Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên "doanh số" của nhân viên kinh doanh
“Trung bình tôi phải làm việc ít nhất 10 giờ/ngày, tiếp gần 100 cuộc gọi bất kể giờ giấc và đêm nào cũng ngủ khuya để giải quyết công việc. Đôi lúc tôi cảm thấy quá sức nhưng vẫn phải cố gắng để giữ chỗ làm”
Do sức ép công việc, trên 80% lao động ở nhóm ngành marketing - kinh doanh - bán hàng - tiếp thị trong năm đầu tiên đi làm phải thay đổi chỗ làm vài lần
Ngày nào cũng vậy, chị Phạm Thị Phương Nhi (quê Sóc Trăng) phải làm việc trên 10 giờ và thường về nhà sau 20 giờ. “Dù rất mệt nhưng tôi phải cố gắng làm việc, bởi nếu không hoàn thành định mức doanh số công ty giao, tôi sẽ bị đuổi việc” – chị Nhi cho biết.
Quá sức nhưng vẫn làm việc
Chị Nhi là nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông ở quận Bình Thạnh - TPHCM. Công việc của chị là tìm kiếm hợp đồng quảng cáo, thu nhập bao gồm lương cơ bản 3 triệu đồng/tháng và hoa hồng từ 10% đến 18% giá trị hợp đồng. Chị cho biết những người vào thử việc được giao chỉ tiêu khai thác 50 triệu đồng/tháng, còn những nhân viên như chị phải đạt tối thiểu 100 triệu đồng/tháng.
“Tôi phải tận dụng các mối quan hệ, thường tham gia họp mặt, hội thảo, đi giao dịch để mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm đối tác. Việc gặp gỡ khách nhiều khi đến 23 giờ. Công việc thật sự áp lực và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không đạt chỉ tiêu” - chị Nhi tâm sự.
Được cấp trên tín nhiệm nhưng sau 10 tháng làm cho một doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ, chị Lê Minh gần như kiệt sức vì quá tải. Công việc của chị là lập kế hoạch và ngân sách cho các chương trình khuyến mãi, chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu khuyến mãi và kinh doanh. Chị nói: “Trung bình tôi phải làm việc ít nhất 10 giờ/ngày, tiếp gần 100 cuộc gọi bất kể giờ giấc và đêm nào cũng ngủ khuya để giải quyết công việc. Đôi lúc tôi cảm thấy quá sức nhưng vẫn phải cố gắng để giữ chỗ làm”.
Mới vào đã... tháo chạy
Anh Trần Thái Hào được người bạn giới thiệu tìm việc tại Công ty TM-DV Hương Thủy (quận 5 - TPHCM) với thông tin thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng, chưa kể hoa hồng; công việc làm theo nhóm nhẹ nhàng, chỉ cần đạt chỉ tiêu doanh số theo mức vừa phải. Nhận lời nhưng khi vào làm việc, anh mới biết không dễ gì đạt chỉ tiêu bán hàng.
“Sản phẩm của công ty là một loại mì ăn liền mới xuất hiện trên thị trường. Sau một tháng làm việc cật lực, lùng sục khắp nơi, tôi cũng chỉ bán được hơn 100 thùng, không đạt chỉ tiêu nên đành nghỉ việc. Các bạn trong nhóm cũng không ai trụ lại được” - anh Hào cho biết.
Anh Nguyễn Văn Nam xin vào một công ty phân phối mỹ phẩm, doanh số bán hàng được giao tối thiểu 60 triệu đồng/tháng.
Tháng đầu tiên, dù cố gắng tìm kiếm khách hàng, đi khắp cửa hàng mỹ phẩm, những địa điểm tập trung như Nhà Văn hóa Phụ nữ, trung tâm mua sắm... để chào hàng nhưng anh chỉ bán được 40 triệu đồng. Tháng thứ hai giảm xuống còn 20 triệu đồng. Anh than thở: “Vì không thể chạy theo chỉ tiêu nên tôi sẽ nghỉ việc trước thời gian kết thúc hợp đồng thử việc 3 tháng”.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc nhân sự Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng áp lực công việc ở nhóm ngành marketing, bán hàng, kinh doanh, tiếp thị là rất lớn và không phải ai cũng thành công. Theo ông Hoàng, chỉ những ai thực sự năng động, biết tổ chức tốt công việc, nhạy bén kinh doanh... mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Tính ổn định nghề nghiệp ở nhóm ngành này không cao do phần đông lao động trẻ không hội đủ những yếu tố trên.
Chiếm 27,08% nhu cầu tuyển dụng
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng dù nhiều áp lực và thử thách nhưng marketing - kinh doanh - bán hàng là nhóm ngành “hot” nhất trong 12 nhóm ngành nghề thu hút nhiều lao động nhất năm 2013. Theo kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng của trung tâm này tại khoảng 6.000 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhóm ngành marketing - kinh doanh - bán hàng chiếm 27,08%.