Những "chiến binh" đã giúp Satya Nadella tạo bước ngoặt lớn cho Microsoft
Khi Satya Nadella được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Microsoft vào năm 2014, công ty đang trong thời kỳ khó khăn.
Apple và Google đã đánh bại Microsoft trên mặt trận điện thoại thông minh – từ đó tước đi vị trí thống trị của nền tảng Windows. Sự việc càng thêm tồi tệ khi người dùng có phản ứng hời hợt với Windows 8, lúc đó đang là phiên bản mới nhất.
Vào thời điểm khó khăn đó, Nadella tiếp quản công việc của người tiền nhiệm, Steve Ballmer. Microsoft đã sửa lại đường đi nước bước, thực hiện một số hợp đồng lớn - như 2,5 tỷ USD cho Mojang, nhà sản xuất của Minecraft và 26,2 tỷ USD cho LinkedIn – và tái tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng như điện toán đám mây. Và giờ, cổ phiếu đạt mức cao chưa từng có, Microsoft đã trở lại đường đua.
Nadella đã dựa vào đội A gồm các cựu binh của Microsoft và một số tân binh để tập trung cải thiện các lĩnh vực trọng điểm và tiến hành kế hoạch trở lại. Đây là nhóm các nhà điều hành đã làm cho điều đó xảy ra:
Scott Guthrie, Phó chủ tịch phụ trách Microsoft Cloud và Enterprise Group
Scott Guthrie là cánh tay phải của Nadella.
Scott chịu trách nhiệm về nền tảng điện toán đám mây của Microsoft, Azure, cũng như tất cả phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp của hãng. Đây là những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của Microsoft, và điều này làm cho Scott trở thành một chiến binh chủ chốt.
Azure là thách thức đối với AmazonWeb Services và Google Cloud trong thị trường điện toán đám mây béo bở. Hiện tại, Azure đang đứng ở vị trí thứ hai sau Amazon Web Services - nhưng doanh thu của Azure trong quý vừa qua đã tăng 98% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo lợi nhuận mới nhất của Microsoft.
Scott đã làm việc ở Microsoft hơn 20 năm, nhưng có lẽ các nhà phát triển biết đến ông nhiều nhất vì đã tạo ra nền tảng mã nguồn mở ASP.NET.
Phil Spencer, Phó chủ tịch phụ trách mảng trò chơi
Phil Spencer phụ trách các nền tảng game của Microsoft, bao gồm tay cầm Xbox One và các trò chơi trên Windows 10. Ông cũng chịu trách nhiệm chung cho game Minecraft, thành công bất ngờ mà Microsoft đã mua với giá 2,5 tỷ USD.
Và Microsoft đang nghiêm túc phát triển lĩnh vực game: Đến năm ngoái, Spencer được thăng lên chức phó chủ tịch điều hành, có nghĩa là giờ ông sẽ báo cáo trực tiếp cho CEO Nadella.
Phil Spencer cũng có kế hoạch đầy tham vọng là thách thức PlayStation 4 của Sony và cỗ máy chơi game Switch của Nintendo – bằng việc giới thiệu dịch vụ Xbox Game Pass với giá 10 USD/tháng, cho phép truy cập không giới hạn vào một danh sách các trò chơi và danh sách này liên tục được bổ sung.
Terry Myerson, Phó chủ tịch phụ trách Windows và Devices Group.
Terry Myerson phụ trách mảng Windows của Microsoft – hiện vẫn là hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới.
Ngoài ra, ông chịu trách nhiệm cho các tham vọng lớn hơn của Microsoft, bao gồm cả dòng máy tính bàn và máy tính xách tay Surface, cũng như tai nghe tương tác thực tế ảo HoloLens. Thêm vào đó, ông phụ trách nhiều công cụ chính mà các doanh nghiệp sử dụng để quản lý máy tính chạy Windows, bao gồm InTune và Advanced Threat Protection.
Myerson gia nhập Microsoft năm 1997 sau khi Microsoft mua lại công ty phần mềm Intersé của ông.
Peggy Johnson, Phó phủ tịch phát triển kinh doanh
Peggy Johnson là "người thương thuyết" của Microsoft. Cô đã giúp đạt được thỏa thuận mua lại LinkedIn với giá 26 tỷ USD. Tại Thung lũng Silicon, cô đã vạch kế hoạch và điều khiển nhiều khoản đầu tư mạo hiểm của Microsoft vào các công ty khởi nghiệp.
Nadella thuê Johnson năm 2014, không lâu sau khi ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành. Ông muốn Johnson làm mũi nhọn trong các quan hệ đối tác mà Microsoft có thể hợp tác. Điều này mang đến những thương vụ mua lại lớn như LinkedIn, cũng như hợp tác với các công ty như Dun & Bradstreet.
