Kỳ vọng gì từ vụ sáp nhập Renault và Nissan?
Nếu Renault và Nissan sáp nhập với nhau sẽ tạo nên một tập đoàn khổng lồ có thể thích ứng với sự thay đổi của ngành công nghiệp ô tô chuyển dịch từ xe diesel sang xe điện.
Nhiều hãng sản xuất ôtô đang gặp nhiều khó khăn và chi hàng tỷ USD để thích ứng với sự thay đổi của ngành công nghiệp chuyển từ động cơ diesel sang loại xe điện do các quy định phát thải đang ngày càng được thắt chặt. Mặc dù liên minh Renault-Nissan chiếm phần lớn doanh số bán ô tô chạy bằng pin trong ngành cho tới thời điểm này, nhưng lợi thế này đang bị thu hẹp trong bối cảnh nhu cầu nhỏ giọt.
Các mẫu xe điện sẽ chiếm một nửa dòng xe của Renault vào cuối năm 2022 khi nhà sản xuất ô tô này ra mắt 8 mẫu xe chạy bằng pin với và bổ sung 12 mẫu xe kết hợp.
Trong tương lai, các thế hệ xe điện tiếp theo có thể được thiết kế dựa trên việc Nissan có thể sử dụng một CUV/ SUV ở Mỹ với hệ thống truyền động Outlander. Renault có thể sử dụng Nissan ePower trong Twingo của mình. Mitsubishi có thể sử dụng một chiếc i-MiEV dựa trên Twingo ED (còn gọi là Smart ForFour ED).
Liên minh của Renault và Nissan bắt đầu từ năm 1999, khi Nissan rơi vào tình trạng vỡ nợ và doanh thu sụt giảm. Renault đã đưa ra đề xuất mua lại cổ phần của Nissan, và ông Carlos Ghosn, người gia nhập Renault vào năm 1996, cùng một nhóm các nhà quản lý đã chịu trách nhiệm hồi sinh Nissan.
Ông Ghosn đã giúp Nissan từ nhà sản xuất ô tô nợ nhiều nhất thế giới thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Năm 2002, Nissan đã mua 15% cổ phần Renault như một phần của kế hoạch tăng cường liên minh. Ông Ghosn hiện nay là Chủ tịch của Nissan kiêm chủ tịch và CEO của Renault.
Renault và Nissan hợp tác về thiết kế, sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng, mua sắm và nhân lực. Ví dụ, dòng xe nhỏ Micra của Nissan được thiết kế cho thị trường châu Âu và được sản xuất tại nhà máy của Renault ở Flins, Pháp.
Mặc dù Ghosn đã phục hồi hoạt động của cả Nissan và Renault, nhưng Nissan lại trở thành công ty đóng góp lớn nhất cho lợi nhuận của liên minh Nissan, Renault và Mitsubishi. Tuy nhiên, 15% cổ phần của Nissan tại Renault không có quyền bỏ phiếu tại cuộc họp cổ đông của Renault. Do đó, nếu Nissan và Renault sáp nhập với nhau sẽ góp phần đẩy mạnh cung cấp xe điện và thích nghi với sự xuất hiện của công nghệ lái xe tự hành.
Ông Christian Stadler, Giáo sư quản lý chiến lược tại Trường kinh doanh Warwick cho biết việc sáp nhập này có thể giúp cải thiện báo cáo tài chính, nhưng không phải là điều thiết yếu cho sự thành công của thương hiệu.
"Hai công ty này có liên minh thành công lâu dài, nên việc sáp nhập với nhau sẽ mang lại thành công nhiều hơn so với các vụ sáp nhập như Daimler và Chrysler", ông Standler nhận định và cho biết, thật khó có thể đoán định được sự sáp nhập này có thể mang lại kết quả như thế nào.
Nguyễn Long
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp