Xu hướng ngành xuất bản số: Người đọc đã bắt đầu sẵn sàng trả tiền cho nội dung số

Tại sự kiện Digital Innovatior’s Summit vừa mới diễn ra tại Berline, các nhà xuất bản nội dung số từ 35 nước đã gặp mặt nhau để xem xét về những công nghệ mới, lắng nghe từ các diễn giả quốc tế và nghiên cứu những mô hình kinh doanh mới. Giữa nhiều cuộc tranh luận về tương lai, một vị cứu tinh mới của ngành đã xuất hiện: người đọc.

Tại sự kiện, FIPP (Liên đoàn các Nhà xuất bản có định kỳ quốc tế) đã công bố bản báo cáo Innovation in Magazine Media World Report, trong đó có những đề xuất và dự đoán về ngành xuất bản nội dung số.

Người đọc đã sẵn sàng trả tiền cho nội dung số

Theo báo cáo này, mảng thương mại chứng kiến một cú chuyển ngoạn mục trong doanh thu của các công ty có nội dung quan tâm đến người đọc. Có một sự đồng tình giữa những publisher rằng người đọc đang ngày càng sẵn sàng trả tiền cho nội dung chất lượng. Trên thực tế, theo John Wilpers - tác giả và đồng biên tập của báo cáo – tín hiệu này là tương đối lạc quan.

"Trong 9 năm quan sát và thực hiện báo cáo, đây là năm đầu tiên tôi thực sự cảm thấy ngành này đang ở trong một hình thái tích cực," Wilpers nói với The Drum. Chủ tịch FIPP James Hewes cũng đồng quan điểm với Wilpers: "Sự đổi mới tiếp tục thúc đẩy rất nhiều cơ hội dành cho ngành truyền thông xuất bản trên khắp thế giới."

Xu hướng ngành xuất bản số: Người đọc đã bắt đầu sẵn sàng trả tiền cho nội dung số

Những phát hiện chính của báo cáo tập trung vào sự bức tranh doanh thu đang chuyển dịch của các publisher, cụ thể là về sự thay đổi cái nhìn đối với việc trả tiền cho nội dung. "Sau nhiều năm ngành xuất bản nội dung số gắn bó với chuyện đăng nội dung miễn phí lên web, người đọc cuối cùng cũng đã sẵn sàng trả tiền cho nội dung của chúng ta," Wilpers viết trong báo cáo.

Paywall (bức tường thu phí), từng được xem là một trở ngại cho sự tăng trưởng online, cuối cùng đã chứng minh hiệu quả với những nhà xuất bản như The New Yorker - tờ báo sử dụng công cụ dynamic paywall để tìm ra điểm cân bằng hoàn hảo giữa việc thu hút độc giả và việc họ trả tiền cho nội dung.

Doanh thu đăng ký trả phí đã trở lại cùng với người đọc thuộc thế hệ millennial – những người đã quen với việc đăng ký Netflix và Spotify – được cho là một tiềm năng lớn cho các publisher. "Độc giả trong tương lai sẽ hoàn toàn bỏ qua cái gọi là nội dung miễn phí," báo cáo kết luận. Wilpers cho rằng thế hệ millennial đang tạo nên thị trường đăng ký trả phí lớn nhất, và điều này cũng đặc biệt có lợi cho các tờ báo in. Ông nói: "Họ đang đọc báo in như một sự giải lao, một cách thoát khỏi 8 tiếng ngồi trước màn hình máy tính mỗi ngày."

Còn có những mô hình khác rất đáng được xem xét. The Guardian, gần đây đã phát triển một mô hình "đăng ký không bắt buộc," vừa chinh phục trái tim của người đọc vừa tạo thêm thu nhập cho tờ báo bằng cách kêu gọi người đọc đóng góp để hỗ trợ cho hoạt động của mình. Việc người đọc có thể tiếp cận với nội dung y chang mà không phải trả phí nghe có vẻ hơi vô lý, nhưng mô hình này đã chứng tỏ hiệu quả.

Các publisher nên chấm dứt "cơn nghiện" Facebook

Thế hệ millennial đang tạo nên thị trường đăng ký trả phí lớn nhất, và điều này cũng đặc biệt có lợi cho các tờ báo in.

Nhưng không phải tất cả những dự đoán của Wilpers đều sáng sủa. Báo cáo thể hiện sự hoài nghi với nền tảng mạng xã hội khi Wilpers gọi Facebook như là một "kẻ buôn ma túy" đối với các publisher.

Wipers cho rằng những động thái gần đây của Facebook đã và đang khiến các nhà xuất bản nội dung số phải "dừng cơn nghiện" của mình lại. "May mắn là sự thay đổi thuật toán này đang đánh thức những publisher," Wilpers cho hay, "không phải chấm dứt hoạt động trên các platform, mà sử dụng chúng như chính cách những nền tảng này đang sử dụng các publisher. Họ đang tận dụng chúng ta, và chúng ta có thể tận dụng lại họ, thay vì bị lệ thuộc."

Ngoài ra, báo cáo của FIPP dành nhiều thời lượng bàn về những công nghệ có thể được sử dụng để phát triển những định dạng và phương thức tường thuật mới– như chatbot hay audio.

Những khám phá của báo cáo mở ra một tiềm năng lớn cho những thương hiệu truyền thông số, và cái nhìn của Wilper là tương đối lạc quan. Tuy nhiên, Wilper kết luận, điều này phụ thuộc vào hành động từ các nhà xuất bản nội dung số: "Bắt một công ty nhìn thấy tương lai giữa rất nhiều thứ mới mẻ và khác biệt này và sau đó, truyền cảm hứng cho nhân viên để theo đuổi chúng là một việc rất khó. Chúng ta đã nhìn thấy nhiều thành công của các công ty, nhưng chúng ta cũng sẽ nhìn thấy nhiều thất bại thảm hại ở những công ty không chấp nhận thay đổi".

Quỳnh
Nguồn Trí thức trẻ