Trước khi đầu quân cho Microsoft, Johnson đã làm việc cho hãng chế tạo chip Qualcomm 24 năm, là một thành viên Ban chấp hành của Qualcomm.
Amy Hood, CFO
Hood gia nhập Microsoft năm 2002 sau khi rời Goldman Sachs và nhanh chóng vươn lên hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.
Hood đã từng giữ chức Giám đốc Tài chính Bộ phận Kinh doanh của Microsoft. Trong vai trò đó, cô đã giúp giám sát việc mua lại Skype và Yammer. Cô được thăng chức CFO (giám đốc tài chính) của toàn công ty vào năm 2013.
Hiện nay, cô giữ một vai trò quan trọng trong việc quản lý các khoản đầu tư lớn của Microsoft vào điện toán đám mây và các trung tâm dữ liệu, vốn đòi hỏi chi tiêu lớn trong cả lĩnh vực bất động sản và công nghệ. Hơn nữa, cô là chìa khóa của công ty trong việc định hướng lại các lĩnh vực như Microsoft Office xung quanh mô hình doanh thu dựa trên thuê bao, hơn là bán phần mềm đóng gói.
Harry Shum, Phó chủ tịch phụ trách trí tuệ nhân tạo và nghiên cứu
Harry Shum chịu trách nhiệm về chiến lược AI tổng thể của Microsoft - một lĩnh vực mà Nadella coi là cốt lõi cho sự phát triển của Microsoft.
Ông giám sát công cụ tìm kiếm Bing và trợ lý ảo Cortana, cũng như các phòng thí nghiệm của Microsoft Research. Công việc của nhóm ông được tích hợp với phần mềm và phần cứng của toàn công ty, vì Microsoft Office, Windows, và ngay cả Xbox đang ngày càng khởi sắc với trí tuệ nhân tạo.
Nadella tin rằng tập trung của Microsoft vào AI có thể làm cho công ty vượt lên các đối thủ như Amazon và Google. Và Shum có trách nhiệm làm cho điều đó xảy ra.
Kathleen Hogan, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự hay Giám đốc nhân sự
Là giám đốc nhân sự, Kathleen Hogan đã giúp thực thi chính sách nghỉ phép gia đình của Microsoft vào năm ngoái. Và tháng 12, Hogan đóng một vai trò trong quyết định của Microsoft khi loại bỏ một số điều khoản khỏi hợp đồng của nhân viên, đây là các điều khoản có thể giới hạn khả năng nhân viên kiện công ty về các khiếu nại quấy rối tình dục.
Nói cách khác, Hogan chịu trách nhiệm về việc chèo lái Microsoft trong một thế giới hậu #MeToo (chiến dịch bao gồm những phụ nữ dũng cảm kể lại chuyện họ bị quấy rối tình dục).
Trước khi đầu quân cho Microsoft, Hogan làm việc tại Oracle và công ty tư vấn McKinsey.
Brad Smith, Chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý
Brad Smith chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý của Microsoft, bao gồm quan điểm của Microsoft về các vấn đề chính sách công.
Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong các tương tác của Microsoft với chính quyền của tổng thống Trump, bao gồm cả việc phản đối lệnh cấm đi lại của ông Trump năm 2017. Ông cũng ủng hộ một "Công ước Geneva về Kỹ thuật số", hay thỏa thuận giữa các quốc gia về các giới hạn của chiến tranh mạng.
Năm 2013, Smith được tạp chí National Law Journal lựa chọn là một trong những luật sư có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ.
Jeff Weiner, Giám đốc điều hành của LinkedIn
Jeff Weiner là Giám đốc điều hành của LinkedIn, được Microsoft mua lại vào năm 2016 với giá 26,2 tỷ USD.
Weiner được trao quyền đứng đầu thương vụ hợp nhất giữa LinkedIn và Microsoft - thường thì, người mua sẽ là người giải quyết khía cạnh đó của việc mua lại. Đó là một biểu hiện cho thấy niềm tin vào những gì LinkedIn có thể làm cho Microsoft.
Cho đến nay, mọi việc đang khởi sắc, khi mạng xã hội này đóng góp 1,3 tỷ USD doanh thu cho công ty trong quý gần đây nhất. Và Microsoft đang đặt cược lớn rằng con số này sẽ tăng lên khi hãng tích hợp công nghệ và dữ liệu của LinkedIn với Microsoft Office và các sản phẩm khác.
