Thương mại điện tử Việt Nam: Khởi sắc trong tĩnh lặng

Chỉ số Thương mại điện tử (Vietnam E-Business Index) 2018 do Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khảo sát 4.147 doanh nghiệp trên cả nước ghi nhận những con số đáng suy ngẫm cho việc hoạch định xây dựng chính sách. Thị trường đang hy vọng một trào lưu bán hàng xuyên biên giới bùng phát mạnh trong thời gian tới.

Bức tranh “số” phản ánh thực tế TMĐT Việt Nam

Theo kết quả khảo sát, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2017 đạt tốc độ tăng trưởng 25% so với năm trước, dự báo mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Thị trường cũng ghi nhận một số lĩnh vực có mức độ tăng trưởng ấn tượng trong năm qua. Điển hình như trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 đạt mức 35%. Một số doanh nghiệp chuyển phát có quy mô lớn tăng trưởng doanh thu từ 62-200%. Lĩnh vực thanh toán theo đó cũng tăng cao. Thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy năm 2017 số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng tới 75%. Ở mảng tiếp thị trực tuyến, một số công ty có tốc độ tăng trưởng từ 100-200% trong năm 2017, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp thị liên kết.

Đối với ngành du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến năm 2017 chiếm 30% doanh thu (tăng mạnh so với mức 20% của năm 2016). Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch đã bắt đầu hình thành rõ nét và có khuynh hướng trở thành những sàn giao dịch trực tuyến. Theo Chủ tịch Grand Thornton, ông Kenneth Alkinson, có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam tính đến tháng 6-2017.

Về nguồn nhân lực chuyên trách mảng TMĐT, khảo sát cho thấy doanh nghiệp luôn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin và TMĐT. Nếu như năm 2015 có 24% doanh nghiệp gặp khó khăn thì năm 2016 là 29% và năm 2017 lên tới 31%.

Thương mại điện tử Việt Nam: Khởi sắc trong tĩnh lặng

Thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 đạt tốc độ tăng trưởng 25% so với năm trước, dự báo mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Ảnh: Thành Hoa.

Xu hướng kinh doanh trên nền tảng di động đang có dấu hiệu chững lại. Báo cáo trích dẫn, năm 2015, TMĐT Việt Nam đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng thương mại di động, các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào hoạt động kinh doanh trên nền tảng này, từ việc nâng cấp trang web tương thích với các thiết bị di động cũng như phát triển các ứng dụng di động. Nhưng năm 2017, tỷ lệ trang web tương thích với thiết bị di động không tăng. Doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên di động năm 2017 cũng chỉ dừng ở mức 15% (bằng năm 2016).

Có thể nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thấy hiệu quả và nhu cầu mua sắm của người dân trên nền tảng này, hoặc điều đó chỉ phù hợp với những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM. Khảo sát tiếp tục cho biết, thời gian trung bình lưu lại của khách hàng trên trang web TMĐT phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng trên di động của doanh nghiệp chưa cao. 45% doanh nghiệp cho biết thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập là từ 5-10 phút, 30% lưu lại dưới 5 phút, và tỷ lệ truy cập lưu lại trang trên 10 phút rất thấp.

Mạng xã hội và công cụ tìm kiếm là hai hình thức quảng cáo đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp với tỷ lệ lần lượt là 46% và 39%. Các vị trí tiếp theo thuộc về hình thức quảng cáo tin nhắn và ứng dụng di động (22%), báo điện tử (21%). Tuy vậy, nếu so với năm 2016 thì hiệu quả quảng cáo từ các công cụ tìm kiếm trong năm 2017 có chiều hướng giảm (từ 44% xuống còn 39%). 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có sử dụng chữ ký điện tử, tỷ lệ này không đổi so với năm trước.

Mạng xã hội và công cụ tìm kiếm là hai hình thức quảng cáo đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp với tỷ lệ lần lượt là 46% và 39%.

Đánh giá hiệu quả của việc bán hàng qua các công cụ trực tuyến, 39% doanh nghiệp bỏ phiếu cho mạng xã hội (cao nhất trong các công cụ trực tuyến), đứng vị trí thứ hai là bán hàng thông qua trang web của doanh nghiệp, với 35%.

Đánh giá bức tranh toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2017 với mức tăng trưởng 25%, hãng nghiên cứu Neilsen cho rằng con số này đã phản ánh đúng thực tế thị trường. TMĐT Việt Nam xuất phát điểm khá khiêm tốn so với các thị trường khác, song cũng nên nhìn nhận những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói từ ba năm trở lại đây, bức tranh TMĐT Việt Nam mới thực sự khởi sắc, mức độ mua sắm trực tuyến của người dân đang có những thay đổi lớn.

