7 kinh nghiệm tổ chức cuộc thi trên Facebook

Bạn đang không biết sửa dụng facebook marketing như thế nào để tăng số fan cho Facebook page của mình? Bạn đang cố gắng để tăng cường tương tác nhiều hơn với người dùng Facebook qua fan page? Tổ chức những cuộc thi trên Facebook là giải pháp tốt cho bạn. Nếu như bạn đọc đến đây và lắc đầu “Haizzz! Tôi đây đã thử rồi nhưng vẫn không ăn thua, chỉ tốn công quản trị với phí giải thưởng thôi”, thì tôi khuyên bạn hãy thử cố thêm nữa, nhưng lần này hãy áp dụng một số kinh nghiệm tổ chức cuộc thi trên facebook mà tôi cho là hữu ích sau đây:

1. Càng đơn giản, càng tốt

Bạn muốn cuộc thi trên Facebook phải nhiều người tham gia chơi? Tất nhiên! Vậy thì nguyên tắc đầu tiên là hãy đơn giản hóa cuộc thi đến mức có thể nhất!

7 kinh nghiệm tổ chức cuộc thi trên Facebook

Điều bạn cần có ở đây là ý tưởng cuộc thi mà người chơi có thể dễ dàng tham gia trong vòng dăm ba phút để hoàn thành bài dự thi của mình. Đừng bắt họ tham gia cuộc thi sáng tạo hay chỉnh sửa ảnh vì không phải ai cũng biết sử dụng tốt photoshop. Hay đừng bắt họ viết bài cảm nhận dài vì không phải ai cũng có khả năng viết văn hay. Và trên hết những cuộc thi kiểu như vậy đòi hỏi người chơi giành nhiều thời gian, kỹ năng và tâm huyết để có thể tham gia. Điều này vô hình trung tạo thành rào cản cho người muốn chơi mà ngại!

Có nhiều ý tưởng về cuộc thi thu hút được người tham gia trong thời gian ngắn vì lẽ nó rất dễ chơi. Bạn có thể tổ chức những cuộc thi nhỏ bằng cách tạo ra một post trên Facebook page để người chơi tham gia comment bên dưới và nhận quà. Rất đơn giản nhưng comment của người dùng Facebook là một trong những cách tối ưu nhất để lan truyền thông điệp của bạn.

Thêm nữa bạn cũng nên chú ý tối giản luật chơi. Một cuộc thi có thể lệ loằng ngoằng với quá nhiều ràng buộc, cách tính giải phức tạp sẽ làm nản lòng người muốn tham gia. Thể lệ cuộc thi cũng nên được nhất quán, xuyên suốt từ đầu đến cuối, tránh những thay đổi giữa chừng sẽ gây mất uy tín cho chính bạn.

2. Giải thưởng hấp dẫn nhưng không cứ phải “hoành tráng”!

Chắc hẳn sẽ có nhiều người suy nghĩ cuộc thi thì giải thưởng phải “to” mới có sức thu hút. Điều này chưa hẳn đúng. Trong phạm vi ngân sách hạn hẹp, nếu giải thưởng càng giá trị thì số người được giải sẽ phải ít hơn. Như vậy cơ hội giành giải thưởng cũng khó hơn trong mắt người tham gia. Vậy nên bạn có thể chia nhỏ ngân sách ra thành nhiều giải thưởng giá trị nhỏ hơn để tăng thêm xác suất trúng giải.

Bạn lo sợ giải thưởng giá trị không lớn thì khó thu hút được người tham gia? Vậy thì bạn yên tâm! Điều quan trọng là cần biết chính xác đối tượng mục tiêu của bạn muốn gì. Bạn là một chuỗi nhà hàng ẩm thực nổi tiếng thì giải thưởng có thể là voucher cho những suất ăn miễn phí với gia đình. Hoặc bạn đang muốn tập trung vào đối tượng khách hàng là giới trẻ, tại sao không thử giải thưởng với những cặp vé xem những bộ phim đình đám dành cho các “cặp đôi hoàn hảo” J Bạn thấy không, những giải thưởng như thế giá trị không quá lớn nhưng sức hút thì có thừa!

3. Ý tưởng nội dung quyết định “số phận” cuộc thi

7 kinh nghiệm tổ chức cuộc thi trên FacebookCàng ngày người dùng Facebook Việt Nam càng có tâm lý “kỳ thị” và nhàm chán với những cuộc thi ảnh nhan nhản trên Facebook. Mô típ rất quen thuộc! Người tham gia đăng ảnh của mình lên kèm bình luận và sau đó dành thời gian kêu gọi người khác vote cho mình. “Bạn ơi Like hộ mình với!” :-D Đến giờ thì các cuộc thi này đã trở thành sân chơi riêng dành cho mấy tay săn giải chuyên nghiệp với hệ thống tài khoản Facebook chỉ để đi Like hoặc Share dành giải.

Vậy là tình trạng này buộc bạn phải sáng tạo không ngừng về ý tưởng cho cuộc thi để tạo sức hút người tham gia thực sự. Thậm chí ý tưởng không mới, nhưng bạn cần biết diễn giải nó theo cách hài hước, giải trí sẽ có hiệu quả cao. Ví dụ chúng tôi từng tư vấn cho chuỗi nhà hàng lẩu nướng không khói Nhật Bản SumoBBQ một cuộc thi nhỏ với ý tưởng: “Nếu tới SumoBBQ, hãy tag tối đa 10 người bạn muốn đi cùng nhất và giải thích vì sao bạn thích đi ăn với họ”. Comment được ủng hộ nhiều nhất sẽ được giải thưởng là số suất ăn miễn phí tại SumoBBQ tương ứng với số người họ đã tag vào.

