Cửa nào cho “kẻ đến sau” Mothercare?

Trước sức nóng của thị trường mẹ và bé, “Người khổng lồ” Mothercare đã chính thức đánh dấu sự có mặt tại thị trường Việt Nam bằng khai trương cửa hiệu đầu tiên tại TP.HCM.

Được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ cao nhất Đông Nam Á với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1 – 2 tuổi, vì vậy Việt Nam được cho là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ và trẻ em.

Sức nóng miếng bánh tỷ đô

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có chỉ số phát triển bán lẻ cao nhất toàn cầu trong năm 2017. Trong đó, quy mô giá trị ngành bán lẻ mẹ và bé ước tính khoảng 7 tỷ USD. Ngoài ra, theo Nielsen, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng.

Chính vì sự màu mỡ mà thời gian gần đây thị trường Việt Nam chào đón thêm các thương hiệu như Zara Kids, H&M Kids, Gap Kids,… hiện diện ở các trung tâm thương mại, đánh vào phân khúc khách hàng cao cấp. Điều mà các tên tuổi trong nước vì nhiều lý do mà chưa thể chạm đến.

Mới đây nhất, "ông lớn" đến từ Anh, Mothercare sau 2 năm tiếp xúc liên tục đã quyết định chọn Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP Group) làm đối tác nhượng quyền phát triển chuỗi này tại Việt Nam.

Cửa nào cho “kẻ đến sau” Mothercare?

Cửa hàng đầu tiên của Mothercare có diện tích 286m2, đặt tại Tung tâm thương mại Crescent Mall (TP.HCM) với tiêu chí xây dựng một thiên đường hàng hiệu dành cho các mẹ bầu và em bé trong giai đoạn từ sơ sinh đến 5 tuổi. Dự kiến, Hãng sẽ mở 3 cửa hàng tại TP.HCM trong năm nay, chủ yếu tại các trung tâm thương mại lớn.

Mothercare ra đời tại Anh từ năm 1961. Ban đầu, công việc kinh doanh của Hãng tập trung vào xe đẩy, đồ dùng cho trẻ sơ sinh và quần áo thai sản, nhưng sau đó đã mở rộng quần áo cho trẻ em từ 5-8 tuổi. Hiện, công ty này cung cấp hàng loạt sản phẩm trang phục cho trẻ sơ sinh, đồ đạc và trang trí nội thất, giường ngủ, thức ăn cho trẻ em, đồ tắm, thiết bị du lịch và đồ chơi.

Thông qua nhượng quyền thương mại, Mothercare đã có 1,300 cửa hàng tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp châu Âu, châu Á, Trung Đông và châu Mỹ Latin. Riêng tại châu Á đã có 237 cửa hàng đặt tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia.

Sự xuất hiện của Mothercare được cho là “cú đấm” với thị trường bán lẻ mẹ và bé khi giới phân tích cho rằng, với nhiều lợi thế, hãng này sẽ phân chia lại thị phần.

Bà Trịnh Lan Phương, CEO Bibo Mart tin rằng, những thương hiệu như Zara, Mothercare sẽ mang đến luồng gió mới cho thị trường bán lẻ của Việt Nam, góp phần mang thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng và thêm động lực cho doanh nghiệp Việt chuyển mình. “Mỗi khi thêm một doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm, một tay chơi ngoại mới gia nhập thị trường, tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt phải tăng tốc hơn nữa”, bà Phương nói.

Thị trường mẹ bé Việt Nam rất cạnh tranh, nhưng thiếu những sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp, sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thiết kế đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tuy nhiên, miếng bánh mẹ và bé cũng đã chứng kiến những sự dừng chân của các ông lớn có tiếng am hiểu thị trường, có tiềm lực tài chính và có mô hình kinh doanh gần gũi với đại đa số người dân Việt như chuỗi Akachan Honpo (số 1 Nhật Bản), Deca, Beyeu, Babysol,...Mặc dù rất nhiều cái tên “sừng sỏ” đã ra đi nhưng mảnh đất này vẫn là “miền đất hứa” cho rất nhiều người đang “nhăm nhe” nhảy vào.

Bằng chứng là hồi đầu năm, thị trường mẹ và bé cũng ghi nhận một số thương vụ rót vốn từ một số quỹ ngoại. Mặc dù không tiết lộ giá trị đầu tư song Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VI Group) thông báo đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Kids Plaza. Ngoài ra, Con Cưng cũng đã nhận thêm vốn và hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II.

Hồi cuối năm 2017, Bibo Mart cũng bắt tay với ACA Investments (thuộc tập đoàn Nhật Sumitomo) để nhận từ quỹ đầu tư này những hợp tác hỗ trợ về tài chính, nhân lực.

Thách thức lớn

Có thể nói, dù hấp dẫn nhưng thị trường mẹ và bé cũng đầy áp lực cạnh tranh. Ngoài chạy đua về số lượng cửa hàng, doanh nghiệp còn phải đảm bảo chất lượng phục vụ, hình ảnh thương hiệu và đặc biệt phải tạo được dấu ấn riêng đối với khách hàng.

Bà Võ thị Phi Phương, Giám đốc điều hành ACFC thừa nhận, thị trường mẹ bé Việt Nam rất cạnh tranh, nhưng thiếu những sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp, sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thiết kế đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bản thân Mothercare cũng theo đuổi con đường này bằng cách tự thiết kế, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn ở Anh. Vì thế, trong cuộc đua chinh phục khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và chuộng hàng ngoại, Mothercare và các hãng bán lẻ nước ngoài sẽ có lợi thế hơn.

Bên cạnh đó, Mothercare cũng khá mạnh về bán lẻ đa kênh. Tại Việt Nam hãng cũng sẽ sớm triển khai hình thức này bên cạnh việc mở chuỗi cửa hàng. Các thương hiệu trong nước cũng có sự đầu tư bài bản cho sự chuyển dịch digital này.

Cửa nào cho “kẻ đến sau” Mothercare?

Dù hấp dẫn nhưng thị trường mẹ và bé cũng đầy áp lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo CEO Bibo Mart, Việt Nam là một thị trường đặc thù. Thương mại điện tử ở Việt Nam còn nhiều rào cản. Bán lẻ đa kênh đòi hỏi sự đầu tư bài bản và dài hạn. Mô hình kinh doanh thành công phải là mô hình vì khách hàng và hiểu khách hàng, linh hoạt điều chỉnh theo sự chuyển dịch nhu cầu của khách hàng.

“Nhà bán lẻ nào sở hữu công nghệ tốt, am hiểu thị trường và luôn vì lợi ích khách hàng chắc chắn sẽ thành công”, bà Phương nói.

Còn theo ông Đỗ Văn Tuấn, CEO Kidsplaza chỉ ra rằng, Mothercare chỉ tập trung ở trung tâm thương mại và chủ yếu bán hàng họ tự sản xuất (made in China) với mức giá cao. Họ có nhiều nhà cung cấp quốc tế uy tín và sẽ kéo theo số nhà cung cấp này đến Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại không bán tã và sữa. “Thị trường họ khác, họ rất khó thắng thị trường Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Và còn quá sớm để nói “ông bạn già” Mothercare có làm nên chuyện ở thị trường Việt Nam hay không, nhưng rõ ràng, các tay chơi non trẻ trong nước cũng tỏ ra không kém cạnh trong cuộc so kè này.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp