Xiaomi quyết tấn công thị trường smartphone Mỹ
Sau khi có mặt tại châu Âu, Xiaomi tuyên bố sẽ tấn công thị trường Mỹ. Đây là phần quan trọng trong kế hoạch IPO dự tính diễn ra giữa năm nay.
Có trụ sở chính tại Bắc Kinh, Xiaomi đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 tại Trung Quốc. Với nền tảng vững chắc tại đất nước đông dân nhất thế giới, Xiaomi lần lượt gặt hái thành công ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Đông Nam Á; trong năm 2017, hãng này cũng đã đẩy mạnh sự có mặt ở một số thị trường phương Tây, bao gồm Tây Ban Nha, nơi cửa hàng thương hiệu đầu tiên vừa được mở đầu năm 2018.
Theo Wall Street Journal, Chủ tịch Xiaomi Lei Jun cho biết bên lề một cuộc họp về lập pháp được tổ chức hàng năm tại Bắc Kinh: "Chúng tôi đã luôn luôn để mắt đến thị trường Mỹ và dự định bắt đầu tấn công thị trường này vào cuối năm 2018, hoặc đầu năm 2019".
Xiaomi đã có mặt tại thị trường Mỹ từ vài năm nay nhưng không chính thức bán smartphone mà chỉ bán một số thiết bị thông minh có kết nối internet như loa, máy ảnh và cân điện tử. Tất nhiên, việc gia nhập thị trường Mỹ không bao giờ là dễ dàng khi nơi đây là vùng đất đang được "thống trị" bởi các thương hiệu nổi tiếng như Apple hay Samsung; cũng như việc cấp thiết phải hình thành mối quan hệ đối tác với các nhà mạng viễn thông - những người "giữ cửa" thị trường.
Việc Xiaomi muốn tấn công thị trường Mỹ cũng sẽ vấp phải những trở ngại như tất cả các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã đối mặt: Những lo ngại về an ninh trên các thiết bị. Vào đầu năm 2018, Huawei đã thất bại trong việc ký kết hợp đồng phân phối mẫu smartphone cao cấp Huawei Mate 10 thông qua AT&T vì nhà mạng này lo ngại về an ninh quốc gia - thứ mà từ nhiều năm nay Huawei đã luôn miệng tuyên bố điều ngược lại.
Chủ tịch Xiaomi Lei Jun thừa nhận việc mở rộng ở nước ngoài là không hề dễ dàng. Các công ty Trung Quốc cần phải dành thời gian để tìm hiểu luật và quy định của địa phương, cũng như nhu cầu của người dùng.
Tại Trung Quốc, Xiaomi là hãng smartphone đứng thứ 4, xếp sau Huawei, Oppo và Vivo, trong khi Apple xếp thứ 5 và Samsung đứng thứ 8, theo số liệu của Counterpoint Research. Sau khi bị giảm sút vào năm 2016, thị phần của Xiaomi đã tăng trở lại trong năm 2017 với tổng số 96 triệu chiếc smartphone được bán ra. Ngoài smartphone, Xiaomi còn sản xuất rất nhiều thiết bị kết nối internet (IoT), từ nồi cơm điện đến máy lọc không khí.
Tuy nhiên, vẫn có hãng smartphone Trung Quốc đạt được thành công nhất định tại thị trường Mỹ - chính là ZTE - nhờ vào mối quan hệ hợp tác lâu dài với các nhà mạng trong nước. Theo Counterpoint, ZTE là nhà cung cấp smartphone đứng thứ 4 tại Mỹ năm 2017 với 11% thị phần.
Việc lên kế hoạch tấn công thị trường Mỹ là một phần quan trọng trong kế hoạch IPO của Xiaomi, dự định sẽ huy động được ít nhất 10 tỷ USD khi IPO tại Hong Kong nửa cuối năm nay và sẽ giúp Xiaomi ghi tên vào danh sách một trong những đợt IPO lớn nhất năm. Bên cạnh đó, "hạt gạo nhỏ" (ý nghĩa tên Xiaomi trong tiếng Trung Quốc) còn nhắm đến mục tiêu được định giá từ 80 tỷ - 100 tỷ USD, một bước nhảy vọt lớn từ mức định giá 46 tỷ USD trong đợt gọi vốn cuối cùng diễn ra năm 2014.
Huy Khang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư