Kỳ 4: 5 “điểm đen” của cuộc chơi truyền hình thực tế

Bùng nổ ở VN từ khoảng 10 năm nay, truyền hình thực tế (THTT) đã đem lại nhiều giờ phút giải trí thú vị cũng như những khoản thu khổng lồ cho ngành truyền thông và nhà sản xuất.

Nhưng nhìn lại, vẫn có nhiều khán giả tự hỏi rằng THTT đã mang theo nó những “thực tế” gì cho cuộc sống và cả những người tham gia?

Ðiểm lại những gì đã diễn ra ở VN so với tiến trình phát triển của THTT trên thế giới, có thể tìm thấy năm “điểm đen” của THTT hiện nay đang làm thất vọng một lớp khán giả, và có thể nhiều hơn nữa khi nhận ra dòng chảy vội vã mỗi ngày trên màn ảnh nhỏ.

Kỳ 4: 5 “điểm đen” của cuộc chơi truyền hình thực tế

Trong khi quán quân American Idol 2009 Kris Allen sớm nở tối tàn, á quân Adam Lambert lại tỏa sáng hơn. Trong ảnh: Adam Lambert khuấy động khán giả VN tại buổi trình diễn vào tháng 1-2013 ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

1. Tỏa sáng và kém duyên

Trong một bài bình luận về THTT nói chung có nhan đề Worst things, reality shows (tạm dịch: Những điều dở nhất của THTT), cây viết Jessica Harpe của tờ Pegasus News cũng nói về điều này. Các kịch bản và lối dàn dựng chủ ý làm khán giả tập trung tình tiết của các trò chơi đã khiến những người tham gia trở nên thú vị với các vòng. Thậm chí, các gợi ý hỏi và trả lời mang tính xếp đặt, khai thác đời riêng... đều khiến mọi thí sinh có cái gì đó hấp dẫn.

Kỳ 4: 5 “điểm đen” của cuộc chơi truyền hình thực tếThế là họ tỏa sáng. Nhưng rồi khi rời ánh sáng THTT, mọi cuộc phỏng vấn, trình diễn, xuất hiện... của các ngôi sao vòng 1, vòng 2... đó dần bộc lộ họ không còn đủ hấp dẫn như ban đầu, thậm chí là kém duyên mỗi lúc một nhiều hơn.

Ở VN, các hợp đồng chơi THTT luôn có kèm quy định nghiêm ngặt rằng người tham gia không được tự ý trả lời hay xuất hiện trước công chúng trong thời gian có sô, mọi thứ phải được sự kiểm soát của nhà sản xuất. Ở đây, bản quyền có thể chỉ là một phần, phần khác, điều mà nhà sản xuất luôn lo sợ, đó là sự kém duyên của các thí sinh có thể làm hỏng kịch bản sắp tới của họ.

Chắc hẳn vẫn có người đang lờ mờ nhận ra điều này, một ví dụ có thể làm bạn tỉnh giấc nhanh: trường hợp Susan Boyle vào năm 2009. Sau khi bùng nổ ở X-factor, bà đã bán được 701.000 bản CD chỉ trong tuần đầu tiên, mà theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Soundscan, đó là một đột phá chưa từng có từ một album đầu tay của một nghệ sĩ nữ. Thế nhưng giờ thì sao? Bạn sẽ hào hứng mua một album mới của bà nữa chứ?

Thật dễ tổn thương khi so sánh với những cái tên từng được vinh danh qua nhiều mùa THTT trong cả nước, hãy điểm lại xem bạn còn bị hấp dẫn bởi những ai?

2. Người thất bại thật sự có tài năng

Vẫn có một làn sóng chống lại các chương trình THTT, nặng nề hơn, tờ Los Angeles Times từng bình luận rằng: “Ngày mà American Idol xuất hiện cũng là ngày mà âm nhạc chết lịm”.

Theo lập luận của những nhà sản xuất âm nhạc truyền thống, các chương trình THTT đã thay đổi khuynh hướng nhìn nhận ngôi sao, và phá đi những quy củ quý báu nhất mà nền văn minh của loài người đã từng hình thành.

