Giá trị nhân văn trong truyền hình thực tế
Bão hòa trước các nội dung giải trí, những chương trình truyền hình thực tế thời gian gần đây đã chủ động đưa các giá trị nhân văn đồng hành cùng những người đẹp, những người nổi tiếng. Và kết quả là sáng kiến này đã tạo được những ấn tượng khá đẹp nơi khán giả.
Tối 16/3, đêm Gala trao giải chương trình truyền hình thực tế Gương mặt thân quen đã diễn ra tưng bừng với giải Quán quân thuộc về gương mặt trẻ nhất: ca sĩ Khởi My.
Năng động, có giọng hát tốt, có tài biến hóa trên sân khấu, cô ca sĩ trẻ này còn ẵm luôn giải Được khán giả bình chọn nhiều nhất. Tổng giải thưởng của Khởi My lên đến 800 triệu đồng.
Điều đáng nói là 2/3 giá trị giải thưởng Khởi My không được nhận mà chuyển thành quỹ để cô gái trẻ này thực hiện các hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng.
Chia niềm vui
Không chỉ có Khởi My, sáu thí sinh, là những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, tham gia chương trình Gương mặt thân quen đều phải thực hiện "nghĩa vụ” của mình.
Xuyên suốt 10 đêm thi của chương trình, các thí sinh lần lượt phải hóa thân thành những ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước để Ban giám khảo chấm điểm, sau đó tổng kết điểm của từng đêm để tìm ra người chiến thắng với phần thưởng là 100 triệu đồng/đêm thi.
Theo điều lệ của chương trình, thí sinh chỉ được giữ lại 50% tiền thưởng, phần còn lại sẽ được sử dụng cho công tác từ thiện và đơn vị nhận được tài trợ sẽ do chính thí sinh chỉ định.
Với điều lệ như thế, chỉ trong 10 tuần tham gia chương trình, ngoài phần thưởng của riêng mình, nghệ sĩ Đại Nghĩa đã xây được những chiếc cầu cho người dân miền Tây.
Tương tự, ca sĩ Thúy Uyên, Khởi My, Phương Thanh... cũng tìm đến những địa chỉ cần giúp đỡ để chia sẻ tấm lòng. Chàng trai người Mỹ hát tiếng Việt hay hơn hát tiếng Anh, Kyo York, bộc bạch, nhờ có chương trình này mà anh mới có điều kiện tiếp cận và giúp đỡ đồng bào Tây Nguyên. Hai lần đăng quang là hai lần Kyo York tìm ngay đến với những người nghèo dân tộc thiểu số.
Trước Gương mặt thân quen, Hợp ca tranh tài do Công ty BHD sản xuất cũng tạo được hiệu ứng đẹp khi kết hợp ca sĩ nổi tiếng với những người bình thường để tạo nên một tập thể cùng nhau tranh tài ca hát và phần thưởng mà các đội nhận được sẽ được chuyển đến cho các hoạt động từ thiện tại địa phương là quê quán của ca sĩ và nơi sinh sống của những người đồng đội.
Trong mùa đầu tiên, dàn hợp ca của ca sĩ Phan Đinh Tùng đã đăng quang, mang giải thưởng chuyển đến Tổ chức Hiểu về trái tim của TP.HCM để chung tay chữa trị cho những trẻ em mắc bệnh tim hiểm nghèo.
Chung hiệu ứng
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, cho biết, xu hướng sản xuất các chương trình truyền hình quan tâm đến cộng đồng đã có từ lâu.
Điều này có thể thấy ở các game show như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước... Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các chương trình truyền hình thực tế thu hút người xem bằng sự tham gia của người đẹp và ngôi sao... đã bão hòa, các nhà sản xuất bắt đầu chú ý đến yếu tố cộng đồng để nâng giá trị chương trình lên. Cũng nhờ yếu tố này mà các đối tác doanh nghiệp dễ dàng đồng hành cùng nhà sản xuất hơn.
Vừa có giá trị nhân văn để kêu gọi nhà tài trợ, vừa có ngôi sao để thu hút khán giả, Gương mặt thân quen dễ dàng tạo ấn tượng trong lòng khán giả cả nước. Đêm chung kết, một giá trị khác cũng được tôn vinh: tình cảm gia đình.
Lần lượt, con gái ca sĩ Mỹ Linh, con gái ca sĩ Thúy Uyên, con trai nghệ sĩ Hoài Linh đã xuất hiện trên sâu khấu, góp mặt cùng chương trình. Nghệ sĩ Hoài Linh nhận xét: "Chính nền tảng gia đình đã tạo nên động lực giúp người nghệ sĩ tiếp tục cống hiến.
Ở Thúy Uyên, đó là cô con gái nhỏ, còn ở Khởi My, là người mẹ hiền". Phút Khởi My đăng quang, Ban tổ chức đã mời mẹ cô lên sân khấu để cùng chung vui với con trẻ.
Vượt thoát khỏi yếu tố cá nhân, Hợp ca tranh tài giúp người tham gia hướng về nguồn cội. Các ca sĩ tham gia chương trình dù đang sống ở đâu cũng phải quay về quê hương để tìm người cùng chơi: Phương Thanh về Thanh Hóa, Đức Tuấn về Vĩnh Long, Mỹ Lệ về Huế...
Phần thưởng họ giành được sẽ dùng để góp phần xây dựng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Điều này mang đến cho những người chơi niềm tự hào mà vật chất không thể nào tạo nên được.
Không thể phủ nhận những chương trình truyền hình thực tế giàu tính nhân văn kể trên đều là phiên bản Việt hóa của các chương trình ăn khách trên thế giới.
Thừa hưởng những sáng tạo của nước ngoài nhưng các nhà sản xuất trong nước cũng đã dày công xây dựng mới có thể đưa những chương trình này đến với công chúng.
"Thực sự, với những chương trình hướng đến cộng đồng, chúng tôi không dám đặt vấn đề lợi nhuận mà chỉ mong đủ kinh phí thực hiện để có thể giúp ích cho xã hội", bà Vũ Thị Bích Liên khẳng định.