Chiến lược kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng từ các siêu thị

Chắc chắn chúng ta không thể ngờ rằng, có những thứ tưởng chừng như không liên quan lại được các nhà kinh doanh áp dụng để người tiêu dùng móc hầu bao một cách dễ dàng.

Các nhà bán lẻ, bao gồm cả các hệ thống siêu thị, luôn có nhiều chiến lược để kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Thứ chúng ta thường thấy, có thế là những chiến lược quảng cáo mà các nhà bán lẻ đã dốc lòng đầu tư nhằm tăng lượng tiêu thụ của một mặt hàng nào đó. Nhưng bắt đầu từ những năm 1970, thay vì xây dựng những cửa hàng quy mô hoành tráng thu hút khách quan, các nhà kinh doanh tập trung vào việc tạo ra một môi trường mua sắm thoải mái để kích thích người tiêu dùng chi tiền.

Bầu không khí cám dỗ tiêu tiền

Vào năm 1971, Philip Kotler là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này như một công cụ tiếp thị. Nguyên tắc cơ bản vẫn được giữ tới tận ngày nay là sự cảm nhận về bầu không khí của một nơi nào đó được con người cảm nhận thông qua các giác quan (về hình ảnh, âm thanh, màu sắc,…)

Bầu không khí của một địa điểm có thể được tạo theo cách gây ảnh hưởng lớn nhất tới hành vi mua hàng. Kể từ khi bước chân vào một cửa hàng, bạn sẽ trở thành một chú chuột, lạc lối trong một bầu không khí đã được thiết kế riêng chỉ để khiến bạn chi ra càng nhiều tiền càng tốt.

Chiến lược kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng từ các siêu thị

Sức mạnh của nhạc nền

Âm nhạc là một trong những yếu tố tác động mạnh nhất tới hành vi của người tiêu dùng. Nhiều năm nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhạc chậm sẽ khiến người mua thư thái và nán lại cửa hàng lâu hơn. Nhịp điệu của bản nhạc cũng tác động nhiều nhất tới sự chi tiêu của khách hàng. Theo đó, những bản nhạc chậm sẽ làm tăng doanh thu nhiều hơn so với những bản nhạc nhanh. Không chỉ vậy, âm lượng cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới người tiêu dùng. Nhiều khách hàng cho biết họ có xu hướng mua sắm nhanh và muốn rời khỏi cửa hàng nhanh hơn khi âm nhạc quá to và ồn ã.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới thể loại âm nhạc. Ví dụ, nhạc pop sẽ có ảnh hưởng tích cực tới đối tượng khách hàng nữ trẻ tuổi, hoặc khi nhạc lễ hội được bật thì các vật dụng của mùa lễ sẽ có lượng tiêu thụ khá hơn.

Chính bởi những tác động to lớn mà âm nhạc mang tới trong kinh doanh mà mỗi nhãn hàng sẽ cố tìm ra thể loại âm nhạc phù hợp với nhãn hàng và sản phẩm của họ, đồng thời phù hợp với nhân khẩu học khách hàng, để kích thích chúng ta tiêu nhiều tiền hơn.

Sự quyến rũ từ mùi hương

Một phần não chúng ta bên trong thùy viền (thùy limbic) kiểm soát đồng thời cả mùi hương và cảm xúc. Do đó, mùi hương có thể khiến chúng ta thay đổi tâm trạng trong phút chốc, thay đổi cả nhịp tim và đương nhiên, cũng có thể khiến ta ‘vô tình’ móc hầu bao ra.

Một cửa hàng với mùi hương dễ chịu không chỉ khiến khách hàng có cái nhìn tốt hơn và thoải mái mua sắm hơn mà đôi khi còn khiến các ‘Thượng đế’ mất ý thức về thời gian. Mùi hương càng dễ chịu, khách hàng càng dễ quên đi thời gian mà mình đã mải mê mua sắm.

Chiến lược kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng từ các siêu thị

Sự kích thích từ màu sắc

Các nhà kinh doanh sử dụng màu sắc như một sự hỗ trợ thêm vào môi trường mua sắm mà họ dày công tạo nên. Việc sử dụng màu sắc như thế nào cũng phụ thuộc vào cơ sở khách hàng bởi lẽ, mỗi nhóm tuổi khác nhau có xu hướng yêu thích một màu sắc khác nhau. Một cửa hàng có đối tượng khách hàng là thanh niên có thể sử dụng những tông màu nổi và sáng trong khi những người trung niên thì lại có xu hướng thích những màu sắc nhẹ nhàng và yên bình hơn.

Chúng ta cũng có thể thấy khá nhiều cửa hàng bán lẻ sử dụng màu đỏ trên biển hiệu. Điều này không phải là sự ngẫu nhiên, vì bản thân màu đỏ là màu rất thu hút nên khi nhìn thấy màu này, khách hàng sẽ không tự chủ dừng lại. Càng nhìn lâu vào màu đỏ ta càng cảm thấy một cảm giác cấp bách kì cục mà chính điều này đôi khi sẽ lôi kéo ta đi vào cửa hàng xem thử.

Mặc dù màu sắc là một yếu tố cần thiết để kết nối với khách hàng, tuy nhiên chúng không phải là yếu tố đảm bảo thành công. Song, nếu các nhà kinh doanh hiểu đúng được ý nghĩa của việc sử dụng màu sắc, thì họ vẫn có thể áp dụng vào việc gắn kết thương hiệu và làm tăng doanh thu.

Sự thuyết phục tới từ trải nghiệm

Các nhà kinh doanh đều đồng tình rằng việc trải nghiệm hay dùng thử sản phẩm có ảnh hưởng lớn tới tâm lí khách hàng khi mua sắm. Việc cầm, nắm, sử dụng thử sản phẩm kích thích tâm lí sở hữu trong con người ta.

Chính vì vậy, ở nhiều cửa hàng hay siêu thị, khách hàng được khuyến khích tự mình trải nghiệm các sản phẩm, điều mà trước đây chúng ta ít khi được làm vì các sản phẩm hoặc được để trong tủ kính khóa, hoặc đã được đề biển ‘không chạm vào sản phẩm’.

Một ví dụ đơn giản khi chúng ta đi siêu thị, đó là những quầy hàng đồ ăn mà các nhân viên luôn mời khách hàng dùng thử. Sau khi đã thử xong, tâm lý chúng ta sẽ nảy sinh một loại cảm giác mắc nợ và muốn bù đắp, dẫn tới kết quả là chúng ta sẽ mua sản phẩm đó, dù ban đầu không hề có ý định này.

Quỳnh Anh
Nguồn Trí thức trẻ