu mỹ phẩm Việt hiếm hoi được người tiêu dùng nhớ đến giữa lúc thị trường mỹ phẩm dường như chỉ là cuộc đua của các công ty đa quốc gia. Không ít người lo lắng về khả năng Thorakao chỉ còn là thương hiệu trong ký ức nhưng Thorakao vẫn kiên trì, bền bỉ với đường đua như chú rùa trong câu chuyện ngụ ngôn "Rùa và thỏ" của Aesop - theo cách ví von của chính ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo.
Khách hàng lâu năm của Thorakao thường nhắc hình ảnh bán hàng theo kiểu "mậu dịch": chỉ bán trong giờ hành chính tại cửa hàng nhỏ trên đường Điện Biên Phủ bên ngoài tòa nhà Thorakao cũ kỹ ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ (quận 3, TP HCM) như một minh chứng cho sức ì của thương hiệu lâu năm. Nhưng gần đây, người mua đã dễ chịu hơn khi Thorakao mở thêm cửa hàng rộng rãi, có chỗ cho khách để xe máy phía đường Cách Mạng Tháng Tám. Khách hàng cũng có thể mua hàng online dù hiện nay công ty chỉ có hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. Nhiều người nhận xét Thorakao đã có mẫu mã bao bì đẹp hơn, tiện dụng hơn nên có thể mua làm quà bởi nếu so sánh về công dụng, chất lượng trong tương quan giá cả các loại mỹ phẩm trên thị trường thì Thorakao là một lựa chọn hợp lý.
Theo ông Trân, thời gian qua, Thorakao vẫn "sống tốt", phát triển đều đặn hằng năm tuy không có sự đột phá vượt bậc. "Đây là con đường Thorakao chọn. Chúng tôi tập trung vào nghiên cứu khoa học, ứng dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ cấu giá thành hợp lý, giữ uy tín với khách hàng để phát triển bền vững. Chúng tôi không đầu tư cho quảng cáo, marketing rầm rộ vì rất tốn kém và cuối cùng thì người tiêu dùng phải chịu chi phí này. Thorakao bán hàng theo hình thức "truyền tiêu", tức người này dùng thấy tốt giới thiệu cho người kia, từ đó lan truyền. Khác với bán hàng đa cấp, chúng tôi không có hoa hồng cho người giới thiệu, không "chặt chém" mà dựa vào giá trị thật nên doanh số tăng chậm như rùa bò nhưng là chú rùa kiên cường" - ông Trân bộc bạch.
Thorakao đang có các nhóm khách hàng thân thiết dường như không liên quan gì nhau, gồm những người có thu nhập thấp (công nhân, phụ nữ nông thôn), Việt kiều và giới nghệ sĩ. Theo ông Trân, người có thu nhập thấp chọn Thorakao vì rẻ. Việt kiều chuộng bởi mỹ phẩm Thorakao có thành phần là các nguyên liệu tự nhiên như: nghệ, bồ kết, sả, gấc, cỏ mần trầu, hà thủ ô… Giới nghệ sĩ chọn Thorakao vì họ quá lão luyện trong xài mỹ phẩm, biết loại nào tốt thật sự. "Khái niệm về mỹ phẩm thiên nhiên, mỹ phẩm organic mới được nhiều người nhắc đến gần đây nhưng ở Thorakao chúng tôi đã nghiên cứu và ứng dụng hàng chục năm rồi" - ông Trân tiết lộ. Theo ông Trân, để những người phụ nữ Việt Nam bình dị, ít tiền cũng có thể dùng mỹ phẩm nên Thorakao tập trung nghiên cứu để làm ra sản phẩm tốt với giá thành thấp. Nhưng với nhóm khách hàng nhà giàu - vốn là khách hàng tiềm năng nhất của ngành mỹ phẩm - thì giá rẻ chính là điểm yếu của Thorakao bởi họ cảm thấy ngại khi mua vì sợ bị đánh giá "thiếu đẳng cấp"!
Cao Sao Vàng sống lại nhờ khách Tây
Cao Sao Vàng từng là loại dầu xoa phổ biến của mọi gia đình người Việt mà mỗi khi nhắc đến ngoài công dụng tốt, nhiều người còn bị "ám ảnh" bởi nắp hộp cao quá khó mở. Tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng thì cách đây hơn 1 năm, sản phẩm này bỗng nhiên "dậy sóng" trở lại khi được các phương tiện truyền thông phát hiện Cao Sao Vàng được bán trên các trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới như eBay, Amazon với giá 5-7 USD/hộp (tương đương 110.000- 150.000 đồng/hộp). Từ đó, Cao Sao Vàng được các trang thương mại điện tử trong nước rao bán với giá chưa tới 10.000 đồng/hộp và được khá nhiều người đặt mua để ủng hộ một sản phẩm "huyền thoại". Trên website của Công ty CP Dược phẩm OPC, nhà sản xuất Cao Sao Vàng, sản phẩm được giới thiệu là "sản phẩm Việt được người ngoại quốc ưa chuộng".
Thanh Nhân - Ngọc Ánh
Nguồn Người Lao Động