'Gã khổng lồ' Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

Tự nhận đã có lúc bước nhầm khiến Masan bị văng xa khỏi top 10 công ty tập trung xây dựng thương hiệu và gặp khó khăn trong mảng khác, lãnh đạo công ty tin họ đang trở lại dẫn đầu.

Chiến lược mở rộng quy mô thị trường và đa dạng hoá sản phẩm đang từng bước cho thấy quyết tâm của "gã khổng lồ" ngành thực phẩm, tiêu dùng nhanh của Việt Nam.

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

Chúng tôi không chấp nhận vị trí người theo sau, mà luôn đặt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu, dẫn dắt thị trường. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Quang tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN), diễn ra ngày 24/4.

Thế nhưng, hành trình của gã khổng lồ Masan không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mỗi công ty con trong tập đoàn đều đối mặt những khó khăn, thách thức riêng.

Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã chứng khoán MCH) trong 3 năm gần đây từ vị trí tốp 3 doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng thương hiệu, luôn có tốc độ phát triển nhanh nhất, thì đã bị đá văng về vị trí top 10. Thời điểm cuối năm 2016, ngày tồn kho sản phẩm của doanh nghiệp này lên tới con số gần 80 ngày, thay vì 23 ngày như trước đó.

Trong 3 năm 2014-2016, doanh nghiệp cũng không tung ra được bất kỳ thương hiệu sản phẩm có tiếng nào, ngoài nước tăng lực vị cà phê Wake-Up 247, trong khi trong 2 năm năm 2012-2013, hãng có 10-15 thương hiệu tung ra và được thị trường đón nhận.

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

Với Masan Nutri-Science, doanh nghiệp phụ trách mảng chủ lực đạm động vật gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo và sẽ cung cấp sản phẩm thịt heo có thương hiệu và an toàn ra thị trường, đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu của tập đoàn này, 2017 là một năm khó khăn từ biến động thị trường. Việt Nam đối mặt với cuộc khủng hoảng giá heo lớn. 25% đại lý bán cám đóng cửa, 35% trong tổng số hàng triệu hộ nông dân nuôi heo bỏ nghề vì phá sản. Mô hình chăn nuôi heo đổi từ theo đuổi năng suất cao sang cắt giảm chi phí.

"Masan phải gánh chịu đau thương này. Từ công ty bán thức ăn chăn nuôi phát triển nhanh nhất thị trường, chúng tôi bị sụt giảm thị trường, mất doanh số, dù mức giảm vẫn là thấp hơn thị trường" - ông Danny Le, Giám đốc Phát triển và Chiến lược của Masan chia sẻ.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho biết, riêng doanh thu của mảng này đã giảm 23%, góp phần lớn trong việc giảm doanh thu của cả tập đoàn. Nhưng như ông Danny Le cho biết, mức sụt giảm này còn thấp hơn nhiều so với con số sụt giảm 40% của toàn thị trường chăn nuôi.

Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources - mã chứng khoán MSR) thì cũng không gặp may về thời điểm từ vài năm trước khi mua mỏ Núi Pháo xong thì giá vonfram thế giới giảm. Doanh nghiệp đối mặt với hiệu suất kém, giá đắt, dòng tiền âm, gặp khó khăn trong thu hút vốn từ quỹ đầu tư bên ngoài trong suốt 2 năm 2014-2015.

Techcombank cũng một thời gian đối mặt với khó khăn chung của khủng hoảng tài chính ngân hàng với áp lực nợ xấu lớn, dòng tiền không bền vững. "Trong vài năm 40% các ngân hàng của Việt Nam bị phá sản hoặc sáp nhập. Techcombank đứng trước áp lực phải thay đổi, thực hiện trích lập dự phòng cao, phát triển mô hình thu nhập từ phí hàng đầu." - ông Danny Le cho biết.

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

Những khó khăn này được lãnh đạo Masan thẳng thắn nêu với cổ đông trong cuộc gặp ngày 24/4. Ngay trong phần giới thiệu, doanh nghiệp cũng không ngại ngần thừa nhận đã có những "sai lầm, lỡ nhịp" trên hành trình phát triển của gã khổng lồ Masan.

