Người của tỉ phú Thái làm chủ tịch HĐQT Bia Sài Gòn

Sáng 23-4, Tỉ phú Thái đã đưa 3 người vào Hội đồng quản trị (HĐQT) của Sabeco. Buổi chiều, một trong ba người trên đã trở thành chủ tịch Sabeco thay ông Võ Thanh Hà - người đại diện vốn nhà nước trước đây.

Theo nguồn tin riêng, sau khi đại hội cổ đông bất thường lần 1-2018 kết thúc vào trưa 23-4, phiên họp kín của các thành viên trong HĐQT Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ngay lập tức đã tiến hành bầu các chức vụ liên quan cho hội đồng quản trị mới.

Vị trí chủ tịch HĐQT Sabeco đã được các thành viên thống nhất bầu cho ông Koh Poh Tiong, sinh năm 1949, quốc tịch Singapore, dân tộc Trung Hoa.

Ông Koh Poh Tiong hiện là giám đốc Fraser & Neave kiêm chủ tịch ThaiBev/F&N Beer Group.

Không những vậy, ông Koh Poh Tiong còn giữ vai trò điều hành, đồng thời là thành viên HĐQT trực tiếp và gián tiếp ở nhiều tổ chức, tập đoàn khác tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong, Trung Quốc.

Riêng trong lĩnh vực đồ uống, đặc biệt là trong ngành sản xuất bia, ông Koh Poh Tiong đã từng làm chủ tịch HĐQT nhiều hãng bia nổi tiếng khác của khu vực châu Á trong một thời gian dài.

Người của tỉ phú Thái làm chủ tịch HĐQT Bia Sài Gòn

Ông Koh Poh Tiong trở thành tân chủ tịch Hội đồng quản trị của Sabeco. Ảnh: Duyên Phan.

Còn hai thành viên HĐQT khác là ông Tan Tiang Hing, Malcolm (quốc tịch Malaysia), tổng giám đốc điều hành Công ty Dxcel International (từng làm cho Heneiken) và ông Sunyaluck Chaikajornawat (quốc tịch Thái Lan), làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd (Thái Lan), vẫn là thành viên hội đồng quản trị độc lập như đã được đề xuất trước đó.

Cũng theo nguồn tin cho biết, chức vụ tổng giám đốc của công ty sản xuất bia Sài Gòn này vẫn chưa có gì thay đổi sau phiên họp kín nói trên.

Dự kiến tại đại kỳ đại hội cổ đông chính thức được tổ chức trong quý 3-2018 sắp tới, ban lãnh đạo Sabeco với các thành viên mới đắc cử HĐQT sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình tài chính tại doanh nghiệp này.

Trong số đó, vấn đề gây tranh cãi nhất là các khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước.

Trong số đó "khúc mắc" lớn nhất là tỉ lệ sở hữu của Bộ Công thương - cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco - được xác định ở mức 89,59% hay 36% để hưởng mức cổ tức tương ứng chi trả cho cổ đông Nhà nước.

Điều này có liên quan đến câu chuyện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp phần lợi nhuận chưa phân phối này vào ngân sách nhà nước với số tiền lên đến 2.790 tỉ đồng.

Trần Vũ Nghi
Nguồn Tuổi Trẻ Online