Đi tìm khách hàng riêng
Tập trung thị trường hơn 95 triệu dân, “cuộc chiến” của các nhà bán lẻ nội và ngoại, khởi điểm từ cạnh tranh điểm bán, nay đã và đang bước dần vào phân hóa nhiều đối tượng khách hàng riêng.
Các nhà đầu tư nội và ngoại hiện đang đẩy mạnh phát triển chiến lược riêng để tìm chỗ đứng trên thị trường.
Hàn Quốc theo đuổi... lợi thế có sẵn
Đầu năm 2018, tập đoàn bán lẻ GS Retail từ Hàn Quốc đã chính thức có mặt ở Việt Nam. Cách thức của GS Retail là hợp tác với Sơn Kim Land để mở chuỗi GS25 Việt Nam theo mô hình cửa hàng tiện lợi.
Theo mục tiêu, GS25 sẽ mở 4 cửa hàng tại TP.HCM và 50 cửa hàng trong năm 2018, sau đó sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội. Kế hoạch trong 10 năm, GS25 sẽ mở hệ thống 2.500 cửa hàng trên toàn quốc.
Hướng đi của GS có phần giống Auchan từ Pháp, bước đầu vào Việt Nam theo đường hợp tác cùng Sacomreal (nay là TTC Land) để tận dụng mặt bằng có sẵn. Nếu như Auchan chỉ đơn thuần hợp tác chiến lược cùng TTCLand trên điểm hạ tầng và tăng thêm dịch vụ tiện ích cho từng dự án mà Cty này có kế hoạch phát triển, thì GS25 là 1 đơn vị liên doanh, trong đó Sơn Kim Land nắm 70% vốn. Lợi thế về may mặc (ngành nội y) với các điểm bán lẻ nội địa địa trong hệ thống Sơn Kim Land sẽ được chuyển về cho GS25. Giá trị khác biệt là sản phẩm Hàn Quốc từ GS Retail được phân phối vào hệ thống này, cùng với đó nhà máy thực phẩm ở Long An mà chính GS Retail đầu tư.
Dù là liên doanh có 2/3 vốn nội, nhưng với hậu thuẫn kinh nghiệm của Tập đoàn có 12.000 điểm bán lẻ từ Hàn Quốc, GS25 có cơ sở hiện thực hóa tham vọng đứng vào top đầu bán lẻ trên thị trường.
Nhật Bản hướng đến khách hàng thành thị
Thông qua M&A hoặc ký hợp tác với nhà phát triển Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng với người tiêu dùng Việt. 7 Eleven hiện đã mở khá nhanh các điểm bán nhưng không gây “chóng mặt” về tốc độ phát triển như phong cách thường thấy ở các thị trường châu Á khác. 7-Eleven hiện có 13 cửa hàng tiện lợi tập trung ở trung tâm TP HCM. Hãng này cũng có phân khúc khách hàng phân hóa rõ, tập trung vào giới trẻ và công sở với hàng tiện lợi, ăn nhanh thay cho tiêu dùng gia đình, tương đồng với nhóm cửa hàng tiện lợi của Aeon mang thương hiệu Ministop.
Ngoài 119 điểm thuộc chuỗi Ministop, Aeon còn đầu tư 29 điểm siêu thị Aeon Citimart (thông qua mua Citimart) và 2 trung thương mại ở TP HCM-Bình Dương.
Ngoài ra, Family Mart cũng từ Nhật đang có 160 cửa hàng, gần như bám đuổi các khu vực trung tâm có hiện diện của Circle K (Mỹ, 267 cửa hàng), tiếp tục chia sẻ thị phần ở thị trường khách hàng thành thị và nhóm trẻ, công sở, bà nội trợ…
Bán lẻ Việt chọn khách hàng mục tiêu
Các nhà bán lẻ Việt Nam cần có chiến lược phủ sóng và nỗ lực gắn bó nhiều hơn nữa với các khách hàng hạt nhân để thị trường tiêu dùng Việt Nam không bị “nuốt” bởi các nhà bán lẻ ngoại.
Trong khi các thương hiệu nội, ngoại đều hướng vào những phân khúc khách hàng có sự phân hóa nhất định, thì hai thương hiệu bán lẻ của Vingroup là VinMart và VinMart+ có tham vọng trở thành nhà bán lẻ có quy mô và độ phủ lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể, 2 thương hiệu bán lẻ của Vingroup đang có lần lượt hơn 57 siêu thị và 1.200 cửa hàng tiện lợi, gần như “khống chế” tuyệt đối về tốc độ tăng trưởng điểm bán/ mặt bằng.
Ngoài cộng hưởng thương hiệu tập đoàn, VinMart và VinMart+ hiện đang có sự phát triển tích cực và riêng biệt về nhãn hàng riêng, như sản phẩm VinEco, VinMart Cook, đáp ứng được xu hướng tiêu dùng an toàn, sạch, tiện lợi.
Trong khi đó, Bách hóa Xanh cũng đang lựa chọn phát triển thần tốc về điểm bán với khoảng 500 cửa hàng, được phát triển bởi Thế giới Di động. Bách hóa Xanh cũng đang định vị phục vụ tiêu dùng thiết yếu như một phần “vũ khí” đến với khách hàng mục tiêu - với tầng lớp tiêu dùng nắm tay hòm chìa khóa thu nhập/ chi tiêu của phần lớn các gia đình. Do đó, thách thức của VinMart và VinMart+ trước hết là phải khắc sâu đậm hơn nữa khoảng cách so với các đối thủ trong lẫn ngoài nước cả về điểm bán lẫn các điểm khác biệt.
Hay nói cách khác, bên cạnh việc phủ sóng toàn quốc, Vingroup sẽ cần gắn bó nhiều hơn nữa với các khách hàng hạt nhân. Đây cũng chính là bức tường thành để thị trường tiêu dùng Việt không bị “nuốt” bởi những nhà bán lẻ ngoại, trong khi những nhà bán lẻ có “tuổi tác” trên thị trường như Coop Mart, Satra... có thể bị giới hạn về năng lực phát triển cửa hàng tiện lợi, còn Bách hóa Xanh vẫn là người chơi mới chưa sẵn sàng tích lũy hoặc chuyển đổi kinh nghiệm bán điện thoại sang bán thịt và rau.
Lê Mỹ
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp