Sự lựa chọn sống còn của các hãng xe toàn cầu

Nếu như đầu năm ngoái vẫn còn nhiều điều hoài nghi về xu thế xe chạy bằng điện như giá bán cao, tầm hoạt động còn hạn chế, thì hiện nay, nhiều hãng xe xem đây là sự chọn lựa sống còn khi mà nhiều nước trên thế giới đặt ra lộ trình cấm xe động cơ đốt trong và giá bán xe điện được dự báo sẽ giảm mạnh.

Trong năm qua, các hãng xe lớn trên toàn cầu đã dồn dập rót tiền đầu tư cho xe điện vì lo sợ bị tụt lại phía sau và bị các đối thủ đè bẹp. Theo dữ liệu phân tích của Reuters, tính đến đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư cam kết cho xe điện của các hãng xe trên toàn cầu đạt khoảng 90 tỉ đô la Mỹ và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.

Đua nhau đầu tư

Cho đến nay, các hãng xe ở Mỹ đã cam kết rót tổng số tiền đầu tư 19 tỉ đô la cho xe chạy bằng điện. Số tiền đầu tư cho lĩnh vực này ở Trung Quốc là hơn 20 tỉ đô la Mỹ và ở Đức là 52 tỉ đô la Mỹ. Tại Cuộc triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ diễn ra ở thành phố Detroit, bang Michigan (Mỹ) hôm 14-1 vừa qua, hãng xe Ford (Mỹ) tuyên bố sẽ đầu tư 11 tỉ đô la cho nỗ lực phát triển và sản xuất 40 dòng xe điện và xe lai sạc điện (plug-in hybrid). Ông Bill Ford, Chủ tịch hãng xe 115 tuổi này, nói: “Chúng tôi dốc toàn lực cho xe điện và sẽ chọn những dòng xe mang tính biểu tượng nhất để điện khí hóa chúng”. Trong khi đó, hãng xe lớn nhất của Mỹ là General Motors cho biết sẽ loại bỏ dần xe chạy xăng để chuyển sang “một tương lai xe điện hoàn toàn”. Hãng này đang có kế hoạch tung ra thị trường 20 dòng xe điện mới vào năm 2023.

Hai hãng xe của Nhật Bản là Toyota và Mazda gần đây cam kết đầu tư 1,6 tỉ đô la Mỹ xây dựng một nhà máy lắp ráp xe ở Mỹ vào năm 2021. Phó chủ tịch hãng xe Toyota Shigeki Terashi cho biết Toyota có kế hoạch giới thiệu hơn 10 dòng xe điện trên toàn cầu vào nửa đầu năm 2020 và cho biết đến năm 2025, tất cả các dòng xe của Toyota bán trên toàn cầu đều là xe điện, xe lai xăng điện, xe lai sạc điện, xe chạy pin nhiên liệu rắn hoặc xe truyền thống có phiên bản động cơ điện.

Sự lựa chọn sống còn của các hãng xe toàn cầu

Xe điện đang trở thành chiến lược của nhiều tập đoàn ô tô trên toàn cầu.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành hãng xe dẫn đầu thị trường ở mảng xe điện”. Daimler, công ty mẹ của hãng xe Mercedes-Benz (Đức), sẽ đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ để sản xuất xe thể thao đa dụng chạy bằng động cơ điện tại bang Alabama (Mỹ). Tính tổng thể, Daimler đang đầu tư 10 tỉ euro cho việc phát triển xe điện và xe lai xăng điện. Trong khi đó, Volkswagen (Đức) là hãng xe cam kết đầu tư lớn nhất cho xe điện tính đến thời điểm hiện nay. Từ nay đến năm 2030, Volkswagen sẽ chi tiêu tổng 40 tỉ đô la Mỹ để sản xuất phiên bản điện của hơn 300 dòng xe của hãng này. Trước mắt, Volkswagen sẽ chi 12 tỉ euro để cùng với các đối tác Trung Quốc sản xuất 40 dòng xe điện trong vòng tám năm tới.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng Tesla (Mỹ) là hãng xe tiên phong trong làn sóng xe điện. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đua đầu tư cho xe điện đang nóng lên từng ngày, “Tesla sẽ đối mặt với sự cạnh tranh thực sự”, Mike Jackson, Giám đốc điều hành của chuỗi bán lẻ ô tô lớn nhất Mỹ AutoNation, nhận định. Jackson cho rằng xe điện có thể chiếm 15-20% của tổng doanh số xe mới ở Mỹ vào năm 2030. Dieter Zetsche, Giám đốc điều hành hãng xe Daimler, cho rằng dù đang ở chiếu trên, Tesla sẽ sớm “ngồi chung mâm” với nhiều hãng xe khác.