"Việc bầu chọn bằng tin nhắn vẫn luôn gây một cảm giác hoài nghi. Cả những chương trình được đầu tư lớn bởi các đài truyền hình cũng bị nhiều tai tiếng về độ tin cậy của tin nhắn"

Các sô THTT đã buộc người ta phải tốn tiền bầu chọn một ai đó là tài năng trong suy nghĩ của mình, trong khi các tài năng thật sự từ hàng thập niên trước như Beatles hay Pink Floyd hoặc Elvis Presley, Michael Jackson chẳng cần ai nhắn tin bình chọn cho họ cả. Tài năng của họ tỏa sáng và xâm chiếm tâm trí khán giả một cách tự nhiên hơn là bạn bị dẫn dụ vào một trò chơi và bị người dẫn chương trình thúc hối “hãy nhắn tin bình chọn đi”.

Việc bình chọn đó luôn cho thấy một nhược điểm: rất nhiều tài năng thực thụ đã bị đánh rớt. Một làn sóng thế hệ nghệ sĩ tài năng nhưng chỉ hạng hai, ba... đang xuất hiện khắp nơi trên thế giới từ các phiên bản THTT, thậm chí họ luôn vượt trội những người đoạt giải. Bạn cần nhớ không? Hãy tìm lại cái tên Adam Lambert - người đã đến VN vào tháng 1 năm nay.

Và cũng chưa kể đến những chuyện bê bối về nhắn tin bình chọn tại VN. Việc bầu chọn bằng tin nhắn vẫn luôn gây một cảm giác hoài nghi, thậm chí dẫn đến sự lạnh nhạt của khán giả. Không chỉ là những chương trình hợp tác sản xuất, mà ngay cả những chương trình THTT được đầu tư lớn bởi các đài truyền hình cũng bị nhiều tai tiếng về độ tin cậy của tin nhắn.

3. Giám khảo diễn hơn là chấm

Kỳ 4: 5 “điểm đen” của cuộc chơi truyền hình thực tếKhác với những chương trình THTT ở buổi đầu, các giám khảo ngày hôm nay ngồi ở vị trí cầm cân nảy mực đều mang đậm chất trình diễn hơn là suy xét cho các tài năng. Thậm chí, kịch bản được xếp đặt là luôn tạo tình huống để họ có thể trình diễn, đánh bóng mình và tô vẽ cho một điều gì đó mà thật sự mục đích của cuộc tìm kiếm tài năng cần đến.

Rất nhiều thí sinh tham gia trò chơi THTT nghĩ rằng họ đang đối diện với những người đồng hành với họ, có thể giúp đỡ họ trong một cuộc vượt khó hấp dẫn. Ðiều mỉa mai là khi các thí sinh trình diễn thì đạo diễn cũng luôn thì thầm thôi thúc các giám khảo “diễn đi”. Hãy ghi nhớ những ngón tay nhịp chầm chậm, những ánh mắt đăm chiêu hay sửng sốt, hoặc quyết định ấn nút đầy ấn tượng trước ống kính..., mọi thứ nhiều khi là kịch.

Trong hơn hai năm qua, THTT VN đã xuất hiện một danh từ mới là “ghế nóng” dành cho giám khảo. “Nóng” có thể hiểu với thêm một nghĩa: phải làm một cái gì đó thật “nóng” dễ gây sự chú ý. Sức nóng này cũng là chủ đề cho nhiều lời chỉ trích, bình luận mang tính giải trí của giới truyền thông dành cho ban giám khảo hơn là giá trị chuyên môn. Và “nóng” ở đây cũng tẻ nhạt hơn, so với cái “lạnh” cần thiết của một giám khảo THTT thật sự, chẳng hạn như với Simon Cowell.

4. Bị bỏ rơi với ảo tưởng

Kỳ 4: 5 “điểm đen” của cuộc chơi truyền hình thực tếKhi các thí sinh được mời vào trò chơi, họ được các nhân viên casting (tuyển người) ca ngợi và hối thúc tham gia. Thậm chí được gợi ý rằng họ là nhân vật “hạt nhân” nhiều khả năng nhất của chương trình. Nhưng điều đó chỉ phục vụ cho hệ thống thu hình sắp tới, mọi con người tham gia trước ống kính rốt cuộc chỉ là những đinh ốc nhỏ nhoi trong một cỗ máy, bị lãng quên sau các sô diễn.

Một nhân vật có nhiều kỹ năng, từng được mời gọi tham gia các sô THTT như Survivor, viết trên tờ Hubpages rằng cô bị stress đến mức kinh khủng khi bị bao vây bởi các nhà tuyển chọn, và khi tham gia sô cô stress hơn bao giờ hết khi bị đẩy vào các tình huống vật vã với thời gian và khả năng của mình để làm tròn vai và làm hấp dẫn hàng triệu người.

Ở VN, có thí sinh kể rằng họ được hứa hẹn tiền thù lao, tiền thưởng... khi tham gia một chương trình THTT. Lời mời mọc vô cùng dễ mến và nâng đỡ ban đầu, đến khi kết thúc buổi quay họ được người đại diện thông báo rằng khi nào phát hình mới được lãnh tiền, mà lịch phát thì đến sáu tháng sau.

Nhưng với các sô THTT về tài năng, sau cuộc vui người dự thi sẽ bị nung chảy với ảo tưởng là một tài năng thật sự. Ít ai ý thức rằng mình sẽ phải nỗ lực rất lớn để bước vào đời thật, đơn giản họ đã được khen tụng và “vỗ béo” nhiều ngày cho một mục đích, không khác gì những thủy thủ của Sinbad lạc trên hoang đảo, được thổ dân ăn thịt người săn sóc no đủ. Hoặc họ tự đốt cháy mình le lói thêm, với công chúng, bằng những hình ảnh, câu chuyện, thông tin, mà nhiều người gọi tên là chuyện giật gân.

Rất nhiều thí sinh bước ra khỏi cuộc vui vẫn níu kéo dư âm ngày cũ bằng những email gắn liền chương trình của mình, chẳng hạn như [email protected] hay [email protected]... Nhiều poster quảng cáo chương trình biểu diễn cũng ghi kèm tên ca sĩ với một chương trình THTT nào đó. Nhưng thực tế thì khán giả đến để nghe một nghệ sĩ, chứ không phải nghe một phiên bản THTT. Có những người khán giả đã quên từ hôm nay, nhưng cay nghiệt hơn chính nhà sản xuất đã quên từ trước đó, nhưng chỉ riêng họ vẫn ôm chặt một hình bóng.

5. Mỏi mệt với những điều không thật

Kỳ 4: 5 “điểm đen” của cuộc chơi truyền hình thực tếTất cả mọi thứ như một cuộc tình. Khán giả đều mê mệt ở những sô đầu tiên và những khái niệm THTT ập đến màn ảnh nhỏ. Nhưng rồi khi nhìn thấy quá nhiều sự sắp đặt, mọi thứ trở nên nhạt nhẽo. Và khán giả đột nhiên cảm thấy chán. Như những người tình nhìn thấy nhau mỗi tuần và ít cảm giác hơn.

Bình chọn và thấy kết quả đôi khi trái ngược. Thái độ của giám khảo hay thí sinh dần dà khiến người xem cảm thấy mệt mỏi. Xã hội đột nhiên cảm thấy lời rêu rao THTT này nọ sẽ khám phá tài năng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển... chỉ là khoa trương. Con số khán giả bất bình mỗi lúc một ít dần và những nụ cười khẩy thì tăng lên. Người ta không quan tâm nữa.

Ðiều đáng lo ngại là xã hội sẽ ngập ngụa với các danh hiệu và giải thưởng ngày một vô nghĩa, nhưng chẳng có điều gì lưu lại trong trái tim của khán giả.

Và cũng như một câu chuyện tình yêu cần hâm nóng, nó cần một nỗ lực chân thành của kẻ luôn nói dối khi yêu, vậy thôi.

Nguồn Tuổi Trẻ Online