Cận cảnh chiếc "Taxi bay" không người lái đầu tiên trên thế giới
Chiếc "taxi bay" không người lái đầu tiên trên thế giới của Kitty Hawk đang dần được hoàn thiện và có thể đưa vào sử dụng trong tương lai không xa.
Trong khi rất nhiều người trong chúng ta còn đang mong chờ ngày những chiếc xe tự lái băng băng chạy trên đường thì cofounder của Google, Larry Page lại hướng tới một tương lai xa hơn nữa với chiếc "taxi bay" mang tên Cora do công ty Kitty Hawk chế tạo.
Không giống với những hình ảnh concept của các mẫu xe ô tô bay khác, Cora được trang bị tổng cộng 12 cánh quạt trên đôi cánh của mình, cho phép nó có thể cất cánh theo phương thẳng đứng giống như các máy bay trực thăng.
Như vậy, Cora có thể cất cánh từ những vị trí nhỏ hẹp mà không cần đường băng dài như các máy bay thông thường. Khi đã cất cánh, Cora có thể bay với tốc độ 175 km/h ở độ cao tối đa là 1000 mét.
Chưa dừng lại ở đó, điều đáng kinh ngạc nhất mà Kitty Hawk giới thiệu về sản phẩm này, đó là họ dự định trang bị cho Cora hệ thống lái tự động hoàn toàn đến mức không cần có phi công điều khiển ngồi trong buồng lái. Hiện tại, Kitty Hawk đang đàm phán với chính phủ New Zealand để đưa chiếc "taxi bay tự lái" này thử nghiệm tại quốc gia này. Theo một chia sẻ khá lạc quan thì có thể Cora sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2021.
Theo nhận xét của các chuyên gia thì hiện tại vẫn cần phải cải tiến khá nhiều nếu muốn Cora trở thành một loại hình taxi bay có thể phục vụ con người. Bởi nó vẫn tồn tại một số nhược điểm.
Ví dụ như việc sải cánh dài tới 12 mét khiến cho Cora trở nên khá cồng kềnh, đi ngược lại với sự tiện lợi và gọn nhẹ mà các loại hình vận chuyển như hiện nay hướng tới. Thêm vào đó, động cơ chạy điện của Cora cũng chỉ có thể bay được tối đa 100 km. Dù vậy nhưng đây cũng không phải là vấn đề quan trọng bởi taxi bay Cora sử dụng đường bay thẳng chứ không phải bám theo lộ trình đường bộ như xe ô tô bình thường nên 100 km cũng là tương đối đủ để loại hình dịch vụ này hoạt động.
Theo công ty Kitty Hawk thì chiếc Taxi bay Cora này hiện có khoảng 2 chỗ ngồi cho hành khách. Hệ thống điều khiển cũng được trang bị thêm tới 3 máy tính dự phòng cho trường hợp hệ thống lái tự động gặp sự cố. Và nếu có sự cố va chạm xảy ra thì hệ thống dù khẩn cấp của Cora sẽ được kích hoạt.
Ý tưởng về những chiếc ô tô bay đã được tồn tại từ thập niên 20 của thế kỉ trước và được sử dụng làm chất liệu cho rất nhiều câu chuyện viễn tưởng. Thế nhưng, phải mãi tới năm 2018 này, chúng ta mới có thể biến ước mơ có được những chiếc ô tô bay thực thụ thành sự thật, dù rằng để ứng dụng được chúng vào đời sống thì sẽ cần phải mất thêm một thời gian dài nghiên cứu nữa.
Thế Anh
Nguồn Trí thức trẻ