Judson Althoff, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh thương mại toàn cầu
Judson Althoff phụ trách chiến lược kinh doanh thương mại của Microsoft, về cơ bản ông là người bán hàng chính của gã khổng lồ công nghệ.
Ông chịu trách nhiệm chính trong việc các công ty đăng ký sử dụng Microsoft Office 365 và Microsoft Azure giữa rất nhiều sản phẩm điện toán đám mây khác. Và điều này làm cho ông là chìa khóa quan trọng trong tăng trưởng liên tục của lĩnh vực điện toán đám mây của Microsoft.
Trước khi đảm nhận vai trò này, Althoff là chủ tịch của Microsoft Bắc Mỹ. Althoff đã gia nhập Microsoft năm 2013 sau khi làm phó chủ tịch cao cấp của Oracle trong 11 năm.
Chris Capossela, Giám đốc Tiếp thị kiêm Phó chủ tịch phụ trách Tiếp thị và Kinh doanh Khách hàng
Chris Capossela điều hành hoạt động tiếp thị cho tất cả dịch vụ và sản phẩm của Microsoft, giúp xác định hình ảnh trước công chúng của công ty.
Ông đã làm việc tại Microsoft hơn 25 năm, gia nhập công ty sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 1991. Trước khi đảm nhận vai trò Giám đốc Tiếp thị, ông chịu trách nhiệm tiếp thị cho sản phẩm Microsoft Office và Office 365.
Frank Shaw, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông
Frank Shaw chịu trách nhiệm về quan hệ công chúng của Microsoft. Ông gia nhập Microsoft năm 2009 sau khi dẫn dắt công ty truyền thông WE mà Microsoft là khách hàng lớn nhất.
Shaw, một cựu binh hải quân Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm giúp báo chí điều hướng các vấn đề khá phức tạp quanh Microsoft.
Shaw được liệt kê trong Danh sách Quyền lực của PR Week năm 2017 và đã nhiều lần có tên trong danh sách PR 50 của Business Insider về các chuyên gia quan hệ công chúng tốt nhất trong ngành công nghệ cao.
Alex Kipman, Chuyên viên kỹ thuật, Operating System Group tại Microsoft
Alex Kipman là một nhà phát minh và kỹ thuật viên của Microsoft, tập trung vào lĩnh vực tương tác thực tế ảo của công ty. Ông chịu trách nhiệm về HoloLens, tai nghe tương tác thực tế ảo của Microsoft và bộ cảm biến Microsoft Kinect cho Xbox trước đó.
Nhà điều hành sinh ra ở Brazil gia nhập Microsoft sau khi tốt nghiệp Viện Công nghệ Rochester năm 2001. Ông đã làm việc tại Microsoft kể từ khi tốt nghiệp, đầu tiên là cho Visual Studio, phần mềm của công ty cho các nhà phát triển, cho đến năm 2005 khi ông gia nhập bộ phận Windows.
Microsoft tin rằng thực tế ảo là tương lai của máy tính, đó là lý do tại sao hãng đặt cược lớn vào chiến lược Windows Mixed Reality. Và Kipman đang dẫn đầu trách nhiệm đó cho Microsoft.
Satya Nadella, Tổng giám đốc
Và tất nhiên là Satya Nadella, đã làm việc ở Microsoft từ năm 1992, khi người sáng lập Bill Gates vẫn còn đứng đầu. Nadella gia nhập công ty sau khi tốt nghiệp Đại học Wisconsin-Milwaukee và làm việc tại Sun Microsystems, và sau đó ông tiếp tục theo học chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Trường Kinh doanh Booth của Chicago, trong khi vẫn làm việc tại Microsoft.
Năm 2007, Nadella được đề cử là Phó chủ tịch cấp cao của Microsoft Online Services, phụ trách Bing và các phiên bản trực tuyến trước đó của Microsoft Office và dịch vụ chơi game Xbox Live. Năm 2011, ông được bổ nhiệm vị trí giám đốc của bộ phận Máy chủ và Công cụ, giám sát Windows Server, cơ sở dữ liệu SQL Server và nền tảng đám mây Azure của Microsoft.
Từ khi đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành năm 2014, Nadella được công nhận vì đã giúp Microsoft thành công trở lại: Ông đã cải thiện tinh thần công ty, các sản phẩm mới phát triển nhanh như Microsoft HoloLens và giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn trong lịch sử được đánh dấu bằng tai hoạ mua lại Nokia và các sản phẩm đáng thất vọng.
Nhiệm vụ trở lại vị trí dẫn đầu vẫn đang được triển khai, nhưng Nadella đã đưa rất nhiều mảnh ghép và con người vào đúng vị trí.
Mai Hồng / Business Insider
Nguồn VnReview