Không thể chậm chân

Trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới siết chặt các quy định về quản lý khí thải CO2 và bắt đầu đặt ra lộ trình cấm bán xe động cơ đốt trong, các hãng xe nhận ra rằng nếu chậm chân trên thị trường xe điện, vị thế và danh tiếng hiện nay của họ có thể bị lật đổ... Na Uy cho biết một lộ trình cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2025, mốc thời gian sớm nhất của các lệnh cấm tương tự trên thế giới. Anh, thị trường ô tô lớn thứ 6 thế giới, cho biết sẽ cấm loại xe này từ năm 2040 như là một phần của chiến dịch làm sạch không khí. Pháp cũng khẳng định chấm dứt việc bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2040 như là một biện pháp nhằm góp phần ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ấn Độ đặt mục tiêu ngưng bán xe động cơ đốt trong vào năm 2030.

Chỉ trong vài năm tới, tầm hoạt động của đa số dòng xe điện sau một lần sạc pin đều vượt 300km và giá của hầu hết xe điện tại Mỹ sẽ giảm về dưới mức 30.000 đô la Mỹ/chiếc.

Hôm 27-2 vừa qua, tòa án hành chính tối cao của Đức ở thành phố Leipzig ra phán quyết ủng hộ các phán quyết của tòa cấp dưới về việc cho phép các thành phố cấm lưu thông các loại xe chạy bằng dầu diesel gây ô nhiễm nặng nhất. Vào năm ngoái, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ý rằng việc cấm bán xe động cơ xe đốt trong ở Đức chỉ là vấn đề thời gian. Năm 2016, thượng viện nước này ra nghị quyết kêu gọi cấm bán xe động cơ xe đốt trong vào năm 2030. Các thành phố như Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Mexico City (Mexico) và Athens (Hy Lạp) cũng đã lên các kế hoạch cấm xe chạy bằng diesel ở các khu vực trung tâm vào năm 2025. Trong khi đó, thành phố Copenhagen (Đan Mạch) muốn cấm các xe chạy bằng dầu diesel mới đăng ký đi vào thành phố này vào năm tới 2019.

Nhiều nước khác như Áo, Đan Mạch, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Tây Ban Nha đều đã đưa ra các mục tiêu chính thức về doanh số xe điện. Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, ra thời hạn đến năm 2019, các hãng xe trong nước bao gồm các liên doanh với các hãng xe nước ngoài phải sản xuất xe năng lượng mới (xe điện, xe lai sạc điện) ở mức tối thiểu 10% tổng sản lượng xe hàng năm của họ. Con số này sẽ tăng lên 12% vào năm 2020.

Một lý do khiến nhiều hãng xe trước đây không dám đặt cược vào xe điện là vì chi phí sản xuất quá cao và tầm hoạt động của xe điện sau một lần sạc pin còn hạn chế. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố cản trở này đang dần được giải quyết.

Trong một bản báo cáo nghiên cứu về tương lai giao thông trong giai đoạn 2020-2030, Giáo sư kinh tế Tony Seba ở Trường Đại học Stanford (Mỹ), nhận định chỉ trong vài năm tới, tầm hoạt động của đa số dòng xe điện sau một lần sạc pin đều vượt 300km và giá của hầu hết xe điện tại Mỹ sẽ giảm về dưới mức 30.000 đô la Mỹ/chiếc. Hiện nay, giá bán khởi điểm của xe điện Model 3 của Tesla là 35.000 đô la. Ông Seba dự báo đến năm 2022, các dòng xe điện cấp thấp sẽ giảm về dưới mức 20.000 đô la/chiếc. Lúc đó, người tiêu dùng sẽ không còn nhiều lý do để mua xe động cơ đốt trong khi mà hiệu năng xe điện ngày càng cải thiện và giá bán của chúng ngày càng rẻ.

