Thị trường nhạc trực tuyến: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Việc nhà cung cấp dịch vụ phát (stream) nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới Spotify tung ứng dụng trên hầu hết các nền tảng di động cho người tiêu dùng Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua không chỉ là tin vui đối với cộng đồng yêu âm nhạc, mà còn cho thấy thị trường nhạc trực tuyến đang trở nên hấp dẫn.

Ngày càng có nhiều người nghe chấp nhận đóng một khoản phí nhỏ hằng tháng cho các công ty dịch vụ để được nghe nhạc từ kho nhạc với hàng chục triệu bài hát.

Theo Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), năm 2016, thị trường nhạc thu âm toàn cầu đạt mức doanh thu 15,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,9% so với năm trước đó. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất của thị trường này kể từ khi IFPI theo dõi từ năm 1997. Sự tăng trưởng này dựa vào doanh thu khởi sắc của các dịch vụ nhạc số, chiếm gần 50% tổng doanh thu thị trường âm nhạc thu âm toàn cầu. Trong mảng kinh doanh nhạc số, doanh thu của dịch vụ phát nhạc trực tuyến tăng trưởng 60% và số người nghe nhạc trực tuyến trả tiền trên toàn cầu đạt con số 112 triệu người vào cuối năm 2016.

Lộ diện các đấu thủ khổng lồ

Có thể nói, dịch vụ phát nhạc trực tuyến thực sự tạo ra một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ trên thị trường nhạc ghi âm toàn cầu và hứa hẹn đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Một bản báo cáo gần đây của công ty phân tích công nghệ và truyền thông MiDia Research (Anh) dự báo đến năm 2025, doanh thu dịch vụ phát nhạc trực tuyến toàn cầu sẽ vượt 20 tỉ đô la nhờ 336 triệu người nghe trả phí so với mức doanh thu 7,6 tỉ đô la trong năm 2016. Cơ hội mở rộng thị trường vẫn còn rất lớn, đặc biệt là tại những nước như Trung Quốc nơi số người đóng phí để nghe nhạc trực tuyến vẫn còn thấp và còn đối mặt với nhiều thách thức bao gồm sự cạnh tranh khốc liệt và chi phí tác quyền lớn.

Thị trường nhạc trực tuyến: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Lượng người nghe đóng phí để nghe nhạc trực tuyến đang tăng nhanh chóng.

Với số người sử dụng trả phí lên đến 71 triệu người ở 61 quốc gia, công ty phát nhạc trực tuyến Spotify (Thụy Điển) đang xác lập vị thế thống lĩnh trên thị trường dịch vụ phát nhạc trực tuyến có thu phí. Thế nhưng, cuộc ganh đua giữa Spotify và các đấu thủ khác vẫn chưa ngã ngũ.

Nhiều đấu thủ “có máu mặt” khác đang triển khai các dịch vụ khác biệt để chinh phục người nghe và các nghệ sĩ. Năm 2015, hãng công nghệ Apple tung ra dịch vụ phát nhạc trực tuyến có thu phí Apple Music ở 100 nước và nhanh chóng leo lên vị trí thứ hai trên thị trường phát sóng âm nhạc theo cầu. Apple Music đang nắm trong tay 38 triệu người nghe trả phí. Apple Music được hưởng lợi nhờ được tích hợp bên trong các thiết bị của Apple từ iPhone cho đến MacBook, Apple Watch và loa thông minh HomePod. Số người nghe nhạc trả phí của Apple Music ở Mỹ đang tăng trưởng 5% mỗi tháng, trong khi đó, mức tăng trưởng này ở Spotify chỉ là 2% mỗi tháng. Điều này có nghĩa là Apple Music sẽ sớm vươn lên ngôi đầu tại Mỹ về số lượng người nghe trả phí.

Cả Spotify và Apple Music đều đưa ra các gói dịch vụ với mức phí tương đồng nhau: gói phổ thông 9,99 đô la/tháng, gói dành cho sinh viên là 4,99 đô la/tháng và gói cho gia đình 14,99 đô la/tháng dành cho sáu tài khoản. Điểm khác biệt duy nhất là Spotify cung cấp dịch vụ phát nhạc miễn phí có chèn quảng cáo nhưng Apple Music thì không.

Một đối thủ đáng gờm được đánh giá là “chú ngựa ô” đang bám đuổi theo sau Spotify và Apple Music là công ty Amazon Music của tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Cuối năm 2016, Amazon Music tung ra dịch vụ phát nhạc trực tuyến có thu phí Music Unlimited với mức 3,99-14,99 đô la mỗi tháng. Amazon Music khẳng định đang nắm trong tay “hàng chục triệu người nghe đóng phí”. Giới phân tích cho rằng Amazon Music chỉ đứng sau Spotify và Apple Music trên thị trường phát nhạc trực tuyến có thu phí.