4. Chú ý truyền thông cho cuộc thi

Việc truyền thông cho cuộc thi là yếu tố quyết định đến thành bại bên cạnh giải thưởng ngon, ý tưởng tốt. Bạn nên có kế hoạch riêng cho việc truyền tải thông tin về cuộc thi đến những nơi mà đối tượng người chơi của bạn xuất hiện.

Có một số kênh phổ biến để truyền thông cho cuộc thi mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn:

- Quảng cáo Facebook: cho phép bạn tiếp cận một cách chính xác nhất đối tượng người chơi.

- Quảng bá cuộc thi trên các fan page + group lớn của Facebook. Hiện tại ở Việt Nam các page và nhóm cộng đồng hoạt động rất sôi nổi với lượng thành viên và độ tương tác cao. Việc PR cho cuộc thi thông qua các kênh này sẽ tạo nên sức hút lớn. Bạn cần liên hệ với các admin của các kênh này để giới thiệu cuộc thi đến với cộng đồng Facebook.

- Tạo event: tận dụng chức năng mời tham gia event của Facebook cũng là một cách để thu hút fan tham gia cuộc thi của bạn.

- Bài PR hoặc banner trên báo điện tử: Bạn nên thông báo về cuộc thi lên những kênh có lượng người đọc lớn, tuy nhiên chú ý việc phân tích kênh nào tập hợp nhiều nhất đối tượng mục tiêu của bạn.

- Thông tin tại điểm bán: Đó là nơi tập hợp khách hàng của bạn, và bạn nên thông báo sự kiện hấp dẫn này với họ. Sẽ là lợi thế nếu người tham gia cuộc thi là những người đã có sự trải nghiệm với sản phẩm/dịch vụ của bạn. Ví dụ những standees trước cửa hàng hay flyers tại bàn ăn, quầy checkin là lựa chọn rất tốt để thông báo về cuộc thi đối với những nhãn hàng ẩm thực, thời trang…

5. Đừng quên người “nổi tiếng”

7 kinh nghiệm tổ chức cuộc thi trên FacebookNhóm tuổi chính trên người dùng Facebook tại Việt Nam là giới trẻ (chiếm 59% theo thống kê của Social Bakers). Họ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những hành vi của người khác, đặc biệt là người “nổi tiếng”. Người “nổi tiếng” trên Facebook ở đây không cần là những ngôi sao ca nhạc hay diễn viên… Đơn giản là họ nhận được sự quan tâm rất lớn qua những bài post, bình luận sắc sảo, hài hước… của họ.

Vậy bạn có thể dựa vào những người “nổi tiếng” này để làm “chim mồi” dẫn lối cho người khác tham gia cuộc thi. Bạn hãy liên hệ với họ và đề xuất cơ hội hợp tác. Đương nhiên bạn vẫn có thể nhận được những cái lắc đầu do họ là những người của cộng đồng, họ có cá tính rất mạnh. Nhưng bạn vẫn nên thử :-)

6. Thời gian như thế nào là hợp lý?

Tùy thuộc vào độ lớn của cuộc thi mà bạn đưa ra một khung thời gian bắt đầu đến khi kết thúc một cách phù hợp nhất:

- Đối với các cuộc thi nhỏ, bạn có thể tổ chức các cuộc thi nhỏ lẻ liên tiếp nhau để tăng tính tương tác trên fan page. Các cuộc thi nhỏ dưới dạng post bình luận bạn nên kéo dài từ khoảng 3-5 ngày. Người tham gia họ muốn được kết thúc sớm để biết mình có được nhận giải thưởng hay không.

- Đối với các cuộc thi lớn hơn: bạn nên chia nhỏ ra thành từng vòng, mỗi vòng kéo dài trong khoảng 5 – 7 ngày với nội dung khác nhau và có giải thưởng riêng cho mỗi vòng. Như vậy tránh cảm giác bị dàn trải và nhàm chán.

Bạn cũng cần hạn chế việc tổ chức cuộc thi trong khoảng thời gian nghỉ lễ hoặc cuối tuần vì số lượng online Facebook vào những ngày này sẽ thấp hơn hẳn so với ngày thường.

7. Cần thận trọng với việc chấm giải

Bạn đã từng gặp phải khủng hoảng khi tổ chức cuộc thi nào đó mà xuất phát từ việc người chơi phản đối cách chấm giải không minh bạch, không công bằng. Những điều này là kinh nghiệm xương máu, bạn cần chú ý một số điểm như sau:

- Bạn nên để chính người dùng lựa chọn người thắng cuộc. Bằng việc tính số Like (hoặc share) cho bài dự thi. Không nên dùng các quy tắc tính điểm bằng công thức kết hợp phức tạp giữa số bình chọn của người dùng với điểm chấm chất lượng từ Ban tổ chức.

- Cần rõ ràng thời gian dừng bình chọn và thời gian công bố giải thưởng. Thời gian dừng việc bình chọn phải được ấn định chính xác tại một thời điểm và thông báo cụ thể trong thể lệ. Sau thời điểm đó, các hoạt động bình chọn sẽ không được tính là hợp lệ.

- “Nói có sách, mách có chứng”: quản trị cuộc thi nên quay phim hoặc chụp lại màn hình trạng thái các bài dự thi kèm số bình chọn ở thời điểm dừng bình chọn để làm đối chứng nếu có sự phản ứng của người tham gia sau này.

Nguồn Mix Digital