Bầu Hiển lấn sân bán lẻ

Sức nóng trên thị trường bán lẻ đang tăng lên khi ngày càng nhiều thương hiệu trong và ngoài nước xuất hiện.

Gần đây nhất, tay chơi không chuyên T&T Group lần đầu tiên mở các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Qmart và Qmart+ tại Hà Nội có diện tích vừa và nhỏ. Tập đoàn này không giấu tham vọng sẽ nhân rộng chuỗi bán lẻ này ra cả nước nếu những viên gạch đầu tiên được xây dựng thành công.

Hoàn thiện chuỗi nông nghiệp 4.0

Có thể thấy rõ ý đồ của ông bầu Đỗ Quang Hiển khi thành lập T&T Consumer, đơn vị quản lý Qmart và Qmart+. Bán lẻ chính là mảnh ghép còn thiếu của tập đoàn này trong việc hoàn thiện chuỗi kinh doanh từ chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đến kênh phân phối và tiêu thụ.

Nhìn chung, việc lựa chọn phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini được xem là khá hợp lý cho một tay chơi mới như T&T. Lý do là chi phí đầu tư sẽ không đắt đỏ như các siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp. Công tác quản lý cũng đơn giản hơn mà từ đó, Tập đoàn có thể vừa làm vừa học để điều chỉnh các bước đi sao cho phù hợp với thực tế.

Bầu Hiển lấn sân bán lẻ

Cửa hàng tiện lợi Qmart+ của T&T Consumer. Ảnh: DĐDN.

Theo hãng tư vấn Nielsen Việt Nam, thị trường bán lẻ hiện đại nói chung và kênh bán hàng tiện lợi nói riêng trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ. Trong khi số lượng cửa hàng truyền thống tăng chỉ khoảng 3-4% thì số lượng cửa hàng bán lẻ hiện đại tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2008-2016. “Trong 6 tháng đầu năm 2017, chúng tôi thấy số lượng cửa hàng tăng lên 400 cửa hàng”, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cao cấp bộ phận đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, chia sẻ với phóng viên.

Đi cùng với việc mở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini, T&T Group cũng chính thức thành lập thành viên chuyên trách mảng nông nghiệp là Công ty Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống xanh T&T (T.Vita) để đầu tư vào khâu sản xuất chế biến các loại nông sản theo hướng công nghệ cao. Dự kiến, các sản phẩm nông sản đầu tiên của T.Vita sẽ ra mắt trên các kệ của Qmart và Qmart+ vào cuối tháng này. “T.Vita sẽ tổ chức vận hành sản xuất và phân phối theo chuỗi khép kín, tích hợp công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản Việt”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, CEO của T.Vita, cho biết.

Song hành với chiến lược tăng trưởng hữu cơ, mở rộng nhanh quy mô tài sản của mảng nông nghiệp thông qua M&A cũng là điều được bầu Hiển sử dụng ráo riết. Sau khi chi ra hàng ngàn tỉ đồng mua lại cổ phần của các tổng công ty trong lĩnh vực nông nghiệp được cổ phần hóa như Vegetexco, Vigecam, Vinafor, mới đây, T&T Group đã gây chấn động thị trường khi dự kiến tung ra hơn 1.200 tỉ đồng để sở hữu 25% vốn của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), một trong những nhà kinh doanh và xuất khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Như vậy cùng với bệ đỡ tài chính từ Ngân hàng SHB hay kinh nghiệm dày dạn trên thị trường bất động sản, việc mở rộng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp và phân phối bán lẻ cho thấy rõ chiến lược hoàn thiện các mảng kinh doanh của T&T với đích đến là phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, hướng đến xuất khẩu.

Bầu Hiển lấn sân bán lẻ

Người tiêu dùng mua hàng tại Qmart+. Ảnh: T&T Group.