Một yếu tố quan trọng giúp giá xe điện sẽ mềm hơn trong tương lai là chi phí sản xuất bộ pin điện sẽ thấp hơn nhiều so với hiện nay. Chẳng hạn như chi phí sản xuất bộ pin của xe điện Bolt EV của General Motors hiện nay vào khoảng 10.000-12.000 đô la, tương đương 1/3 giá bán niêm yết của chiếc xe. Tuy nhiên, Jon Bereisa, cựu Giám đốc kỹ thuật của General Motors, cho rằng đến năm 2021, chi phí để sản xuất một bộ pin như vậy sẽ giảm xuống còn 6.000 đô la nhờ sự thay đổi trong các thành phần cấu tạo của pin.

Sự lựa chọn sống còn của các hãng xe toàn cầu

Một bãi đỗ xe điện miễn phí có lặp đặt các trạm sạc ở thủ đô Oslo, Na Uy, nước đang dẫn đầu thế giới về mức độ phổ cập xe điện.

Tham vọng của Trung Quốc

Các hãng xe Trung Quốc chưa bao giờ đạt được danh tiếng như những thương hiệu xe nổi tiếng ở châu Âu hay Mỹ nhưng giới quan sát ngành công nghiệp ô tô cho rằng tình hình có thể sẽ thay đổi. Lý do là chính phủ Trung Quốc đang dồn lực để đưa nước nước này vào vị trí dẫn đầu trong cuộc chuyển đổi sang xe năng lượng mới (xe điện và xe lai sạc điện). Doanh số xe điện toàn cầu lần đầu tiên vượt một triệu chiếc vào năm ngoái và phân nửa số này được tiêu thụ ở thị trường đông dân nhất thế giới này. Trung Quốc đang đặt mục tiêu nâng số xe chạy bằng năng lượng mới lên mốc bảy triệu chiếc vào năm 2025. Nước này quyết liệt thúc đẩy việc phổ cập xe điện không chỉ vì muốn hạn chế nạn ô nhiễm môi trường và sự ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu mà còn vì giới lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu, vốn được xem là một điểm “tổn thương chiến lược”.

Các hãng xe Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho xe động cơ đốt trong nhưng không thành công. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xe điện non trẻ có thể tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các hãng xe Trung Quốc. Cho đến nay, các hãng xe Trung Quốc đã đưa ra các cam kết đầu tư cho xe điện trị giá hơn 20 tỉ đô la.

Hãng xe nhà nước Changan Automobile, có trụ sở tại thành phố Trùng Khánh, đã thông báo kế hoạch chi 15 tỉ đô la để đưa ra thị trường 21 mẫu xe điện thuần túy và 12 mẫu xe lai sạc điện vào năm 2025. Changan Automobile là đối tác của các hãng xe Ford (Mỹ), Peugeot Citroen (Pháp), Suzuki Motor và Mazda Motor (Nhật Bản) tại Trung Quốc. SAIC Motor, một hãng xe nhà nước khác có trụ sở ở Thượng Hải và đang tham gia liên doanh với Volkswagen và General Motors tại Trung Quốc, cho biết sẽ đầu tư ít nhất 3 tỉ đô la cho xe năng lượng mới. Trong khi đó, hãng xe tư nhân Great Wall Motor ở tỉnh Hà Bắc cũng dự định chi ít nhất 1,8 tỉ đô la và tối đa là 8 tỉ đô la trong 10 năm tới để phát triển xe chặng bằng nguồn năng lượng mới. Hãng này đang đàm phán thành lập một liên doanh với hãng xe BMW để sản xuất xe điện cỡ nhỏ ở thị trường Trung Quốc.

Chánh Tài / Reuters / Just-auto / Bloomberg
Nguồn The Saigon Times