Lại tranh cãi về chi phí quảng cáo

Lại tranh cãi về chi phí quảng cáoCuộc tranh luận về chi phí quảng cáo lại bắt đầu vào cao trào khi tiến hành sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Phát biểu tại hội thảo góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp do tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Hội Doanh nhân trẻ, và Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức sáng 11-4, luật sư Trương Thanh Đức đã đề nghị bãi bỏ hoàn toàn mức khống chế chi phí quảng cáo.

Ông nói: "Quan điểm của tôi là bỏ hoàn toàn giới hạn này. Nếu không, chí ít, chi phí quảng cáo phải là 50% doanh thu".

Trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi nội dung Khoản 2, Điều 9, theo đó chi phí quảng cáo, khuyến mại được nâng lên từ 10% lên 15% doanh thu.

Bộ này cũng đề nghị bãi bỏ quy định ưu đãi, theo đó doanh nghiệp mới thành lập được chi 15% doanh thu cho quảng cáo.

Ông Đức cho rằng, việc cho phép nâng chi phí quảng cáo lên chỉ 5% là quá thấp và không thể chấp nhận được vì chi phí này của doanh nghiệp là hợp lệ.

"Quy định này vô lý, phi thực tế, phản kinh tế. Điều rõ ràng là trái với nguyên tắc cơ bản của chi phí kinh doanh. Tôi sản xuất, kinh doanh thì tôi phải chi tiêu chứ có ăn gian, phí phạm, đút túi hay ăn cắp đâu", ông nói.

Tại hội thảo, đại diện của Bộ Tài chính thanh minh, qui định này để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Luật sư Đức đặt câu hỏi về quan điểm này: "Mọi người nói lo ngại về sự khống chế của các doanh nghiệp lớn nước ngoài?"

Tuy nhiên, ông cho rằng kể cả khi Việt Nam khống chế chi phí quảng cáo thì các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể áp đảo quảng cáo trên tất cả các phương tiện thông tin, truyền hình.

Lại tranh cãi về chi phí quảng cáo"Áp đặt như dự thảo thì chết là chết các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là lực lượng chiếm đến 97% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam", luật sư Đức nói.

Ông Đinh Sỹ Dũng – Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ bày tỏ ý kiến ngược lại với luật sư Đức do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách.

"Tôi cho là cần cân nhắc thêm vì việc này sẽ tác động đến giảm thu ngân sách, nhất là khi đồng thời sửa đổi giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp", ông nói.

Việc nâng mức trần chi phí quảng cáo từ 10% lên 15% được đưa ra thảo luận sau khi mức chi phí này được nâng lên từ mức 7% cách đây 10 năm.

Kể từ khi quy định này được ban hành, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) - đối thoại hàng năm giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, cùng các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã liên tục đề nghị bãi bỏ hoàn toàn hạn chế này lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Trả lời TBKTSG Online gần đây, Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Eurocham cho rằng, Việt Nam cần bãi bỏ hạn chế chi phí quảng cáo.

Ông cho biết, Bộ Tài chính đã hứa trong một phiên họp của VBF sẽ bãi bỏ hạn chế này vào năm 2008 khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi. Tuy nhiên từ đó đến nay không có một động thái nào của Chính phủ được thực hiện trong lĩnh vực này.

Ông cho rằng, quy đinh này ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam, người tiêu dùng và doanh nghiệp suốt 14 năm kể từ khi quy định được ban hành vào năm 1999, trong khi các công ty đa quốc gia có thể cân nhắc đầu tư ở các thị trường khác có điều kiện thuận lợi hơn.

Nguồn Chiến lược Marketing