Không dễ ăn

Dư địa dành cho kênh hiện đại nói chung và cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini nói riêng vẫn còn rất lớn cho các doanh nghiệp tham gia. Đăc biệt hơn, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là kênh bán hàng được dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh trong tương lai nhờ sức chi tiêu ngày càng tăng của gần 60% dân số dưới 35 tuổi cùng với phong cách mua sắm nhanh gọn của các hộ gia đình nhỏ. “Thị trường bán lẻ hiện đại ở kênh cửa hàng tiện ích và siêu thị mini vẫn còn nhiều khoảng trống khi mật độ kênh hiện đại đang ở mức 69.000 người/cửa hàng, cao thứ 2 trong các nước châu Á”, ông Nguyễn Anh Dũng nói.

Theo báo cáo “Xu hướng người mua hàng” của Nielsen mới được công bố, trong năm 2016, tỉ lệ mua sắm tại kênh mua sắm tiện lợi là 19%, cải thiện 3 điểm phần trăm so với năm 2015. Trong khi đó, tỉ lệ mua sắm tại siêu thị trong năm 2016 là 46%, giảm đáng kể so với con số 52% của năm 2015 và 60% của năm 2014. “Như vậy, có thể thấy hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã bắt đầu có sự dịch chuyển cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán hàng tiện lợi”, ông Nguyễn Anh Dũng nhận định.

Nhưng bán lẻ không phải là ngành hàng dễ ăn khi áp lực cạnh tranh đang rất khốc liệt. Cuối năm ngoái, Saigon Co.op đã mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên mang thương hiệu Cheers theo hình thức nhượng quyền từ đối tác Singapore, SonKim Land hợp tác với Hàn Quốc phát triển chuỗi bán lẻ G25 với tham vọng mở hơn 2.000 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Tham gia vào chuỗi bán lẻ tiện lợi và siêu thị mini còn có nhiều tên tuổi lớn khác như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), FamilyMart, B’s mart, 7- Eleven, Vinmart+, C Express... với những kế hoạch đầy tham vọng trong các năm tới.

Bầu Hiển lấn sân bán lẻĐứng trước sức ép cạnh tranh mới, Thế Giới Di Động tuyên bố sẽ bơm thêm 3.000 tỉ đồng để tăng gấp 4 lần quy mô của chuỗi Bách Hoa Xanh từ 283 lên 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay hay Central Group dự kiến sẽ chi ra thêm 1,51 tỉ USD để mở rộng chuỗi cửa hàng tại Việt Nam... Tất cả đều muốn giành thị phần, vươn lên dẫn đầu trong một cuộc đua có giá trị lên đến 50 tỉ USD.

Nhưng không chỉ cạnh tranh khốc liệt lẫn nhau và sẵn sàng cuộc chiến về giá, các chuỗi bán lẻ còn phải cạnh tranh với 1,48 triệu cửa hàng tạp hóa truyền thống hiện đang nắm giữ khoảng 85% doanh số toàn thị trường. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân từ truyền thống sang hiện đại sẽ không dễ xảy ra một sớm một chiều.

Vì vậy, để giành được thắng lợi, các nhà bán lẻ sẽ còn nhiều việc để làm. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, các chuỗi bán lẻ như Qmart, Qmart+ cần quan tâm đến xu thế tiêu dùng theo phong cách hiện đại, thấu hiểu khách hàng, tạo sức hút thông qua áp dụng công nghệ mới, phát triển kênh bán hàng đa kênh có tích hợp thương mại điện tử, cung cấp các tiện ích cộng thêm trong cửa hàng như dịch vụ thanh toán ngân hàng, internet, cải thiện hệ thống quản trị logistics cũng như sắp xếp, phân loại hàng hóa sao cho mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng.

Cuối cùng là đừng bỏ qua cơ hội ở khu vực nông thôn. Khu vực này đang chiếm 68% dân số, với thu nhập trung bình 5,3 triệu/tháng và con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh. Tỉ lệ sử dụng internet và điện thoại thông minh ở khu vực nông thôn cũng đang dần bắt kịp với khu vực thành thị, đó sẽ là cơ hội cho thương mại điện tử phát triển đối với các nhà bán lẻ. Như trường hợp của Alibaba, họ đã rất thành công tại Trung Quốc nhờ có thể đem hàng đến tay người tiêu dùng vùng nông thôn ở tận những nơi xa xôi nhất.

Sơn Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư