Xu hướng mới của thương mại điện tử
Kết nối và chia sẻ là một xu hướng nổi trội của thương mại điện tử hiện nay khi các tập đoàn như Alibaba, Amazon tập trung khai thác mô hình bán hàng đa kênh, cho phép kết nối liền mạch việc trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng truyền thống và kênh bán hàng trực tuyến.
Thương mại điện tử đang “gặm nhấm” thị phần của ngành bán lẻ truyền thống nhưng thực tế, hầu hết khách hàng vẫn thích mua sắm ở các cửa hàng ngoài đường phố hơn là cửa hàng trên mạng (online). Vì thế, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon đang quyết liệt đầu tư vào kênh bán hàng truyền thống.
Amazon Go, mô hình đa kênh độc đáo
Tháng 1 vừa qua, Amazon chính thức khai trương cửa hàng Amazon Go không có quầy tính tiền tại thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ). Người mua chỉ cần mở phần mềm ứng dụng Amazon Go để quét ở cổng của cửa hàng khi đi vào và sau đó, lựa chọn các sản phẩm cần mua trên kệ hàng rồi cầm chúng ra về, chứ không cần xếp hàng chờ đợi thanh toán. Tất cả là nhờ một quy trình tự động, trong đó, các camera và các bộ cảm biến của cửa hàng Amazon Go có nhiệm vụ “liệt kê” những sản phẩm mà khách lấy khỏi kệ hàng để hệ thống tự tính tiền và trừ vào tài khoản Amazon của khách. Tất nhiên, Amazon sẽ gửi vào e-mail của khách một hóa đơn điện tử.
Đây có thể xem là một mô hình bán hàng đa kênh độc đáo, cho phép khách hàng trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng thực tế cũng như trải nghiệm trực tuyến với các công cụ đa kênh như ứng dụng Amazon Go, tài khoản Amazon trực tuyến của khách.
Chính Amazon đã phát động cuộc cách mạng mua sắm trực tuyến nhưng hiện nay, tập đoàn này đang lấn sân sang kênh bán lẻ trực tiếp khởi đầu với vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi Whole Foods với giá 13,7 tỉ đô la Mỹ và sau đó là giới thiệu cửa hàng không quầy tính tiền Amazon Go. Tất cả những động thái này là nhằm hoàn thiện mô hình bán hàng đa kênh.
Một điểm dễ nhận thấy nhất của mô hình này là Amazon đang kết nối khách hàng đặt mua hàng trực tuyến với các điểm nhận hàng đặt bên trong hơn 400 cửa hàng Whole Foods ở nước Mỹ. Ngoài ra, Amazon cũng thiết lập các cửa hàng nhỏ bên trong các cửa hàng Whole Foods để trưng bày các sản phẩm bán trên Amazon.com, cho phép người tiêu dùng trải nghiệm thực tế các sản phẩm đó. Amazon hiểu rằng nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng là phải chạm và cảm nhận món hàng trước khi mua. Do vậy, hãng xem chiến lược bán hàng đa kênh như một giải pháp hiệu quả để tăng thêm doanh thu.
Chiến lược “Bán lẻ mới” của Alibaba
Mặc dù mảng bán lẻ trực tuyến vẫn chiếm phần lớn doanh thu của Alibaba nhưng trong những năm gần đây, tập đoàn thương mại điện tử số một Trung Quốc này đang dồn sức cho chiến lược “Bán lẻ mới” (New Retail) theo sáng kiến của ông chủ Jack Ma nhằm khai thác miếng bánh bán lẻ trực tiếp, đang chiếm 85% tổng doanh thu bán lẻ hàng năm ở Trung Quốc.
Chiến lược “Bán lẻ mới” là một mô hình bán lẻ đa kênh, giúp kết nối nối liền mạch việc trải nghiệm mua hàng ở kênh trực tiếp và trực tuyến. Chiến lược này nhằm xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ kết hợp các kênh bán hàng online và offline, trong đó, lấy khách hàng trọng tâm.
Để thực hiện chiến lược này, Alibaba đã mua 35% số cổ phần của chuỗi cửa hàng bách hóa InTime với giá gần 700 triệu đô la vào năm 2014. Một năm sau đó, tập đoàn này chi 4,6 tỉ đô la để nắm giữ 20% số cổ phần của tập đoàn bán lẻ Suning, có trụ sở ở Nam Kinh và đang quản lý hơn 1.600 cửa hàng trên khắp Trung Quốc. Đầu năm 2017, Alibaba chi thêm 2,6 tỉ đô la để thâu tóm toàn bộ số cổ phần còn lại của InTime. Tháng 6-2017, gã khổng lồ thương mại điện tử này mua 18% số cổ phần của chuỗi siêu thị Lianhua. Và đến cuối năm 2017, Alibaba tuyên bố đã chi 2,9 tỉ đô la để mua 36,16% số cổ phần của Sun Art Retail, tập đoàn bán lẻ đang quản lý chuỗi siêu thị lớn thứ hai Trung Quốc. Theo lời Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang trong một bản thông cáo, các cửa hàng truyền thống đóng một vai trò không thể thiếu trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng ở đất nước này. Do đó, các cửa hàng này phải được nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua công nghệ và các dịch vụ cá nhân hóa trong nền kinh tế số hóa. “Bằng cách tích hợp kênh bán lẻ trực tuyến và cửa hàng, chúng tôi muốn mang lại trải nghiệm mua sắm thú vị và độc đáo cho người tiêu dùng Trung Quốc ”, ông nói.
Các thương vụ nói trên không chỉ giúp Alibaba mở rộng danh mục hàng hóa bán trên các nền tảng thương mại điện tử Tmall và Taobao mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của dịch vụ thanh toán di động Alipay và công ty kho vận Cainiao, nơi Alibaba đang nắm lượng cổ phần kiểm soát. Bên cạnh đó, Alibaba có thể khai thác lượng dữ liệu khổng lồ từ nền tảng thương mại trực tuyến và dịch vụ thanh toán Alipay để cải thiện trải nghiệm của khách hàng ở kênh bán lẻ trực tiếp. Ngoài ra, Alibaba cũng thực hiện chiến lược “Bán lẻ mới” với việc khai trương chuỗi siêu thị thực phẩm Hema vào năm 2015. Khách hàng đến các siêu thị Hema để tận tay chọn mua thực phẩm bằng cách dùng điện thoại scan các mã vạch trên sản phẩm và thanh toán bằng ví điện tử Alipay. Họ cũng có thể có thể tải ứng dụng Hema để đặt mua hàng trực tuyến từ siêu thị Hema gần nhất. Nhà phân tích Jialong Shi từ công ty tư vấn thương mại điện tử Instinet nói: “Một số sáng kiến của chiến lược “Bán lẻ mới” đã cho thấy những dấu hiệu hứa hẹn về thành công ban đầu. Song các sáng kiến này có thể mất vài năm nữa để hoàn thiện trước khi chúng ta có thể thấy lợi nhuận từ chúng”.
Tính đến hết năm 2017, Alibaba đang quản lý 22 siêu thị Hema và dự định mở thêm 2.000 siêu thị Hema mới trong năm năm tới.
Hợp tác với các cửa hàng độc lập
Hợp tác với các cửa hàng thứ ba là phương án mới nhất để Alibaba mở rộng sự hiện diện ở mảng bán lẻ truyền thống. Tập đoàn này đang thuyết phục các chủ cửa hàng độc lập (thường do các hộ gia đình quản lý) ở Trung Quốc sử dụng một nền tảng quản lý bán lẻ có tên gọi Ling Shou Tong, được Alibaba cho ra mắt vào tháng 8-2017. Vào Ngày hội mua sắm lễ độc thân (11-11-2017), khoảng 600.000 cửa hàng, chiếm 10% số cửa hàng độc lập ở Trung Quốc, sử dụng nền tảng này. Các cửa hàng có thể sử dụng nền tảng Ling Shou Tong miễn phí để được tiếp cận dịch vụ phân tích dữ liệu và kho vận từ Alibaba. Khi các cửa hàng đặt mua hàng từ Alibaba thông qua Ling Shou Tong, họ sẽ được cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu bao gồm các tư vấn về sản phẩm cần mua và cách trưng bày chúng để tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận cũng như được Alibaba chuyển hàng trực tiếp cho họ. Nền tảng Ling Shou Tong chủ yếu bán các nhu yếu phẩm, thực phẩm đóng gói, đồ uống, snack.
Ngoài ra, thông qua công nghệ điện toán đám mây và các công nghệ khác, các cửa hàng cũng có thể sử dụng miễn phí phần mềm quản lý hàng tồn kho từ nền tảng Ling Shou Tong. Đổi lại, các cửa hàng phải đồng ý cung cấp dữ liệu khách hàng cho Alibaba cũng như cho phép Alibaba sử dụng các cửa hàng này làm trung tâm hoàn thiện đơn hàng cho Alibaba. Đây có thể xem là một động thái hợp tác, chia sẻ để tận dụng sức mạnh của mỗi bên.
Tại một cửa hàng nhỏ ở một ngôi làng gần thành phố Hàng Châu, ông Lu Qiwei, 61 tuổi, thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để đặt mua hàng hóa dự trữ như mì ăn liền, gạo và các loại nước giải khát thông qua ứng dụng Ling Shou Tong. Ông cho biết nhờ ứng dụng này, ông đã giảm được nhiều chi phí mua hàng do không cần phải mua qua các đại lý làm trung gian. Ngoài ra, ông cũng dễ dàng thanh toán tiền mua hàng cho Alibaba bằng cách sử dụng ví điện tử Alipay.
Alibaba đang triển khai một đội quân hùng hậu 2.000 người để thuyết phục các cửa hàng độc lập sử dụng nền tảng Ling Shou Tong. Những người này được Alibaba huấn luyện nghiệp vụ và phải đặt cọc 3.000 nhân dân tệ (450 đô la Mỹ) và mức phí 3.000 nhân dân tệ mỗi năm để được làm nhân viên kinh doanh cho Alibaba và kiếm hoa hồng từ những sản phẩm bán được thông qua nền tảng Ling Shou Tong. John Choi, nhà phân tích từ công ty chứng khoán Daiwa Securities, cho rằng với chiến lược bắt tay với các cửa hàng nhỏ, Alibaba thực sự đang dẫn dắt hướng đi của thương mại điện tử Trung Quốc thay vì sao chép các mô hình nước ngoài.
Lê Linh / Quartz / Bloomberg / Reuters
Nguồn The Saigon Times