Các tập đoàn châu Á tập trung vào phát triển bền vững
Mười bảy mục tiêu trong chương trình “Mục tiêu phát triển bền vững” (SDG) mà Liên hợp quốc đưa ra đang được các công ty châu Á đưa vào tuân thủ như một lợi thế cạnh tranh.
Các mục tiêu này nhắm đến giải quyết các vấn đề bị các công ty bỏ qua khi chạy theo lợi nhuận như phá rừng, lạm dụng lao động trẻ em, khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Cách thức sản xuất nuôi trồng nông nghiệp cũng như sử dụng nguyên liệu hóa thạch ảnh hưởng rất lớn đến biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Trong khi một số công ty tin SDG là “vòng kim cô” xiết chặt hầu bao của họ thì một số công ty xem đó là cơ hội để giữ chân khách hàng, nhà đầu tư và kiến tạo giá trị tương lai.
Các công ty toàn cầu như Walmart, McDonald’s và Nestle đã ký vào hứa hẹn sẽ chỉ bán trứng từ gà nuôi không nhốt (gà càng nhốt chuồng chật càng đẻ trứng nhiều) vào năm 2025 trong khi một công ty Singapore cam kết cung cấp hoàn toàn trứng từ gà nuôi không nhốt vào năm 2020.
“Trứng gà không nhốt sẽ có giá khoảng 50 yen (47 cent Mỹ) mỗi quả, so với giá hiện tại 20 yen”, Mariko Kawaguchi, nghiên cứu trưởng tại viện nghiên cứu Nhật Bản Daiwa dự báo, rất ít công ty Nhật Bản nhận thức rằng họ đang sản xuất với giá thấp một cách bất hợp lý.
Tập đoàn Ấn Độ Tata Steel phát động chính thức phát triển bền vững từ năm 2011. CP Foods từ Thái Lan đã cam kết với chương trình của Liên hợp quốc. Công ty United Plantations của Malaysia đã lập liên doanh với công ty Nhật Bản Fuji Oil Holdings hồi tháng 11-2017 để sản xuất các sản phẩm từ dầu cọ trồng theo lối phát triển bền vững, họ chi 4 tỉ yen để xây dựng một trong những nhà máy thân thiện với môi trường lớn nhất thế giới. Nhà máy đi vào vận hành tháng 6-2018, sản phẩm sẽ được xuất sang các công ty thực phẩm lớn ở châu Âu.
Mikio Sakai, giám đốc chiến lược Fuji Oil Holdings, nhấn mạnh bước đi này là hướng đến tương lai. Sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường cộng với điều kiện lao động tốt sẽ làm tăng chi phí nhưng theo ông Sakai, ngày càng có nhiều công ty chấp nhận trả giá cao cho các sản phẩm như vậy.
Nhiều công ty lo ngại đầu tư phát triển bền vững sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh vì giá cả tăng sẽ đẩy sang người tiêu dùng gánh chịu. Nhưng nhận thức của người tiêu dùng cũng đang thay đổi, theo công ty Maruhon, nhà phân phối các vật liệu sàn gỗ nhập khẩu ở Nhật Bản.
“Thay gỗ tùng và bách từ rừng thông thường bằng gỗ từ rừng được cấp phép đẩy giá lên 7-8%, thêm vào đó là giá vận chuyển, sơ chế cao hơn nhưng các nhà xây dựng và phát triển nhà đang tìm kiếm những vật liệu như vậy, trên cơ sở người tiêu dùng cũng hài lòng trả giá cao hơn nhằm góp phần bảo vệ rừng”, ông chủ tịch Taku Kato nói.
“Vào năm 2030, những người sinh ra đầu thiên niên kỷ này là những người rất nhạy cảm với phát triển bền vững, họ sẽ là những người quyết định ở các công ty, họ cũng là những người tiêu dùng”, nhận xét của ông Shunsuke Tanahashi, trưởng văn phòng ở Nhật Bản của công ty quản lý đầu tư Thụy Sĩ Partners Group với tờ Nikkei Asian Review.
Thái Hà
Nguồn The Saigon Times