Kido sẽ đẩy mạnh ngành hàng thiết yếu trong năm 2018
Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng tốt, GDP năm 2017 tăng 6,81%. Kido đã nhận ra những cơ hội kinh doanh cho riêng mình.
Năm 2017, giá trị ngành thực phẩm Việt Nam ở mức 238.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt 250.000 tỷ đồng trong năm 2018. Ngành dầu ăn đạt giá trị 29.100 tỷ đồng (tăng gần 4,8% so với năm 2016), ngành thực phẩm đông lạnh đạt giá trị 29.100 tỷ đồng tăng gần 7,4%.
Theo thống kê, lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam 11,3kg/người năm. Thấp hơn mức trung bình của các nước và thế giới là 13,5kg/năm theo chuẩn của WHO.
Và lượng tiêu thu kem ở Việt Nam thấp hơn so với các nước chỉ 444gram/người/năm.
Nắm bắt những xu thế ngành và của nền kinh tế Việt Nam, KDC đã lần lượt mua cổ phần chi phối tại các công ty như Vocarimex, Dabaco và niêm kết Kido Foods trong năm 2017, nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh. Kết quả, năm 2017, Kido đạt doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 do hợp nhất các công ty con. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 560 tỷ đồng, mức tăng 380% so với năm 2016.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, với chiến lược “Lấp đầy gian bếp Việt”, KDC đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 như sau: 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng. Cụ thể, KDC sẽ thực hiện chiến lược chuyển dịch ngành hàng đặt mục tiêu thâm nhập thị trường thực phẩm thiết yếu (bao gồm việc phát triển các sản phẩm mới) có quy mô lên đến 250.000 tỷ đồng.
KDC sẽ khai thác hiệu quả thế mạnh cạnh tranh tại các công ty thành viên. KDC sẽ tối đa hóa chuỗi giá trị của toàn Tập đoàn. Khai thác hiệu quả lợi thế chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối với 450.000 điểm bán lẻ trong ngành hàng khô và 70 điểm bán lạnh. Ông Trần Lệ Nguyên kỳ vọng 1-2 năm nữa, doanh thu của KDC sẽ đạt 1 tỷ USD.
Kido cũng sẽ thực hiện hợp tác liên doanh với các nhà sản xuất OEM, thực hiện liên kết với các đối tác nhằm mở rộng phân phối, đa dang danh mục sản phẩm mở rộng sang các ngành hàng thực phẩm trong lĩnh vực thiết yếu.
Đồng thời, Ban lãnh đạo Kido cũng cho biết tập đoàn đã hoàn tất đàm phán mua lại 51% vốn tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè nhằm đa dạng hơn nữa sản phẩm dầu của Tập đoàn. Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc vì sao Golden Hope đang làm ăn không hiệu quả mà KDC vẫn thâu tóm, ban lãnh đạo cho rằng KDC có thể giúp Golden Hope cải thiện tình hình kinh doanh. Ông Trần Lệ Nguyên lấy ví dụ Dầu ăn Tường An, khi KDC mới thâu tóm, Tường An chỉ có lợi nhuận khoảng 60 tỷ đồng, thì vào năm 2017, lợi nhuận của công ty này đã tăng gấp 3.
Trả lời về lợi thế cạnh tranh của KDC khi phát triển mạnh ngành hàng tiêu dùng, ban lãnh đạo KDC cho biết, lợi thế đầu tiên của tập đoàn là về kênh phân phối và là nền tảng cốt lõi cho hoạt động kinh doanh của Kido. Ngoài ra, KDC còn chú trọng xây dựng tốt kênh phân phối, đội ngũ và dịch vụ.
Như Mai
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư