Sau cú knock-out Uber, Grab lại lo đối đầu với Go-Jek tại Việt Nam

Mua bán - sáp nhập (M&A) hàng loạt nhằm nhanh chóng đa dạng hoá dịch vụ cho người dùng, Grab muốn củng cố vị thế vững chắc hơn, trước khi kế hoạch “vươn vòi” sang thị trường Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam của đối thủ Go-Jek sẽ được thực hiện trong năm nay.

Tốc độ Go-Jek

Ngô Đông Giang, quê Hưng Yên cùng với người em trai của mình cả tuần này loay hoay với việc nghiên cứu tìm “bến đỗ” mới cho kế sinh nhai của cả gia đình. Trước anh chạy xe cho Uber, nhưng khi Uber sáp nhập vào Grab thì anh nhận được thông báo: “Cho đến ngày 8/4/2018, nếu các tài xế Uber không đi đăng ký dịch vụ xe ôm khác thì đồng nghĩa với việc là ứng dụng này ngừng hoạt động và không thể chạy xe được nữa”.

Các bạn của anh có người chọn Mai Linh Bike, có người chọn Grab, người thì chọn T.Net, Vato. Cũng nhiều người tìm hiểu ứng dụng chạy xe Go-Jek của Indonesia sắp vào Việt Nam và chờ cơ hội, bởi tại Indonesia, sau thương vụ bán cho Grab, đa phần các tài xế Uber cũ đều chuyển sang đăng ký Go-Jek.

Antonny Putra, đang sinh sống và làm việc ở Jarkarta (Indonesia) cho biết, cả tuần nay, văn phòng Go-Jek tại Emerald Sumarecon Bekasi (Indonesia) chật kín các xe ôm công nghệ từng là tài xế Uber. “Ở thị trường Indonesia, Grab không thua kém gì so với Go-Jek, nhưng các tài xế Uber lại chọn Go-Jek vì cách thức đăng ký đơn giản dành riêng cho các tài xế Uber muốn chuyển sang chạy Go-Jek, đó là sau khi đăng ký, có thể lấy đồng phục ngay trong ngày và bắt đầu công việc.

Sau cú knock-out Uber, Grab lại lo đối đầu với Go-Jek tại Việt Nam

Grab hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại. Ảnh: Đức Thanh.

Với người dân Indonesia, Go-Jek phổ biến hơn Grab vì ngoài xe ôm vận chuyển hành khách, hãng này còn có đủ các thể loại dịch vụ tiện ích gắn với cuộc sống hiện đại của người dân như: đặt và gọi thức ăn, trang điểm, massage, làm sạch, chuyển đồ, đi chợ….

Sau thương vụ Uber - Grab, Go-Jek có thêm động lực đẩy nhanh hơn kế hoạch mở rộng ra ngoài lãnh thổ Indonesia. Theo đó, ngoài việc đánh mạnh vào thị trường Singapore, Go-Jek muốn thâm nhập Philippines, Thái Lan và Việt Nam ngay trong năm 2018. Từ tháng 3/2018, Go-jek đang trong quá trình tuyển nhân sự tại Việt Nam để chuẩn bị gia nhập thị trường này.

Với khoảng 94 triệu dân, trong đó có khoảng 46 triệu người sở hữu xe máy, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với dịch vụ gọi xe máy. Ở góc độ tài chính, Go-Jek có đủ tiềm lực để thực hiện kế hoạch mở rộng sang thị trường nước ngoài. Trong vòng huy động vốn mới nhất, họ đã gọi thành công thêm 1,5 tỷ USD và được định giá ở mức 5 tỷ USD.

Mục tiêu của Go-Jek là phải vô địch ở 3 yếu tố: tốc độ, đổi mới và tác động xã hội. Các lái xe ở Indonesia đều thừa nhận, khi tham gia Go Jek không chỉ tăng thu nhập, họ cũng có quyền được bảo hiểm y tế và tai nạn, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, cũng như các khoản thanh toán tự động và nhiều lợi ích khác.

Tham vọng Grab

“Khi thức dậy, họ đặt một chiếc xe. Chiếc xe đến và họ trả cước qua Grab Financial. Họ trả tiền cho bữa trưa tại một cửa hàng mì bằng Grab Pay, di chuyển giữa các cuộc họp bằng Grab Bike và sau đó đặt Grab Food trên đường về nhà”, đó là những gì sẽ diễn ra trong một ngày của người tiêu dùng Grab được Anthony Tan, CEO Grab đã phác họa. Cùng với việc mua lại Uber để mở rộng Grab food, CEO của Grab hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề lớn tiếp theo, đó là đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại.

Tại Hà Nội, hiện có 19.265 xe taxi và khoảng 30.000 xe hợp đồng hoạt động như taxi, vượt xa so với quy hoạch taxi của Thành phố (đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 25.000 xe).

Tương tự, TP.HCM hiện có 11.060 xe taxi và khoảng 33.000 xe hợp đồng hoạt động như taxi (quy hoạch của TP.HCM đến năm 2020 có 12.700 xe). Trong đó, lượng xe của Uber, Grab đã lên 50.000 xe.

Riêng trong 2 năm Bộ Giao thông - Vận tải cho thí điểm, số lượng xe Uber, Grab đã tăng thêm 36.600, chiếm 96,7% tổng số phương tiện.

Sau khi chốt thương vụ gây quỹ 2 tỷ USD từ Softbank và Didi Chuxing vào tháng 7/2017, Grab đã nhanh chóng kết nối hàng triệu người trong khu vực với các dịch vụ tài chính của mình. Ví điện tử GrabPay đã được ra mắt trên khắp Đông Nam Á, bắt tay với Credit Saison (Nhật Bản) để thành lập Grab Financial Services; hợp tác với công ty bảo hiểm khổng lồ Chubb về các giải pháp bảo hiểm trong ứng dụng.

Đặc biệt, đầu năm nay, Grab công bố mua lại công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán iKaaz tại Bangalore (Ấn Độ) được thành lập năm 2014. Thương vụ này giúp Grab tiếp tục mở rộng hoạt động đến tất cả các thị trường Đông Nam Á trong năm nay, với mục tiêu trở thành nền tảng thanh toán di động phổ biến trong khu vực. GrabPay cũng đang có sự phát triển bùng nổ, với hơn 3,5 triệu giao dịch mỗi ngày và hơn một tỷ giao dịch mỗi năm.

Tuy nhiên, Grab có thể đối mặt với những thách thức đáng gờm hơn trong cuộc đua phục vụ nhu cầu tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại trong khu vực. Hiện các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, như Tencent với WeChat Pay và Alibaba với Ant Financial đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động của mình tại Đông Nam Á.

Sau khi thương vụ Uber và Grab được công bố, một số nước tại thị trường ASEAN đã khuyến khích các ứng dụng gọi xe trong nước “trở mình” mạnh mẽ hơn để thiết lập tình trạng cạnh tranh. Thế nhưng, những ứng dụng gọi xe tại các nước sở tại không đáng quan ngại với Grab, mà kế hoạch sang Philippines, Thái Lan và Việt Nam ngay trong năm nay của Go-Jek mới là mối bận tâm hàng đầu của Grab.

Go-Jek đang đầu tư vào công nghệ tài chính nhằm thu hút một lượng lớn những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính hiện đại. “Năm 2018 sẽ là năm của Go-Pay”, Nadiem Makarim CEO Go-Jek khẳng định. Hiện ngoài Indonesia, Go-Jek còn nắm cổ phần tại ứng dụng gọi xe Pathao của Bangladesh.

Sau cú knock-out Uber, Grab lại lo đối đầu với Go-Jek tại Việt Nam

Go-Jek đã gọi thành công thêm 1,5 tỷ USD và được định giá ở mức 5 tỷ USD.

Điều này khiến Grab dù dẫn đầu trong lĩnh vực vận tải ở hầu hết mọi thị trường khu vực ASEAN, nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Anthony Tan tin rằng, với Uber Eats, Grab sẽ trở thành nhà phân phối thực phẩm hàng đầu tại ASEAN nói chung và Indonesia nói riêng. Và với GrabPay, Grab Financial sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ra toàn khu vực châu Á.

Cuộc chiến không ngừng của 2 người bạn

Nadiem Makarim sinh năm 1984, sáng lập Go-Jek cách đây 8 năm, nhưng phải đến năm 2014, khi thế giới bắt đầu chú ý đến sự phát triển của các ứng dụng gọi xe, anh mới huy động thành công vốn từ Quỹ đầu tư NSI Ventures của Singapore. Từ tháng 1/2015, Go-Jek chính thức thành lập dưới dạng một công ty cung cấp ứng dụng công nghệ, được điều hành bởi Makarim và một cổ đông khác.

Một năm sau, ứng dụng Go-Jek được tải về 7,5 triệu lần, số lượng lái xe trong mạng lưới tăng từ 500 lên 200.000. Đến giữa năm 2017, Go-Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.

Nadiem Makarim và Anthony Tan (CEO của Grab) là bạn thân thiết khi còn học ở Đại học Harvard (Mỹ). Nadiem Makarim trở về Indonesia và Anthony Tan trở về Malaysia để start-up với mô hình tương tự Uber và đạt được những thành công nhất định. Họ trở thành đối thủ trên thị trường gọi xe đầy khốc liệt.

Ở phương diện tài chính, họ cũng ngang ngửa nhau. Grab được sự chống lưng từ Didi Chuxing (Trung Quốc) và Tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản). Trong khi đó, Go-Jek lại có Tencent, Google. Họ đều có kế hoạch IPO trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Nadiem Makarim cho rằng, họ không coi việc ai nhiều tiền hơn mà quan trọng là ai sẽ đổi mới nhanh hơn. Grab đang chứng tỏ thế mạnh chiếm lĩnh thị phần nhờ am hiểu thị trường địa phương và phát triển các giải pháp không theo khuôn mẫu. Còn Go-Jek lại đang chiếm lĩnh tại Indonesia thị trường đông dân nhất khu vực và thể hiện là một ứng dụng cho tất cả nhu cầu của con người nhanh hơn Grab.

Anh Hoa
Nguồn Báo Đầu Tư