Thế nhưng, lãnh đạo doanh nghiệp tự tin đã "xoay chuyển được tình thế".

Theo lãnh đạo Masan, năm 2018 công ty ước đạt doanh thu thuần vào khoảng 45.000-47.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2017. Trong đó, lợi nhuận thuần mang về cho cổ đông dự tính cũng đạt 3.400-4.000 tỷ, tăng 10-30%.

Thậm chí, nếu loại trừ các khoản thu nhập bất thường và khoản lợi nhuận 933 tỷ đồng từ việc mua bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank trong năm 2017 thì lợi nhuận của Masan có thể tăng hơn 50%.

Trong khi đó, sau 3 tháng đầu năm nay, Masan đã thu về tổng cộng 8.274 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông tăng 3,4 lần đạt 816 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận thuần cũng ghi nhận mức tăng từ mức 2,8% lên 9,8%.

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

Trong cơ cấu doanh thu của Masan, đơn vị có tăng trưởng mạnh nhất là Masan Consumber khi doanh thu thuần công ty tăng hơn 78%, đạt 3.586 tỷ đồng nhờ chiến lược tập trung bán hàng đến người tiêu dùng bắt đầu mang lại hiệu quả. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty mẹ cũng tăng vọt từ 120 tỷ lên gần 780 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (mã chứng khoán MSR), doanh thu thuần quý I đã tăng gần 27%, mang về 1.487 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu nhờ giá vonfram tăng cao thời gian qua. Ban lãnh đạo MSR cũng cho biết đã ký hợp đồng mua 300 tấn tinh quặng vonfram từ bên thứ 3 cho nhà chế biến hóa chất giá trị gia tăng với công suất chế biến khoảng 9.000 tấn (trong đó 6.500 tấn từ mỏ Núi Pháo). Công ty liên doanh HCS do Núi Pháo sở hữu 51% vốn cũng ghi nhận lợi nhuận thuần sau thuế 103 tỷ.

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầuTrong khi đó, khoản đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng của Masan là Techcombank cũng thu về 2.569 tỷ lãi trước thuế sau quý đầu tiên năm nay, tăng gần gấp đôi cùng kỳ. Tăng trưởng của Techcombank đến chủ yếu từ mức tăng của tổng thu nhập hoạt động đạt 4.660 tỷ đồng.

Duy chỉ có Masan Nutri-Science ghi nhận kết quả doanh thu giảm 40% trong quý vừa qua do ảnh hưởng của khủng hoảng giá thịt heo.

Ông Danny Le khẳng định kết quả kinh doanh khởi sắc ở quý I/2018 của Masan không phải là chuyện "một lần" mà là chỉ dấu của việc doanh nghiệp đã đi đúng hướng cho sự phát triển bền vững.

Với Masan Consumer, doanh nghiệp tin rằng đầu tư cho thương hiệu là cách làm đúng để chiến thắng trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống, như cách mà đơn vị này đã thành công trước đây. Thay vì chỉ lo đầu tư vào bán hàng, Masan trở lại đầu tư cho thương hiệu mạnh. Nhờ đó, năm 2018, tập đoàn trở lại vị trí top 3 nhà quảng cáo lớn nhất trong ngành này. Ngày tồn kho sau 1 năm đã rút từ 80 ngày xuống dưới 30 ngày. Trong quý I/2018 và những tháng của quý II/2018, hơn 10 sản phẩm mới tiềm năng được tung ra thị trường.

Tại Masan Nutri-Science, tập đoàn này tin rằng khủng hoảng giá heo chỉ là ngắn hạn, và vì thế, trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư để củng cố thị phần. Vào cuối năm 2017, thị phần thức ăn cho heo của công ty đạt 35% (chưa tính trại gia công), đồng thời, tiếp tục đầu tư với mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm thịt tươi có thương hiệu và an toàn vào Quý 4/2018. Doanh nghiệp tham vọng có thể chiếm lĩnh 50% thị phần thức ăn cho heo và thịt tươi có thương hiệu đóng góp 30% doanh thu của Masan Nutri-Science.

