Toys "R" Us, vì đâu nên nỗi?
Chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng chuyên bán đồ chơi cho hàng triệu trẻ em qua nhiều thế hệ, sẽ đóng hay bán tất cả các cửa hàng tại Mỹ.
Không thể phục hồi
Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 9 và trải qua mùa lễ hội mua sắm, công ty quyết định đóng cửa hoặc bán tất cả các cửa hàng còn lại, theo nguồn tin của New York Times.
Hơn 30.000 việc làm tại Mỹ bị đe dọa khi công ty đóng cửa. Đó là một thất bại cay đắng cho một công ty thành lập vào năm 1948 từ một cửa hàng nhỏ ở Washington chuyên bán nôi, xe đẩy và đồ trẻ em khác.
Hãng đồ chơi nổi tiếng thế giới đã phát triển lên hơn 2.000 cửa hàng có một kho hàng rộng khiến nó trở thành một điểm đến cho trẻ em. Câu nói: "Em không muốn lớn lên, em là một đứa trẻ Toys 'R' Us" – đó là điều đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng Mỹ.
Nhưng trong thời đại kinh doanh bùng nổ trên Internet, Toys "R" Us đã phải vật lộn với một mô hình bán hàng không thể theo kịp với Amazon và Walmart, và đã bị mắc nợ 5 tỷ USd từ một thương vụ vay mua lại chính công ty vào năm 2005.
"Em không muốn lớn lên, em là một đứa trẻ Toys 'R' Us" – đó là điều đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng Mỹ.
Michael Dart, một chuyên gia bán lẻ và là đối tác của công ty tư vấn A. T. Kearney, cho biết: "Họ đã đứng trước nhiều xu thế đầy thử thách, và họ đã sai lầm trong những xu thế đó. Những yếu tố đó công với công thêm những khó khăn về tình hình tài chính đã đẩy công ty đến bờ vực".
Việc thanh lý sẽ diễn ra trong vài tháng tới, khi công ty dọn dẹp kệ ở khoảng 880 cửa hàng Toys "R" Us và Babies "R" Us trên khắp nước Mỹ.
Công ty báo hiệu rằng nó sắp đi đến hồi cáo chung khi tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình ở Anh. Vào buổi chiều, các giám đốc điều hành thông báo cho nhân viên công về quyết định đóng cửa các cửa hàng tại Mỹ.
Ngành công nghiệp đồ chơi toàn cầu đã và đang mất dần thị phần khi trẻ em ngày càng nghiện điện thoại thông minh và máy tính bảng. Doanh số bán đồ chơi toàn cầu đã tăng nhẹ mỗi năm, nhưng tốc độ chậm hơn so với các trò chơi điện tử.
Theo Clavis Insight - một công ty nghiên cứu thương mại điện tử, doanh số bán đồ chơi trực tuyến đã tăng hơn 55% trong hai năm qua lên tới 17 tỷ USD tại Mỹ, trong khi doanh thu thương mại điện tử cho đồ chơi đã vượt qua doanh thu của các cửa hàng truyền thống ở châu Âu.
Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phát sản theo Chương 11, Toys "R" Us đã lên kế hoạch giảm một phần nợ và cấu trúc hoạt động.
Tuy nhiên, sau một mùa lễ hội bán hàng tệ hại, các chủ nợ của công ty lại hoài nghi liệu ban quản trị của Toys "R" Us có thể thực hiện các bước đi quyết liệt để tái cơ cấu doanh nghiệp để cho phép nó cạnh tranh trong một thời gian dài.
Theo nguồn tin của New York Times, trong những tuần gần đây, các chủ nợ bắt đầu mất kiên nhẫn với ban quản trị và những nỗ lực xoay chuyển tình hình của họ.
Vào tháng 1, công ty cho biết họ đang đóng cửa 182 cửa hàng không sinh lãi ở Mỹ và đã bắt đầu thanh lý những địa điểm đó.
Theo tính toán của các chủ nợ, việc chấm dứt hoạt động tại Mỹ có thể cho phép họ thu hồi được nhiều tiền hơn là duy trì các cửa hàng trên.
Vì đâu nên nỗi?
Công ty được mua vào năm 2005 bởi các công ty đầu tư tư nhân Bain Capital và Kohlberg Kravis Roberts và công ty bất động sản Vornado Realty Trust.
Do phải gánh núi nợ mà các chủ sở hữu đã vay khi họ mua công ty, Toys "R" Us đã không đầu tư đúng mức vào các cửa hàng đang trên đà đi xuống của mình và các hoạt động thương mại điện tử. Không thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác, nó đã mất thị phần về tay các công ty bán đồ chơi có nhiều vốn hơn.
Theo nghiên cứu của IBISWorld, Toys "R" Us chỉ chiếm 13,6% thị trường đồ chơi ở Mỹ vào năm 2016. Walmart chiếm 29,4%, Amazon 16,3% và GameStop 13,9%.
Đối với nhiều nhà phân tích, Toys "R" Us là một ví dụ về sự gián đoạn của các nhà bán lẻ internet có thể gây ra. Công ty này từng được một người khổng lồ bất khả chiến bại, nhưng lợi thế của nó đã biến mất khi người tiêu dùng ngày càng thích lên mạng để có thể lựa chọn nhiền hơn, được giảm giá nhiều hơn và dễ dàng mua hàng chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Theo nghiên cứu của IBISWorld, Toys "R" Us chỉ chiếm 13,6% thị trường đồ chơi ở Mỹ vào năm 2016. Walmart chiếm 29,4%, Amazon 16,3% và GameStop 13,9%.
Thậm chí trước khi tin tức hôm 14.3 được đưa ra, sự suy sụp tài chính của công ty tác động đến những người công nhân như bà Dyann Rosales, người đã công nhân thời vụ tại cửa hàng Toys "R" Us ở Pittsburg trước lễ Giáng sinh và sau đó được tuyển vào làm toàn thời gian.
Bà Rosales, 48 tuổi, có con gái 8 tuổi, hồ hởi nói: "Đây là cơ hội để tôi thoát ra khỏi cái hố của mình. Đây sẽ là bàn đạp của tôi."
Nhưng vào đầu tháng 2, bà đã được thông báo bằng thư rằng cửa hàng của bà là một trong số 182 cửa hàng bị đóng cửa vĩnh viễn.
Ban đầu, công ty cho biết họ có kế hoạch trả tiền trợ cấp cho những nhân viên bị cho thôi việc, theo lời Rosales. Nhưng sau đó cô ấy đã được cho biết rằng điều này sẽ không được thực hiện. Bà thất vọng nói: "Tôi đã trở lại cái hố đó".
OUR, một nhóm chuyên chăm lo cho các công nhân bán lẻ trên toàn nước Mỹ, đã cố gắng giúp kiếm khoản trợ cấp thôi việc và tìm việc làm mới cho các nhân viên Toys “R” Us bị sa thải.
Bà Rosales nói khách hàng cũng cảm thấy buồn vì thông tin đóng cửa. Bà nhớ lại một cậu bé 8 tuổi bước vào cửa hàng nhân ngày sinh nhật của mình. Theo truyền thống, người quản lý cửa hàng thông báo trên loa khi một cậu bé hoặc một cô bé khi bước vào cửa hàng nhân ngày sinh nhật của mình và cửa hàng sẽ mở bài hát mừng sinh nhất đặc biệt.
Bà Rosales kể: "Khi người mẹ nghe vậy, bà ấy nhìn tôi và nói: ‘Đây là điều chúng ta sẽ rất nhớ’”.
Mạnh Đức / NYT
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư