Tại sao Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á?

Theo nhiều nguồn tin rò rỉ, việc Uber bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á có thể là để đổi lấy từ 15-20% cổ phần của Grab.

Uber thoát khỏi thị trường Đông Nam Á

Thông tin từ The Wall Street Journal cho biết ứng dụng gọi xe toàn cầu Uber đã đi đến thỏa thuận về mặt nguyên tắc với đối thủ Grab về việc rút khỏi thị trường Đông Nam Á.

Nhiều chuyên gia đánh giá, đây được xem là một nước cờ khôn ngoan, tương tự thương vụ Uber rút chân khỏi thị trường Trung Quốc để đổi lấy 20% cổ phần từ công ty cung cấp ứng dụng gọi xe Didi Chuxing trong năm 2016.

Tại sao Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á?Theo các chuyên gia, lý do số 1 để giải thích cho sự ra đi này chính là việc vị CEO của Uber là Dara Khosrowshahi đang đẩy nhanh tiến trình "làm đẹp" bảng báo cáo tài chính nhằm đưa công ty này có thể sớm tiến hành IPO trước năm 2019. Việc rút khỏi các thị trường tốn kém như Đông Nam Á có thể giúp đẩy lợi nhuận của Uber. Kể từ khi được thành lập vào năm 2008, startup này đã "đốt" khoảng 10,7 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục báo lỗ.

Ngoài ra, các nhà đầu tư rót tiền vào Uber cũng đang thúc giục Ban Giám đốc phải nhanh chóng cắt lỗ và xác định lại hướng phát triển của Uber là công nghệ cao, xe điện, tự hành... nên sẽ tập trung vào các nước đáp ứng được nền tảng hạ tầng để phát triển lĩnh vực đó.

Lợi thế của Grab tại thị trường Đông Nam Á?

Còn với Grab, công ty này chính thức mở rộng thị trường ra Đông Nam Á vào 2013 - đúng năm Uber nhảy vào kinh doanh. Grab cũng đã liên tục báo lỗ như riêng tại Việt Nam, sau 3 năm hoạt động, công ty báo lỗ khoảng 938 tỷ đồng. Rõ ràng, cả Uber và Grab đều đang lỗ nặng.

Uber và Grab đều thừa nhận đang "đốt tiền" để cạnh tranh tại khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên việc Uber "bán mình" là chuyện hợp thời cuộc, trong khi nếu mua được mảng kinh doanh của Uber thì Grab sẽ không còn đối thủ phải cạnh tranh trực tiếp quá lớn, bên cạnh những start-up gọi xe ở các nước.

Tại sao Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á?Trong khi Uber vẫn tự hào với độ phủ rộng khắp địa cầu, Grab tự tin khi được nhận diện gắn liền với thị trường Đông Nam Á. Hãng này chọn cách tập trung mạnh vào địa phương hoá các dịch vụ.

Nhận ra phần lớn người dùng tại Đông Nam Á không có thẻ tín dụng, Grab đã chủ động cho phép thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng từ những ngày đầu. Bên cạnh đó, công ty này đã điều chỉnh nhanh nhạy theo nhu cầu của khách hàng địa phương và tìm kiếm thị trường ngách như ở Myanmar chỉ có mỗi dịch vụ gọi taxi. Còn Grabbike cũng giới hạn tại Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Việt Nam - 4 nước có mật độ xe máy lớn nhất khu vực. Các thành phố du lịch phát triển thì có thêm giao hàng và giao thức ăn.

Riêng tại Singapore - nơi đặt trụ sở và cũng là thị trường thử nghiệm đầu tiên các dịch vụ mới - Grab có hơn 10 dịch vụ từ ô tô, taxi, tới đặt xe khách, xe bus từ 13-40 chỗ ngồi và mới nhất là xe đạp chia sẻ.

Năm 2017, Grab tuyên bố đã có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng. Trong khi Uber đang dần thu hẹp phạm vi thị trường, Grab vẫn bám sát và gia tăng sức ảnh hưởng tại Đông Nam Á.

Minh Đức / The Wall Street Journal
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư