Taxi công nghệ của doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa

Từ khi Uber tuyên bố rút khỏi Việt Nam, thị trường taxi công nghệ Việt chứng kiến quyết tâm giành thị phần mạnh mẽ của một số doanh nghiệp trong nước.

Với tâm lý ủng hộ doanh nghiệp nội địa, hàng trăm ngàn người dùng cũng đã hào hứng tải và sử dụng thử các ứng dụng gọi xe mới.

Tuy nhiên, để thương hiệu taxi công nghệ của Việt Nam có thể được phổ biến như Grab hoặc Uber, các doanh nghiệp sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều và người dùng cũng phải kiên nhẫn hơn rất nhiều.

Sau hơn hai tuần đưa ra ứng dụng gọi xe Vato, hãng vận tải Phương Trang cho biết ứng dụng được hãng đầu tư 2.200 tỉ đồng này mỗi ngày thu hút thêm được vài chục ngàn người đăng ký sử dụng và ít nhất đã có 5 ngàn tài xế tham gia mạng lưới. Tuy nhiên, cho đến giữa tháng 4, tỷ lệ người gọi xe Vato thành công vẫn còn rất thấp. Vào giờ thấp điểm thời gian chờ xe thường khá lâu; giờ cao điểm, ứng dụng Vato bị lỗi liên tục.

T.net, một cái tên mới vừa gia nhập lĩnh vực taxi công nghệ gây chú ý vì sử dụng biện pháp khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Các hành khách mới tải ứng dụng sẽ được giảm 70% tiền cước (tối đa 80 ngàn đồng) cho hai chuyến đi đầu tiên. Dù vậy, sau hơn một tuần tham gia vào T.net, hiện nhiều tài xế đã tỏ ra nản lòng vì có khi cả ngày không nhận được cuốc xe nào. Các hãng taxi truyền thống như Mai Linh và Vinasun dù đầu tư mạnh vào công nghệ nhưng chất lượng dịch vụ, thái độ tài xế đến nay vẫn nhận nhiều lời phàn nàn. Hiện tượng tài xế đồng ý nhận cước xe rồi tự ý hủy chuyến mà không báo cho khách, để cho khách đợi vẫn xảy ra trong giờ cao điểm.

Taxi công nghệ của doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa

Nhìn chung, dù có số vốn đầu tư khá lớn và được sự ủng hộ ban đầu của người dùng, Vato, T.net… vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện ứng dụng và tạo được mạng lưới tài xế đủ khả năng cạnh tranh với Grab. Bên cạnh đó, việc thanh toán qua thẻ được nhiều hành khách coi là tiện ích quan trọng thì hầu hết các hãng taxi công nghệ Việt chưa làm được. Tại tọa đàm Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang cho biết doanh nghiệp này tự tin rằng Vato sẽ thành công vì Việt Nam là thị trường rất tiềm năng.

Theo ông hiện nay, tất cả các hãng taxi, hợp tác xã đã và đang xây dựng phần mềm nhỏ lẻ, manh mún nên khó có thể thành công. Vì thế, hướng đi của Phương Trang là xây dựng phần mềm công nghệ dịch vụ vận tải, sau đó là phần mềm hoạt động trên cơ sở sàn dịch vụ vận tải. Đại diện Phương Trang tỏ rõ mong muốn Nghị định 86 được thông qua với những thông tư hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp này thực hiện.

Ông Trần Thành Nam – nhà sáng lập phần mềm Vivu (nay đổi thành Vato) cho biết: “Trước đây tôi đã mang phần mềm Vivu đi giới thiệu với các công ty taxi và thường nhận được câu trả lời rằng doanh nghiệp chỉ muốn mua phần mềm này với giá 100 triệu đồng. Để đầu tư một ứng dụng gọi xe chuyên nghiệp cần chi phí rất lớn, hiện nay kho ứng dụng App Store cũng có hàng trăm ứng dụng gọi taxi nhưng hầu hết chất lượng không đáp ứng được nhu cầu người dùng. Ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học Công nghệ cũng cho rằng nếu 77 hãng taxi ở Việt Nam sử dụng 77 ứng dụng riêng biệt thì sẽ gây khó cho người dùng, vì thế các doanh nghiệp nên nghĩ đến việc liên kết với nhau, tập trung lại trong một ứng dụng để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Tại buổi tọa đàm trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện có một số công ty như Go-Jek ở Indonesia đang mong muốn tìm hiểu, tham gia thị trường Việt Nam, hay như Didi của Trung Quốc cũng đã gửi hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải nhưng cơ quan chức năng chưa xem xét vì thời điểm chưa phù hợp.

Xuân Thu
Nguồn Doanh Nhân+