Thị trường nhạc trực tuyến: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Amazon Music đã tung ra dịch vụ phát nhạc trực tuyến có thu phí Music Unlimited.

Trong cuộc trả lời báo chí gần đây, Steve Boom, Phó chủ tịch Amazon Music, cho biết số lượng người nghe đóng phí của công ty này đã tăng gấp đôi trong sáu tháng qua. Ông lý giải mức tăng trưởng ấn tượng này là nhờ có hàng chục triệu thành viên tham gia gói dịch vụ Amazon Prime (khách được giao hàng miễn phí trong vòng hai ngày) và sự phổ biến của loa thông minh Amazon Echo. Thành viên gói dịch vụ Amazon Prime được khuyến khích đăng ký dịch vụ Music Unlimited vì họ sẽ được hưởng mức phí rẻ 7,99 đô la/tháng. Trong khi đó, những người sở hữu loa thông minh Amazon Echo chỉ phải đóng phí 3,99 đô la/tháng để sử dụng dịch vụ Music Unlimited. Cho đến nay, hàng chục triệu chiếc loa thông minh Amazon Echo đã được bán ra trên toàn thế giới

Với 74,7 triệu thính giả nghe nhạc miễn phí và 5,5 triệu thính giả nghe nhạc trả phí, công ty phát thanh qua Internet là Pandora Media (Mỹ) đã thiết lập được dịch vụ phát nhạc audio trực tuyến lớn nhất ở Mỹ. Trong khi đó, SoundCloud, công ty sở hữu nền tảng phát nhạc và âm thanh, đến từ Đức, đã xây dựng được danh tiếng như là địa chỉ miễn phí để các nghệ sĩ và DJ mới nổi chia sẻ và quảng bá âm nhạc của họ. Được thành lập vào năm 2007, công ty này đang có trong tay 175 triệu người nghe hằng tháng ở hơn 190 nước.

Năm 2016, SoundCloud giới thiệu dịch vụ SoundCloud Go+ có thu phí, cho phép người sử dụng nghe nhạc không chèn quảng cáo và tải nhạc về máy để nghe. Với mức phí 9,99 đô la/tháng, người sử dụng có thể tiếp cận 150 triệu bản ghi âm, phần lớn là các bản nhạc được phối âm lại và các sáng tạo âm nhạc khác cộng với một danh mục gần 30 triệu bài hát.

Một gương mặt đáng chú ý khác trên thị trường phát sóng nhạc trực tuyến là mạng chia sẻ video trực tuyến YouTube của hãng tìm kiếm Google. YouTube đang nắm giữ hơn một tỉ người sử dụng hằng tháng. Mạng xã hội này cho ra mắt dịch vụ phát video nhạc không chèn quảng cáo có thu phí có tên gọi YouTube Red vào năm 2015 nhưng cho đến nay, dịch vụ này không thành công như mong đợi. Vì vậy, Alphabet, công ty mẹ của Google, đang có kế hoạch tung ra dịch vụ phát nhạc trực tuyến có thu phí mới với tên gọi YouTube Remix.

Thị trường nhạc trực tuyến: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Alphabe đang có kế hoạch tung ra dịch vụ phát nhạc trực tuyến với tên gọi YouTube Remix.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Google đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với hãng thu âm Warner Music Group và đang đàm phán về thỏa thuận cấp giấy phép phát nhạc từ hai hãng thu âm Universal Music Group và Sony Music Entertainment. Ngoài ra, Google cho biết có thể chèn quảng cáo nhiều hơn vào các video phát miễn phí trên YouTube để buộc người sử dụng phải chuyển sang đăng ký dịch vụ có thu phí.

Miếng bánh không dễ ăn

Thị trường phát nhạc trực tuyến, được cho là chỉ mới đang trong giai đoạn chớm nở, sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị phần cho các đấu thủ khi số lượng người nghe trả phí được dự báo sẽ tăng mạnh mẽ trong những năm tới. Ngày càng có nhiều người nghe chấp nhận đổi quyền sở hữu âm nhạc (CD, file nhạc tải về) để được quyền tiếp cận với kho nhạc phát theo yêu cầu khổng lồ chỉ với mức phí nhỏ mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu xét về tiêu chí kinh doanh có lãi, ngành kinh doanh phát nhạc trực tuyến đang gặp nhiều sự thách thức. Ngay cả gã khổng lồ Spotify cho đến nay vẫn chưa thu được lợi nhuận.

Với mức phí trả cho các hãng thu âm quá lớn để được quyền khai thác các kho nhạc có bản quyền, Spotify rất khó để kiếm lợi nhuận từ 71 triệu người nghe trả phí của công ty này. Chi phí tác quyền trả cho các ca sĩ, nhạc sĩ và các hãng thu âm ngốn 70% trong một đô la Mỹ doanh thu mà Spotify kiếm được. Năm ngoái, Spotify gánh khoản lỗ lên đến 1,5 tỉ đô la, tăng mạnh so với mức lỗ 662 triệu đô la vào năm 2016. Trong năm năm gần nhất, lỗ ròng lũy kế của Spotify đã lên đến 2,9 tỉ đô la. Muốn có lợi nhuận, Spotify cần phải nâng số người nghe trả phí lên con số trên 100 triệu.

