Công nghệ bán lẻ mới sẽ được ứng dụng rộng ở Việt Nam
Những công nghệ mới trong ngành bán lẻ như thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI)… vốn đã được các nhà bán lẻ lớn ứng dụng trên thế giới, đến năm nay sẽ phát triển ở Việt Nam, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Công nghệ mới trong ngành bán lẻ hiện rất nhiều
Chia sẻ với phóng viên tại họp báo giới thiệu về triển lãm “Shop & Store 2018”, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền quốc tế chia sẻ, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, công nghệ mới cho ngành bán lẻ vốn chỉ mới tập trung vào các nhà bán lẻ lớn trên thế giới. Đây là tầng khách hàng thứ nhất có thể mang lại những hợp đồng giá trị lớn.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ đã bắt đầu chuyển sự chú ý đến tầng khách hàng thứ hai là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây chính là cơ hội để cho các nhà bán lẻ vừa và nhỏ ở Việt Nam tiếp cận những công nghệ mới để đưa vào mô hình kinh doanh của mình, phục vụ người tiêu dùng. “Tôi nghĩ thời gian tới đây, công nghệ bán lẻ mới sẽ được ứng dụng rộng khắp hơn ở Việt Nam”, bà Vân dự báo.
Cũng theo bà Vân, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải ứng dụng công nghệ để cung cấp những dịch vụ, trải nghiệm mới cho người tiêu dùng ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này có động lực từ ba yếu tố.
Thứ nhất là các tập đoàn bán lẻ lớn, vốn đã phát triển và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ ở các nước như 7-Eleven, Central… sẽ hiểu rất rõ khi nào nên áp dụng những thứ mới ở Việt Nam.
Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng thế giới đã là người tiêu dùng số, thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Các nhà bán lẻ dù muốn dù không cũng phải thay đổi để phù hợp với người tiêu dùng.
Thứ ba, các dự án khởi nghiệp (startup) trong ngành bán lẻ đang sử dụng những công nghệ mới nhất như AI, VR… Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể ứng dụng dễ dàng hơn.
Nếu nhìn về thời gian vừa qua, theo bà Vân, trong khi các nhà bán lẻ ở nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong ngành bán lẻ thì các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Điều này có nguyên nhân từ việc mức độ lớn của chuỗi, độ lớn của thị trường chưa đủ. Các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thâm nhập, khai thác, xây dựng thị trường.
Cũng theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp cần nhìn lại mình, hiểu rõ mình muốn gì, khách hàng của mình là ai, đang cần những gì để tìm và ứng dụng công nghệ phù hợp. Mục tiêu lớn nhất phải là giúp khách hàng mua sắm tiện lợi hơn, trải nghiệm tốt hơn.
“Suy cho cùng thì công nghệ cũng chỉ là công cụ để giúp gia tăng khách hàng. Câu chuyện cuối cùng là sử dụng công nghệ phù hợp chứ không phải là chạy theo công nghệ. Tư duy như vậy thì sẽ tránh được những đầu tư tốn kém mà không mang lại hiệu quả”, bà Vân nêu quan điểm.
Ông Suttisak Wilanan, Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, nhà tổ chức triển lãm “Shop & Store 2018” cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhờ kinh tế phát triển và người tiêu dùng đang bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của ngành bán lẻ.
Câu chuyện cuối cùng là sử dụng công nghệ phù hợp chứ không phải là chạy theo công nghệ.
Cũng theo ông Suttisak Wilanan, các doanh nghiệp cần phải đưa công nghệ vào để gia tăng dịch vụ cho khách hàng. Đây là cách để cả hai bên cùng vui.
Dòng vốn nhượng quyền vẫn tiếp tục đổ vào
Đề cập đến thị trường nhượng quyền, bà Nguyễn Phi Vân cho biết, trong thời gian vừa qua và trong 3 năm tới, các thương hiệu quốc tế và khu vực sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Điều này dễ hiểu vì Việt Nam là một trong bốn thị trường nhượng quyền tiềm năng trên thế giới.
Do thị trường nhượng quyền ở Việt Nam phát triển sau thế giới khá nhiều nên chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức, còn nhiều thất bại do thiếu trải nghiệm, thiếu thông tin.
Theo đó, có không ít nhãn hàng trong khu vực, chưa hoàn thiện mô hình nhưng chấp nhận bán thương quyền với giá thấp để vào Việt Nam, tận dụng cơ hội phát triển nhanh để tăng giá trị thương hiệu.
Trong khi đó, bản thân các nhà đầu tư mua thương quyền từ Việt Nam cũng chưa hiểu đúng, đủ về lĩnh vực nên khi gặp những thương hiệu chưa bài bản này, việc kinh doanh trục trặc. Vì vậy, khi đã mua thương quyền với giá trị thấp thì cả hai bên phải chấp nhận cùng xây dựng, chuẩn hóa mô hình. Đây là một quá trình có tính thách thức, bởi không dễ giải bài toán tài chính.
Ở chiều ngược lại, theo bà Vân, các thương hiệu Việt Nam đang bắt đầu những bước đầu tiên để ra khu vực và thế giới.
Tâm An
Nguồn The Saigon Times