Những hãng công nghệ đình đám một thời đang dần “biến mất”
Cách nay nhiều năm có những hãng công nghệ nổi bật và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại những thương hiệu này chỉ còn là "ký ức".
Compaq
Được thành lập vào năm 1982 với mục tiêu phát triển và bán máy tính cũng như các sản phẩm liên quan, Compaq gây chú ý khi trở thành công ty đầu tiên hợp pháp hóa thiết kế máy tính cá nhân của IBM, nổi lên trong ngành công nghiệp những năm 1990 và trở thành nhà cung cấp máy tính lớn nhất thời gian đó.
Công ty sau đó phải cạnh tranh để tồn tại trước sự lớn mạnh của các gã khổng lồ máy tính HP và Dell, đặc biệt trong cuộc chiến giá cả trước khi bị HP mua lại vào năm 2002 với giá 25 tỉ USD, và thương hiệu này được HP sử dụng cho các hệ thống giá rẻ cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 2013.
GeoCities
Dịch vụ lưu trữ web này được thành lập vào năm 1994, đến năm 1999 trở thành trang web truy cập đứng thứ ba thế giới. Chính khoảng thời gian này dịch vụ được mua lại bởi Yahoo! với giá 3,57 tỉ USD. Hai năm sau, dịch vụ không mang ra lợi nhuận và khiến Yahoo! thua lỗ 8 triệu USD ở thời điểm đó.
Yahoo! đã cố gắng thực hiện những thay đổi khác nhau để cải thiện lợi nhuận, nhưng bất chấp sự phổ biến của hãng, GeoCities tiếp tục thất bại. Vào năm 2009, GeoCities đã được thêm vào danh sách các dịch vụ mà Yahoo! phải đóng cửa, và người dùng được khuyến khích chuyển sang dịch vụ lưu trữ thay thế.
Kodak
Được thành lập vào năm 1888 và trong suốt thế kỷ 20, công ty này trở thành cái tên nổi bật trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Thật không may khi Kodak đã không bắt kịp sự phát triển của nhiếp ảnh kỹ thuật số và bắt đầu gặp khó khăn về tài chính vào những năm 1990.
Mặc dù đã rất nỗ lực để thay đổi lợi nhuận nhưng mô hình kinh doanh công ty tiếp tục bị ảnh hưởng, buộc Kodak phải nộp đơn xin phá sản vào năm 2012. Kodak sau đó bán phần lớn bằng sáng chế cho Apple, Google, Facebook… với giá 525 triệu USD. Kể từ sau đó, thương hiệu này chỉ xuất hiện ở hoạt động kinh doanh túi đựng, in ấn, truyền thông đồ họa hay dịch vụ chuyên nghiệp.
Polaroid
Được thành lập vào năm 1937 và nổi tiếng với máy in ảnh tức thời. Vào thời đỉnh điểm, công ty tuyển dụng 21.000 nhân viên và kiếm được doanh thu 3 tỉ USD.
Trong Thế chiến hai, công ty thiết kế một số sản phẩm thông minh cho các lực lượng đồng minh như một thiết bị xem đêm bằng hồng ngoại, nhưng sau đó chuyển sang máy quay phim tức thời phát hành vào những năm 1950 và 1960.
Những năm sau đó, sự gia tăng của công nghệ mới đã thay đổi thế giới nhiếp ảnh, đặc biệt là máy ảnh kỹ thuật số làm sụt giảm niềm đam mê máy ảnh số, buộc công ty đệ đơn xin phá sản vào năm 2001. Một công ty mới mọc lên từ những gì còn sót lại sau đó cũng phải tuyên bố phá sản vào năm 2008.
Netscape
Đây là một trong những trình duyệt đầu tiên và có lẽ là phổ biến nhất trong những ngày đầu của thế giới web. Ở thời kỳ đỉnh cao vào giữa những năm 1990, trình duyệt này có 90% thị phần nhưng sau đó bị chiếm bởi Internet Explorer của Microsoft và chỉ còn 1% vào đầu năm 2006.
Sau đó Netscape được mua lại bởi AOL và tiếp tục phát triển đến năm 2007 trước khi ngừng tồn tại. Tuy nhiên thương hiệu này vẫn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và hiện là một chi nhánh không hoạt động của Facebook.
Palm
Công ty này tập trung vào việc sản xuất thiết bị PDA và các thiết bị điện tử khác. Ngoài PDA, thương hiệu này còn được biết đến với nền tảng webOS cho smartphone.
Vào năm 2010, Palm bị mua lại bởi HP với giá 1,2 tỉ USD. HP tiếp tục tạo ra một dòng sản phẩm webOS nhưng không có tên Palm. Sau khi doanh số bán hàng thấp, HP đã chấm dứt sản xuất các sản phẩm Palm và thương hiệu này gần như không còn sử dụng vào năm 2011, chấm dứt lịch sử 19 năm hoạt động.
Pebble
Pebble lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012 thông qua chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter và bán smartwatch đầu tiên vào năm 2013. Đến năm 2014, Pebble bán được 1 triệu sản phẩm, và công ty đã tung ra 2 mẫu smartwatch mới vào năm 2015, nhận được 75.000 người ủng hộ.
Tuy nhiên công ty đã phải vật lộn về tài chính và buộc phải hoàn trả tiền ủng hộ. Năm 2016, công ty buộc phải đóng cửa hoàn toàn. Các bằng sáng chế sau đó được mua lại bởi Fitbit.
Minolta
Thành lập vào năm 1928 và nổi tiếng với máy ảnh SLR tích hợp lấy nét tự động đầu tiên. Vào thời hoàng kim, công ty Nhật Bản này được coi là một trong những nhà sản xuất máy ảnh sáng tạo nhất hành tinh, đặc biệt trong khoảng thời gian 1950 đến 1980.
Tuy nhiên vào năm 1991, thiết kế tự động lấy nét của Minolta bị phát hiện vi phạm bằng sáng chế của Honeywell với án phạt lên đến 127,6 triệu USD. Đến năm 2003, công ty này sáp nhập với Konica để trở thành công ty Konica Minolta nhằm bắt kịp thời đại. Công ty mới này tuyên bố rời khỏi lĩnh vực kinh doanh máy ảnh vào năm 2006, nơi họ bán mảng SLR cho Sony.
Vertu
Công ty này thành lập vào năm 1998 bởi Nokia và trở thành thương hiệu điện thoại thủ công sang trọng của Anh (có trụ sở tại Hampshire) với mục tiêu hướng đến giới nhà giàu. Sản phẩm bán ra đầu tiên vào năm 2003 và đến cuối năm 2010, công ty bắt đầu tung ra smartphone đầu tiên với các phím sapphire có giá từ 5.000 đến 17.300 bảng Anh tùy thuộc tùy chọn.
Tuy nhiên, công ty chỉ bán được khoảng 350.000 điện thoại vào năm 2013 trước khi ngừng kinh doanh bằng cách đóng cửa vào năm 2017, khiến 200 nhân viên không có lương và thất nghiệp.
Thành Luân
Nguồn Thanh Niên