Par-Jorgen Parson, một cựu cổ đông của Spotify, cho rằng hãng có thể có lợi nhuận ngay lập tức nếu muốn nhưng cần phải tái đầu tư để tiếp tục tăng trưởng. Đó là lý do tại sao Spotify vẫn đang thua lỗ. Spotify đang cạnh tranh vất vả với Apple Music hay Amazon Music, những đối thủ có sức mạnh tài chính, sẵn sàng chấp nhận lỗ miễn là họ có thể giữ chân khách hàng trên trên điện thoại, hệ điều hành, trang web mua sắm hay mạng xã hội của họ, nơi tạo ra nguồn thu chính cho họ.

Thị trường nhạc trực tuyến: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Spotify đang xác lập vị thế thống lĩnh trên thị trường dịch vụ phát nhạc trực tuyến.

Năm ngoái, Pandora Media, đã ngưng hoạt động dịch vụ phát sóng nhạc trực tuyến ở New Zealand và Úc để tập trung nguồn lực vào thị trường Mỹ. Công ty này vẫn đang chật vật để tìm lợi nhuận kể từ khi thành lập vào năm 2010. Năm 2017, Pandora Media lỗ 518 triệu đô la và đang cân nhắc quyết định “bán mình”.

Nhiều đối thủ nhỏ hơn đang gắng gượng để duy trì dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Vào tháng trước, công ty truyền thanh Internet iHeartRadio (Mỹ), cung cấp dịch vụ phát nhạc cá nhân hóa, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì khoản nợ 15 tỉ đô la. Trong khi đó, khoản đầu tư 70 triệu đô la vào dịch vụ phát nhạc trực tuyến của SoundCloud hầu như đã bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi giá trị sổ sách và khó có thể thu hồi trong một khoảng thời gian ngắn.

Tencent độc chiếm thị trường Trung Quốc

Thị trường phát nhạc trực tuyến đang nóng ở châu Âu và ở châu Mỹ nhưng tại châu Á, đây là câu chuyện vẫn còn mới mẻ. Tại Trung Quốc, tiềm năng của thị trường này rất lớn nhờ lực lượng công dân mạng khổng lồ của nước này. Theo công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, thị trường nhạc số của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 88% trong vòng bốn năm tới. Tuy nhiên, các đối thủ bên ngoài khó có thể chen chân vào Trung Quốc khi các tập đoàn lớn trong nước như Tencent với thế mạnh về hệ sinh thái công nghệ, đang nắm trong tay hầu hết lượng khách hàng nghe nhạc trực tuyến.

Công ty Tencent Music Entertainment (TME) của tập đoàn Tencent, sở hữu ba nền tảng phát nhạc trực tuyến QQ Music, KuGou và Kuwo với 120 triệu thành viên nghe nhạc trả tiền (nghe phát trực tuyến hoặc tải về để nghe hữu tuyến), tương đương 70% thị trường nhạc số của Trung Quốc. Đầu năm 2017, TME đã chính thức triển khai dịch vụ phát nhạc trực tuyến có thu phí với mức phí từ 8-18 nhân dân tệ (1,2-2,9 đô la) mỗi tháng. TME dự định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong năm nay. Công ty này đang được định giá 12 tỉ đô la.

TME có lợi thế nhờ hệ sinh thái khổng lồ của Tencent, đặc biệt là ứng dụng nhắn tin WeChat với hơn một tỉ người dùng. Tencent cũng đang có các thỏa thuận cấp phép nội dung với hơn 200 hãng thu âm trong nước và quốc tế. Phó chủ tịch của TME, ông Andy Wai Lam Ng cho biết Trung Quốc có khoảng 700 triệu người sử dụng ứng dụng để nghe nhạc miễn phí. Ông cho rằng chỉ cần 30% lượng người sử dụng này chuyển sang đăng ký dịch vụ nghe nhạc trả tiền, ngành công nghiệp âm nhạc Trung Quốc sẽ đón nhận khoản doanh thu khổng lồ. Đó là lý do tại sao Spotify ký kết bản thỏa thuận trao đổi cổ phần với TME vào tháng 12 năm ngoái, thay vì mở rộng đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc. Theo bản thỏa thuận này, Spotify nắm giữ 9% cổ phần của TME được định giá khoảng 910 triệu euro. Đổi lại, Tencent nhận 7,5% số cổ phần của Spotify được định giá khoảng 1,5 tỉ đô la.

Chánh Tài / USA Today / Wall Street Journal / Bloomberg
Nguồn The Saigon Times