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

"Tại thị trường này, hơn 90% sản phẩm không thương hiệu, không tuân thủ theo tiêu chuẩn nào. Doanh nghiệp lớn nhất thị trường là Vissan cũng chỉ giữ 1% thị phần. Với cách làm xây dựng thương hiệu thịt sạch, cửa của Masan rất sáng" - ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT tập đoàn chia sẻ.

"Chúng tôi không phải siêu nhân, làm là biết chắc thành công nhưng chúng tôi biết rõ lý do vì sao mình cần và phải thành công: đó là niềm tin và trách nhiệm phụng sự với người tiêu dùng và vì một thương hiệu Việt Nam mạnh. Tâm nguyện phụng sự ấy phải đo được bằng kết quả kinh doanh....

Thành công không đến từ bước chân đầu tiên, mà đến từ việc học qua trải nghiệm của chính mình, qua các đúc kết, biến thành chiến lược, tận tâm theo đuổi nó để có kết quả cuối cùng", vị tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam trong danh sách của Bloomberg nói như vậy.

Người đứng đầu của tập đoàn này cho biết 2 chiến lược để Masan thành công là đầu tư vào sáng tạo và xây dựng thương hiệu.

Gã khổng lồ Masan và hành trình tìm lại vị trí dẫn đầu

Tại đại hội cổ đông, các lãnh đạo Masan cũng tiết lộ những tham vọng mới của doanh nghiệp này trong việc chinh phục các thị trường mới và kế hoạch hiện thực hóa nó.

Lý giải về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt, HĐQT Masan cho biết hiện tại, dòng tiền của Masan đang có khoảng nửa triệu USD nhưng phải dùng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trả bớt nợ, hiện tỷ lệ nợ/EBITDA là 3-4 lần. Tuy nhiên, những công ty con như Vinacafe Biên Hòa hay MSR đang có dòng tiền mạnh… Và những công ty con tạo ra tiền mặt mạnh như vậy thì nguồn tiền sẽ trở về với Masan và khi đó sẽ chia cổ tức cho cổ đông.

Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch MCH cũng cho biết công ty đang có kế hoạch mở rộng lĩnh vực đầu tư bao gồm sản phẩm chăm sóc cá nhân, sữa và thậm chí cả ngành dược phẩm… thông qua việc mua lại các doanh nghiệp đã có sẵn.

Tuy nhiên, với lĩnh vực dược phẩm, trước mắt Masan sẽ chỉ đi vào các sản phẩm không cần kê đơn bác sĩ như dầu gió. Đối với ngành hàng chăm sóc cá nhân, doanh nghiệp sẽ cố gắng tạo ra các sản phẩm vượt trội giống như các ngành hàng trước đây là gia vị, đồ uống…

Đối với lĩnh vực đồ uống, bên cạnh các thức uống có sẵn Masan cũng đang muốn “chen chân” vào ngành sữa. Theo đó, lãnh đạo tập đoàn cho biết tham gia vào ngành sữa không phải vì ngành sữa lớn nhiều doanh nghiệp thành công mà tập đoàn nhận thấy có cơ hội rất lớn để xây dựng nhãn hiệu mà các doanh nghiệp không phát hiện ra. Tuy nhiên, Masan sẽ cần thời gian 4 năm để phát hiện ra phương thức kinh doanh, cơ hội, nhãn hiệu có thể xây dựng khi tham gia vào ngành sữa.

Riêng với thị trường bia, Masan tung ra sản phẩm bia Sư Tử Trắng từ 2013, chủ yếu tập trung tại miền Tây. Công ty vừa tung ra toàn quốc sản phẩm mới cho dòng bia cao cấp Sư Tử Trắng King. Ngoài ra, Masan cũng có khả năng hợp tác với đối tác Thái Lan nhằm thực hiện kế hoạch xây dựng thành công thương hiệu bia hàng đầu Việt Nam trong vòng 3 năm tới và chiếm lĩnh thị phần cao.

Thiết kế: Thảo Nguyễn

Hoàng Thanh - Hà Mỹ Giang
Nguồn Zing News