Có triệu USD mới có thể mở cửa hàng KFC tại Việt Nam
Ngoài phí nhượng quyền từ 25.000 đến 250.000 USD, doanh nghiệp có thể phải trả thêm cả triệu USD để được kinh doanh, bảo hộ và quảng cáo khi mở cửa hàng bán thức ăn nhanh.
Muốn mở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại Bãi Cháy, Quảng Ninh, chị Hiền
quyết định lên mạng tìm hiểu phí nhượng quyền của các nhãn hàng đang nổi
tiếng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, chị thấy giá cả của các
hãng chênh lệch quá lớn, có khi tới cả triệu USD.
"Hiện tại, thương hiện Lotteria áp dụng phí nhượng quyền 250.000 USD, một trong những mức giá đắt đỏ nhất thị trường. Tuy nhiên, yêu cầu về đầu tư của hãng cũng chỉ ở mức tương ứng, nghĩa là nếu bỏ ra khoảng 500.000 USD, doanh nghiệp có thể được sử dụng tên, hướng dẫn công thức và bảo hộ trong một khu vực nhất định.Ngược lại, dù phí nhượng quyền chỉ bằng 1/10 so với Lotteria nhưng số vốn đầu tư theo báo giá của KFC lại cao hơn gấp 2-4 lần", chị Hiền cho hay.
Thực tế, khi muốn được nhượng quyền, doanh nghiệp ngoài việc sở hữu những mặt bằng lý tưởng còn phải trả phí nhượng quyền ban đầu và phí hàng tháng. Phí ban đầu dành cho việc gia nhập và huấn luyện tại các cửa hàng trong hệ thống. Phí này được trả một lần khi thỏa thuận nhượng quyền được ký kết. Riêng phí hàng tháng sẽ dành cho việc sử dụng nhãn hàng và thương hiệu cũng như các dịch vụ kèm theo bao gồm chương trình huấn luyện, marketing, quảng bá, nghiên cứu và phát triển. Phí được tính hàng tháng và được tính phần trăm dựa trên doanh thu của từng cửa hàng.
Do đó, ngoài phí nhượng quyền ban đầu, KFC cũng có một số quy định về việc đầu tư để mở một chi nhánh của hãng và mọi chi phí phải thanh toán bằng tiền mặt. Theo YUM! (hãng sở hữu thương hiệu KFC và Pizza Hut), lệ phí nhượng quyền của KFC là 25.000 USD, trả tiền bản quyền khoảng 4% hoặc 600 USD/tháng, phí quảng cáo trong khu vực 3% và quảng cáo toàn quốc khoảng 2% trong tổng thu nhập để được KFC bảo trợ độc quyền trong bán kính 2,5km với số dân khoảng 30.000 người. Tính chung, một doanh nghiệp để đạt được các tiêu chí nhượng quyền và nhận bảo hộ của KFC sẽ phải chi khoảng 1,1-1,7 triệu USD.
Một sản phẩm khác của YUM! cũng được biết tới nhiều tại Việt Nam là Pizza Hut. Doanh nghiệp có thể phải trả từ 300.000 USD tới 422.000 USD để mở một cửa hàng pizza, với phí nhượng quyền khoảng 25.000 USD.
Trong khi đó, với Phở 24, thương hiệu Việt Nam nổi tiếng có giá nhượng quyền khoảng 30.000 USD, và được trả một lần. Riêng phí quảng cáo trả hàng tháng, ở mức 3-5% doanh thu.
Trước đó, trong hội thảo "Nhượng quyền thương mại: Cơ hội và Thách thức" do Bộ Công thương tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng thị trường Việt nam có nhiều điều kiện để thu hút các hợp đồng giao dịch nhượng quyền do dân số đông, bắt đầu có lối sống công nghiệp hóa và sức tiêu thụ cao... Theo ông Sean T.Ngô, đại điện công ty Vietnam Franchises Ltd, lợi ích của bên nhượng quyền là đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, xâm nhập thị trường trước các đối thru cạnh tranh và mở rộng ảnh hưởng thương hiệu, trong khi với bên nhận nhượng quyền, lợi ích từ việc khai thác tên tuổi lớn sẵn có, nguồn cung nguyên liệu rẻ và được hỗ trợ đào tạo.