Các thương hiệu nước ngoài dồn dập nhượng quyền vào Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã cấp phép nhượng quyền cho 7 công ty nước ngoài vào Việt Nam. Không chỉ vậy, ngày càng nhiều các thương hiệu từ khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Thống kê về nhượng quyền thương mại ở chiều "Vào Việt Nam" đăng tải trên website của Bộ Công Thương cho thấy, công ty mới nhất được cấp phép, hôm 3-4 là KF Tea Franchising LLC, quốc tịch Mỹ. KF Tea Franchising LLC kinh doanh ở lĩnh vực trà và đồ uống. Tuy nhiên, thương hiệu và mô hình thì không được thông báo chi tiết.

Trước đó, trong tháng 3, cơ quan chức năng cũng đã cấp phép cho hai doanh nghiệp, một đến từ Hàn Quốc (công ty MCOSTAR ở lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, dịch vụ lưu trú) và một đến từ Đài Loan (công ty Ten Ren Tea, có mô hình kinh doanh đồ uống không cồn hiệu Cha For Tea).

Đặc biệt, trong tháng 1, cũng đã có ba công ty của Mỹ, Nhật Bản và Singapore được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam, ở hai lĩnh vực gồm nhà hàng và dịch vụ massage.

Các thương hiệu nước ngoài dồn dập nhượng quyền vào Việt Nam

Nhiều thương hiệu khu vực đã vào Việt Nam trong thời gian qua. Trong hình là một thương hiệu trà sữa của Thái Lan vừa được franchise đưa về Việt Nam. Ảnh: Minh Tâm.

Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, tính từ năm 2007 đến nay đã có 203 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với nhiều mô hình kinh doanh, từ sản xuất dược phẩm đến cửa hàng cho thuê xe hay đào tạo bán hàng, cửa hàng tiện lợi, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép thời trang… Tuy nhiên, nhiều nhất là các chuỗi nhà hàng ăn uống.

Trong số này có công ty chưa hiện thực hóa việc nhượng quyền bằng điểm kinh doanh cụ thể. Bên cạnh đó cũng có công ty đăng ký từ rất lâu nhưng mới khai trương điểm bán gần đây, ví dụ như trường hợp của 7 – Eleven (đăng ký từ 2015 nhưng mới mở cửa hàng năm 2017). Ngược lại, cũng có trường hợp đã thấy hoạt động tại Việt Nam rất lâu nhưng mới đăng ký nhượng quyền gần đây (ví dụ thương hiệu FamilyMart).

Dẫu vậy, con số thống kê kể trên dường như chưa phản ánh hết mức độ sôi động của thị trường nhượng quyền trong thời gian qua. Trên thực tế, có những thương hiệu dù đã hoạt động trên thị trường nhưng không thấy được ghi nhận trong danh sách. Hoạt động nhượng quyền thứ cấp (bán lại thương quyền cho các đối tác nhỏ lẻ) sau khi nhận nhượng quyền độc quyền từ nước ngoài cũng diễn ra rất sôi động khiến số lượng các chi nhánh trong từng chuỗi tăng nhanh…

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập và điều hành World Franchise Associated chia sẻ, xu hướng các thương hiệu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong 3 năm tới. Trong số này, các thương hiệu từ khu vực (ví dụ như Malaysia, Singapore hay Thái Lan, Philippines) sẽ vào cùng với các nhãn quốc tế.

Tính từ năm 2007 đến nay đã có 203 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với nhiều mô hình kinh doanh.

Tuy vậy, thị trường tại Việt Nam vẫn chỉ ở trong giai đoạn gieo hạt (dù bắt đầu có nhượng quyền từ năm 2009), trong khi các nước như Malaysia, Singapore đã bắt đầu từ những năm 1980. Chính vì vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức.

Trong đó, bản thân các nhà đầu tư mua thương quyền nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa hiểu đúng, đủ về mọi thứ liên quan đến thị trường.

Ngược lại, bên cạnh những thương hiệu đã rất bài bản thì cũng có không ít nhãn hiệu mới nổi, muốn phát triển nhanh như một cách đánh bóng thương hiệu nên chọn Việt Nam, một trong bốn thị trường được đánh giá tiềm năng để nhượng quyền. Các thương hiệu này thậm chí còn chưa hoàn thiện mô hình, quy trình vận hành nên cũng chấp nhận giảm phí nhượng quyền để thu hút người mua (franchisee).

“Các thương hiệu khu vực vào kinh doanh tại Việt Nam rất cơ hội, chưa nghĩ sâu cho hệ sinh thái. Chính vì vậy, đã có tranh chấp, mâu thuẫn, đổ gãy xảy ra”, bà Phi Vân nói.

Do vậy, lời khuyên dành cho các nhà đầu tư Việt Nam là biết chấp nhận tất cả, căn cứ vào tình hình và bối cảnh của mình. Nếu chấp nhận bỏ nhiều tiền để mua nhượng quyền giá cao, thương hiệu đã tốt thì sẽ chỉ cần tập trung vào vận hành, khai thác. Còn nếu bỏ ít tiền thì phải chấp nhận cùng xây dựng, hoàn thiện mô hình với công ty nhượng quyền.

Tâm An
Nguồn The Saigon Times