Theo một nghiên cứu khác của Neilsen vừa công bố, với những bước tiến của công nghệ mới, thị trường Đông Nam Á bị ảnh hưởng lớn bởi nền kinh tế chia sẻ, sự lan rộng của hạ tầng công nghệ hiện đại, dữ liệu lớn và trí tuệ thông minh nhân tạo và công nghệ thanh toán không cần tiền mặt. Theo đó, năm 2020, dự đoán sẽ có khoảng 4 tỉ người kết nối Internet; riêng tại Việt Nam, năm 2017 có 53,86 triệu người sử dụng Internet, con số này sẽ tăng lên 59,48 triệu người vào năm 2022, chiếm 60% dân số (nguồn statista.com). Công nghệ thanh toán không cần tiền mặt, đến năm 2020, 30% doanh thu bán lẻ toàn cầu được dự đoán sẽ thực hiện thanh toán qua ứng dụng hoặc phần mềm trên máy, trong khi đó 33% người tiêu dùng Việt sẽ thực hiện giao dịch chuyển khoản khi mua sắm trực tuyến, 36% sử dụng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ khi mua sắm trực tuyến (theo Themerkel.com). Nghiên cứu “What’s next in Emerging Markets 2018” còn dự đoán rằng đến năm 2025, người dân Việt Nam sẽ di cư đến đô thị loại 2 để sinh sống, 49% dân số sẽ sống ở đô thị.

Những “nhịp cầu” bán hàng xuyên biên giới

Sự có mặt của ông Gijae Seong, trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu Amazon Singapore tại Việt Nam mới đây rất được dư luận quan tâm. Tuy nhiên ông không hề đề cập đến bất cứ thông tin nào về việc Amazon gia nhập thị trường Việt Nam. Thay vào đó, ông Gijae Seong chỉ cho biết sẽ hợp tác với VECOM tổ chức những khóa đào tạo, giúp người bán hàng Việt Nam bán hàng ra thế giới hiệu quả và dễ dàng thông qua trang Amazon.

Thương mại điện tử Việt Nam: Khởi sắc trong tĩnh lặng

Ông Gijae Seong, Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore phát biểu tại Diễn đàn TMĐT Việt Nam 2018. Ảnh: VietTimes.

Việt Nam đang có khoảng 200 doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài qua trang Amazon. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp này, thời gian đầu họ gặp phải rất nhiều khó khăn đến từ những vướng mắc vấn đề pháp lý, thủ tục, hạn chế ngoại ngữ, lúng túng trong cách sử dụng công cụ, thanh toán ngoại tệ... Vì vậy hy vọng khóa đào tạo ngắn hạn được tổ chức vào tháng 4 tới sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ được các rào cản này. Mặt khác, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng FBA (Fulfilled by Amazon) của Amazon triển khai trên toàn cầu sẽ lo hết cho người bán hàng tất cả các khâu từ kho bãi, giao hàng đến đổi trả.

Nói đến cơ hội bán hàng xuyên biên giới dành cho doanh nghiệp trên những sàn giao dịch lớn, có thể kể đến sự nhập cuộc của Alibaba vào Việt Nam từ năm 2009 thông qua đối tác ủy quyền OSB. Áp dụng mô hình bán hàng B2B, Alibaba cũng ít nhiều thành công trong các hoạt động xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam ra thế giới với giá trị hợp đồng lớn của những doanh nghiệp về thủ công mỹ nghệ, nông sản, vật liệu xây dựng, và các ngành hàng khác.

Gần đây, cộng đồng người dùng bắt đầu biết thêm một sàn TMĐT xuyên biên giới B2C có tên gọi Fado.vn do người Việt Nam sáng lập. Là nền tảng xúc tiến giao thương cả hai chiều xuất và nhập khẩu, Fado giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu trực tiếp (B2C) đến người dùng cuối ở thị trường nước ngoài, đồng thời giúp người dùng mua hàng thậm chí trong những đợt giảm giá lớn của năm (BlackFriday, Cyber Monday...) dễ dàng như đang mua ở nước sở tại.

Nhằm tăng thêm kênh bán hàng ra nước ngoài cho các chủ cửa hàng, mới đây Lazada Việt Nam đã tiết lộ, sàn TMĐT này đang có kế hoạch nghiên cứu và phát triển công cụ mới để giúp tất cả chủ cửa hàng có thể bán hàng ra các nước trong khu vực Đông Nam Á - nơi Lazada đang hoạt động kinh doanh.

Ô Lâu
Nguồn The Saigon Times