Cục Cạnh tranh chính thức điều tra vụ Grab mua Uber

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã quyết định điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan quản lý cạnh tranh thu thập thông tin cũng như làm việc với cả Gab và Uber. Mới nhất vào chiều 12/04, Cục đã làm việc với đại diện hợp pháp của Công ty Uber Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện Uber cho biết Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của mình tại Việt Nam từ 23 giờ 59 ngày 08/04 và hiện tại Văn phòng Uber Việt Nam cũng đã đóng cửa. “Như vậy, giao dịch tập trung kinh tế và Uber đã chính thức hoàn tất tại thị trường Việt Nam. Trên cơ sở kết quả làm việc với các bên liên quan và thông tin thu thập được, căn cứ điều 86 luật Cạnh tranh 2004, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu về tập trung kinh tế. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày, từ ngày có quyết định”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin.

Trao đổi thêm với phóng viên cuối giờ chiều 13/04, một lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thêm, dấu hiệu vi phạm ở đây là nghi ngờ thị phần của Grab lớn hơn mức 30% mà doanh nghiệp trong văn bản gửi đến cơ quan quản lý hôm 06/04 công bố dưới 30%. “Tuy nhiên, thị phần đó là bao nhiêu, có thể là từ 30-50% hay trên 50% thì phải khảo sát, điều tra mới biết được”, vị này lưu ý.

Cục Cạnh tranh chính thức điều tra vụ Grab mua Uber

Grab chính thức bị cơ quan quản lý cạnh tranh mở cuộc điều tra sơ bộ. Ảnh Đ.N.T.

Vị lãnh đạo này cũng cho hay, thị trường liên quan là gì thì trong quá trình điều tra sơ bộ, Cục sẽ tham khảo, tham vấn ý kiến các bên, cũng như các cơ quan chức năng liên quan để xác định.

Trước đó, khi làm việc với Công ty GrabTaxi, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thông báo cho doanh nghiệp theo quy định của luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Buổi làm việc với Grab diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Grab gửi công văn đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Thế nhưng, tại buổi làm việc, Grab chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan nêu tại văn bản của GrabTaxi.

Ngày 26/03, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong thông báo phát đi 1 ngày sau đó cho biết đã gửi công văn đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên.

Chí Hiếu
Nguồn Thanh Niên