Cửa hàng không người bán: Xu hướng mới của ngành bán lẻ?
Sau khi Amazon.com - tập đoàn thương mại điện tử đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ thử nghiệm cửa hàng offline không người bán Amazon Go ở thành phố Seattle, nhiều người nghĩ về một xu hướng mới của ngành bán lẻ.
Cửa hàng Amazon Go không có người bán hàng mà được vận hành hoàn toàn bằng camera, chip cảm biến, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Đại học Harvard, điều này là không hề đơn giản vì lợi nhuận khó bù đắp chi phí đầu tư. Bản thân Amazon cũng không đưa ra một tuyên bố nào về việc mở rộng cửa hàng Amazon Go.
Nhiều rào cản
Amazon Go mang lại những trải nghiệm mới lạ cho khách hàng khi mua sắm. Quét ứng dụng Amazon Go vào máy tính đặt ở trước cửa ra vào, phần việc sau đó chỉ là lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu, bỏ vào xe đẩy hoặc vào giỏ rồi ra khỏi cửa hàng, không cần phải chờ nhân viên thu ngân kiểm tra và tính tiền.
Theo ông Nick Harrison - Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn tài chính toàn cầu Oliver Wyman, Amazon Go được xem là sự tương tác giữa con người với những công nghệ hiện đại nhất. Cuộc thực nghiệm này rất có giá trị, hứa hẹn đem lại cho các nhà bán lẻ một xu hướng kinh doanh mới, dịch chuyển theo dòng chảy công nghệ để thu hút thêm khách hàng. Nhưng giữa thử nghiệm và thực tế luôn có khoảng cách. Với các nhà bán lẻ là chi phí đầu tư, còn với khách hàng thì không phải ai cũng thích thú với một cửa hàng không nhân viên mà chỉ có công nghệ.
Những gì Amazon Go đang có thì một số công nghệ đã được ứng dụng tại các siêu thị, nhưng hiệu quả mang lại không nhiều như kỳ vọng.
Amazon Go sử dụng thẻ RFID để kiểm soát lượng hàng hóa khách lấy khỏi kệ. Đây là phương pháp nhận dạng tự động dựa trên lưu trữ dữ liệu từ xa. Thẻ RFID được đính kèm vào món đồ, ghi thông tin về giá sản phẩm. Khách hàng vào siêu thị chỉ việc chọn sản phẩm ưa thích và lấy hóa đơn được tự động in ra mà không cần phải xếp hàng tại quầy thu ngân chờ kiểm tra giá bằng việc quét mã vạch rồi lấy hóa đơn thanh toán.
Tuy nhiên, không mấy siêu thị tại Mỹ sử dụng công nghệ này vì chi phí gắn thẻ RFID nhiều khi còn đắt hơn cả món hàng, trong khi việc tiết kiệm từng đồng một là lợi thế cạnh tranh của siêu thị. Nhất là khách hàng không đòi hỏi phải có công nghệ này để mua hàng nhanh hơn mà vẫn hài lòng xếp hàng thanh toán.
Amazon Go cho rằng công nghệ của mình chỉ thay đổi vai trò của nhân viên, chẳng hạn thay thế nhân viên thu ngân. Việc khách hàng vào mua hàng và tự trả tiền (self-checkout) đã được nhiều nước thực hiện cách nay hơn 10 năm, như Nhật, Anh, Hà Lan, Mỹ.
Tuy nhiên, việc này chỉ dành cho những khu vực bán lẻ có mặt bằng nhỏ, chi phí thuê nhân công đắt đỏ. Nhìn chung, các siêu thị tại Mỹ không thích self-checkout lắm, ngay cả tại những đô thị đông đúc như New York vì chi phí nhân công trên mỗi m2 vẫn thấp và việc khách đứng chờ thanh toán còn giúp họ kiểm soát người đủ tuổi được quyền mua bia rượu, cũng như tránh mất mát hàng hóa.
Vì mọi thứ đều tự động nên Amazon Go sử dụng bảng giá điện tử (electronic shelf label - ESL) để hiển thị giá, thông tin hàng hóa. Công nghệ này giúp nhà bán lẻ nhanh chóng cập nhật giá mới, thông tin khuyến mãi, loại hàng hóa, nhưng khi ra đời thì chỉ thị trường Pháp chấp nhận vì các siêu thị tại đây trả lương khá cao, nên họ phải sử dụng bảng giá điện tử để giảm nhân viên, qua đó tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, nhiều siêu thị Mỹ đã ứng dụng bảng giá điện tử để cập nhật giá theo thời gian thực (real time) để thúc đẩy doanh thu thông qua việc cung cấp thông tin giảm giá, khuyến mãi. Nhưng nhìn chung công nghệ này cũng không quá phổ biến.
Một trong những thứ để Amazon Go có thể vận thành tốt chính là thừa hưởng những lợi ích từ điện thoại thông minh. Điều chính yếu nhất để khách hàng bước ra khỏi cửa hàng mà không cần dừng lại quầy thu ngân nhờ thông qua ứng dụng thanh toán của Amazon trên điện thoại.
Công nghệ này cũng không mới vì hai hãng lớn là Samsung và Apple đã tạo ra các ứng dụng thanh toán như Samsung Pay và Apple Pay, chưa kể nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính đã cung cấp ứng dụng thanh toán qua điện thoại. Nhưng theo thống kê, không nhiều người Mỹ sử dụng các ứng dụng này vì nó hạn chế điểm giao dịch và không thuận tiện hơn so với việc sử dụng thẻ tín dụng.
Dừng lại ở thử nghiệm?
Cửa hàng tự động chỉ là một thử nghiệm đáng giá để tham khảo vì nó chưa nói lên được bất cứ điều gì về hiệu quả kinh doanh.
Theo ông George Faigen - giáo sư Đại học Harvard, thời gian qua, thị trường chứng khoán đã phản ứng khá tích cực với cổ phiếu Amazon sau khi tập đoàn này giới thiệu cửa hàng Amazon Go. Bởi vì các nhà đầu tư kỳ vọng Amazon Go với việc sử dụng công nghệ mới nhất có khả năng làm thay đổi hệ thống bán lẻ truyền thống.
Tuy nhiên, ông George Faigen nhận xét, cách áp dụng công nghệ vào hệ thống bán lẻ vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục khách hàng, do đó khó có thể nói Amazon Go trở thành xu hướng mới của ngành bán lẻ.
Cửa hàng tự động chỉ là một thử nghiệm đáng giá để tham khảo vì nó chưa nói lên được bất cứ điều gì về hiệu quả kinh doanh. Bởi bằng cách đưa công nghệ mới vào hoạt động cũng không tiết kiệm cho các nhà bán lẻ bao nhiêu, và chưa chắc thu hút được thêm khách hàng để tạo ra doanh thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Mặt khác, theo các thống kê, để một cửa hàng như Amazon Go trở nên phổ biến thì cần đến 10 - 15% nhà bán lẻ khác chấp nhận sử dụng công nghệ như là một giải pháp bán hàng.
"Nhìn chung chỉ nên quan sát động thái của Amazon để thấy khách hàng bị thu hút bởi điều gì, từ đó ứng dụng một phần công nghệ vào kinh doanh" - ông George Faigen nói.
Các nhà điều hành Tập đoàn Amazon chỉ thử nghiệm Amazon Go và chưa có bất kỳ kế hoạch mở rộng nào.
Minh Phương
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn