Vì sao Đường Quảng Ngãi đặt kế hoạch "kém ngọt"?
Là "ông lớn" của ngành đường, có doanh thu ngàn tỷ nhưng Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS-UpCom) lại có kế hoạch khá dè dặt cho năm 2018.
Năm 2018, Đường Quảng Ngãi chỉ đặt mục tiêu lãi ròng 194 tỷ đồng, trong khi con số thực hiện được năm 2017 lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Mục tiêu dè dặt
Kế hoạch doanh thu của QNS trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 đưa ra mục tiêu doanh thu 7.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế khoảng 194 tỷ đồng. Với mức lãi này, QNS ước tính chi trả cổ tức 2018 không thấp hơn tỷ lệ 15%/vốn điều lệ.
Con số này khá thấp so với năm 2017. Năm 2017 QNS đạt 7.738 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.026 tỷ đồng.
Đồng thời, QNS cũng dự kiến phát hành thêm gần 49 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn từ trên 2.438 tỷ đồng lên gần 3.000 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2017 với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%. Nguồn vốn thu được dùng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của QNS.
Năm 2017, Đường Quảng Ngãi đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 1.875 tỷ đồng lên 2.438 tỷ đồng theo phương thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 30%/cổ phần hiện hữu). Trong năm, QNS cũng chi trả cổ tức còn lại của năm 2016 với tỷ lệ 10% chia làm hai đợt vào tháng 8/2017 và tháng 1/2018.
Thách thức lớn
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, QNS vẫn có tỷ suất sinh lời khá cao so với các DN cùng ngành nhờ vào sự thành công của dòng sản phẩm sữa đậu nành.
Tuy nhiên, từ năm 2016 áp lực cạnh tranh trên thị trường đã tăng lên đáng kể khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng của công ty sụt giảm. Vị thế "ngôi vương" của Fami và VinaSoy - 2 thương hiệu thuộc Đường Quảng Ngãi cũng bị đe dọa với nhiều tân binh mới gia nhập.
Cũng theo VCSC, một rủi ro khác với Đường Quảng Ngãi là việc cải tiến sản phẩm. Vì Đường Quảng Ngãi có thị phần lên đến 84% trên thị trường sữa đậu nành có thương hiệu, triển vọng của mảng kinh doanh này sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hút người tiêu dùng chuyển từ sữa đậu nành không có thương hiệu sang tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu.
Trong khi đó, mảng đường chiếm gần 30% trong cơ cấu doanh thu đã bị tác động đáng kể do sự sụt giảm của giá đường thế giới. Từ năm 2018, Việt Nam sẽ bãi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với sản phẩm đường theo hiệp định ATIGA. Điều này đồng nghĩa với việc đường Thái Lan – vốn có chi phí sản xuất thấp hơn sẽ "tràn" vào Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm trong nước. Nhiều chuyên gia nhận định, ngành đường nhìn chung đang lao đao. Sự lao đao không chỉ bởi thuế suất nhập khẩu đường từ các nước Asean giảm mà còn lao đao bởi đường nhập lậu, giá thành sản xuất đường nội địa cao.
Nhóm cổ phiếu ngành đường trên thị trường cũng đã diễn biến kém tích cực trong thời gian gần đây. QNS mặc dù vẫn có mức lợi nhuận cao nhưng vẫn không thoát khỏi xu thế chung của thị trường. Là “ông lớn” của ngành đường QNS đã từng một thời “đình đám” với giá cổ phiếu vượt mức 100.000 đồng, nay giá còn khoảng gần 60.000 đồng sau khi rớt xuống 45.000 đồng và tăng lại có lẽ một phần nhờ cổ đông nội bộ đăng ký mua vào.
Tiến Minh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp