Chỉ còn 2% thị phần tại Trung Quốc, vì sao Samsung bị thất sủng?
Từng là hãng smartphone thống trị ở Trung Quốc, Samsung Electronics đã bị tụt xuống cuối bảng trong danh sách những thương hiệu smartphone lớn, với chỉ hơn 2% thị phần tại đây.
Theo báo Trung Quốc South China Morning Post, với việc Samsung từng nắm giữ 20% thị phần tại Trung Quốc cách đây 5 năm, thì tình thế hiện tại có thể nói Samsung đã bị thất sủng, thất bại hoàn toàn trong việc chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc.
Scandal thu hồi Galaxy Note 7 vì sự cố pin vào tháng 10/2016, sự gia tăng nhanh chóng của các thương hiệu Trung Quốc, và sự sụp đổ ở góc độ chính trị do tranh cãi giữa Seoul và Bắc Kinh, đã cùng nhau góp phần "hạ gục" Samsung tại Trung Quốc.
Để giành lại thị phần, Samsung đã hợp tác với hai diễn viên trẻ nổi tiếng nhất Trung Quốc, Chu Á Văn (Zhu Yawen) và Tỉnh Bách Nhiên (Jing Boran), xây dựng hình tượng người nổi tiếng ủng hộ Galaxy S9.
Theo James Yan, giám đốc nghiên cứu của hãng Counterpoint Technology ở Bắc Kinh, thành tích nghèo nàn của Samsung tại thị trường Trung Quốc trong thời gian qua là vì họ không thể theo kịp với những yêu cầu của người dùng, trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại tỏ ra rất chủ động và thậm chí dự đoán trước được những yêu cầu ấy.
"Giậu đổ bìm leo", sự đi xuống của Samsung tại Trung Quốc hoàn toàn tương phản với sự phát triển của các thương hiệu nội địa như Huawei Technologies, Xiaomi, Oppo và Vivo, hiện chiếm tới 87% thị phần trong nước. Apple, dù trầy trật, cũng chiếm cho bản thân 8% thị phần tại đây.
Samsung đã từ chối bình luận cụ thể về chiến lược của hãng ở Trung Quốc, chỉ nói trong tuyên bố qua email rằng "chiến lược của Samsung trong thị trường cạnh tranh là luôn lắng nghe khách hàng và mang lại những đổi mới đáp ứng nhu cầu đặc biệt của họ".
Trong hai năm qua, không có mẫu smartphone Samsung nào lọt vào danh sách 10 điện thoại bán chạy nhất ở Trung Quốc. Theo phân tích của hãng nghiên cứu Strategy Analytics, thị phần của Samsung đã giảm xuống chỉ còn ước tính là 1,6% trong quý 4 năm ngoái từ mức 2,2% trong quý thứ ba. Năm 2013, thương hiệu Hàn Quốc đứng ở vị trí số 1 với 20% - được coi là hãng đi đầu về công nghệ và thiết kế trong giới trẻ Trung Quốc.
Theo các cuộc phỏng vấn với người dùng Samsung trước đây, có thể thấy Samsung cần nhiều thứ để lấy lại niềm tin của người dùng Trung Quốc, chứ không chỉ là những mẫu smartphone mới.
"Tôi đã bỏ điện thoại Samsung vì máy bắt đầu chạy chậm sau một năm sử dụng. Đôi khi nó còn ngừng hoạt động hoàn toàn", Lily Du, quản lý nhà hàng, 38 tuổi, người đã dùng một chiếc Galaxy S7 nhưng lại chuyển sang sử dụng điện thoại Xiaomi và Huawei để sử dụng trong công việc kinh doanh cá nhân. "Tôi không thấy Samsung có nỗ lực gì để làm hài lòng người mua Trung Quốc".
Nỗ lực bản địa hóa quá yếu kém của Samsung khiến người dùng như Lily Du không hài lòng. Ví dụ, tuy các camera trên điện thoại Galaxy cho ảnh có chất lượng rất tốt, nhưng hãng lại tỏ ra quá chậm chạp trong việc đáp ứng nhu cầu "làm đẹp tự động" khi chụp selfie.
Lily Du cũng không hài lòng với tuổi thọ pin của điện thoại, khi cô phải sạc hai lần một ngày. Cô chia sẻ rằng hiện nay bạn bè và gia đình cô, cả trẻ lẫn già, hiếm khi muốn mua điện thoại Samsung.
Smartphone hàng đầu của Samsung, Galaxy S9, có các ứng dụng video và âm thanh được thiết kế để lôi cuốn đối tượng thanh thiếu niên thông thạo phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm cả người dùng Trung Quốc. Camera của S9 có thể biến bức ảnh selfie thành những hình ảnh vui nhộn, cá tính và quay video với tốc độ chậm, song tính năng này cũng có trên các điện thoại cao cấp của Huawei.
"Samsung S9 có vẻ là một thiết bị rất hứa hẹn và có một số công nghệ đổi mới, đặc biệt là máy ảnh tiên tiến hơn và tính năng âm thanh stereo mới", nhà phân tích Thomas Husson của Forrester cho biết. "Với tầm quan trọng ngày càng tăng của streaming audio và video, đây chắc chắn là một tính năng mà người tiêu dùng sẽ đánh giá cao".
Tuy nhiên, Husson tin rằng Samsung sẽ phải tìm cách định vị điện thoại mới với những người dùng mục tiêu sẵn sàng trả món tiền lớn để mua smartphone – và chắc chắn các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc sẽ không đứng yên.
"Cơ hội với Samsung bị hạn chế vì tôi cho rằng Huawei sẽ tung ra một flagship mới đầy cạnh tranh, khác biệt bằng cách sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến hơn và giá cả tích cực hơn", ông nói.
"Để chiến thắng, Samsung phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi về nội dung, dịch vụ, đổi mới phần mềm và hợp tác".
Những người tiêu dùng Trung Quốc như Lily Du hiện có rất nhiều lựa chọn điện thoại mới với thương hiệu trong nước, khi chúng tối ưu hóa hệ điều hành cho người dùng địa phương. Ở cấp cao, sẽ có Huawei Mate 10 và iPhoneX của Apple, trong khi ở cấp giữa và thấp có Oppo R11 và dòng Xiaomi Note.
Các thương hiệu nội địa hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, như thích chụp ảnh selfie và wefie, hay thích chơi mobile game. Chiến dịch tiếp thị của Oppo cho chức năng selfie trên smartphone Oppo có tên "Now, it's Clear", hiển thị ở khắp mọi nơi tại các thành phố cấp hai và cấp ba, khiến mẫu smartphone flagship R11 của Oppo phổ biến khắp Trung Quốc.
Rủi ro cháy nổ pin trên mẫu Note 7 cũng là một bước ngoặt vận mệnh của Samsung ở Trung Quốc, tổn hại sâu sắc đến danh tiếng công ty. Sau đó, những khó khăn trong chính trị về sự hỗ trợ của Seoul đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, cũng khiến Bắc Kinh khuyến khích tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc.
Theo số liệu của IDC, Samsung vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới với thị phần 22% trong năm ngoái, vượt qua mức 15% của Apple, bất chấp màn thể hiện kém cỏi tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Hoàng Lan
Nguồn VnReview