Thị trường truyền hình trả tiền 2018: Cuộc đua... xuống vực thẳm
Truyền hình trả tiền sẽ bước vào một “thế trận” với rất nhiều khó khăn, thử thách đón chờ.
Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm
Kết thúc năm 2017, tổng thị trường truyền hình trả tiền đạt khoảng 14 triệu thuê bao, nhưng doanh thu chỉ đạt 7.500 tỷ đồng. Còn trong năm 2016, với khoảng 12,5 triệu thuê bao, tổng doanh thu thị trường đạt khoảng 12.000 tỷ đồng. Xa hơn, 5 năm trước, năm 2013, với chỉ chưa đến 1/2 lượng thuê bao của năm 2017, nhưng ngành truyền hình trả tiền đã đạt doanh thu hơn 5.800 tỷ đồng.
Điển hình là trường hợp của SCTV. Năm 2014, SCTV có 2,8 triệu thuê bao, doanh thu đạt hơn 3.600 tỷ đồng, thì đến năm 2017, SCTV tuy có hơn 4,5 triệu thuê bao (gấp 2 lần năm 2014), nhưng chỉ đạt doanh thu 3.420 tỷ đồng.
Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm đã cho thấy sự khốc liệt của thị trường truyền hình trả tiền.
Đây cũng là hệ quả của một cuộc đua giảm giá kéo dài từ năm 2014 đến nay. Từ năm 2014, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+ đã đua nhau “cơ cấu gói cước, cơ cấu giá cước”, mà bản chất là giảm giá cước thuê bao để thu hút khách hàng. Điển hình như K+, năm 2013, giá thuê bao gói cao nhất của K+ là 300.000 đồng/tháng, thì đến năm 2016 chỉ còn 1 gói duy nhất là 125.000 đồng/tháng. Bằng chiến thuật này, K+ đã tăng lượng thuê bao từ khoảng 600.000 thuê bao (năm 2014) lên gấp đôi, hơn 1 triệu thuê bao vào năm 2017.
Trong “cuộc đua xuống vực thẳm” về giá cước, có những thời điểm giá thuê bao tháng của một số nhà đài chỉ còn bằng giá một mớ rau (20.000 đồng/tháng). Cuộc đua này khiến nhiều nhà đài thua lỗ liên tục, giảm lượng thuê bao, buộc phải chuyển đổi chủ sở hữu.
Cuộc cạnh tranh mới mang tên OTT
Cùng với cuộc chiến giảm giá giữa các doanh nghiệp trong ngành truyền hình trả tiền, đã xuất hiện sự cạnh tranh mới từ năm 2017 và dự báo sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của các nhà đài trong năm 2018, đó là truyền hình giao thức OTT (Over The Top - cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet).
Việc chuyển đổi thuê bao sang dịch vụ OTT được coi là một mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp truyền hình trả tiền, đặc biệt là ở các quốc gia nơi có Internet tốc độ cao với mức giá phải chăng.
Trong năm 2017, các nhà đài như K+, SCTV, VTVcab, Viettel đã phát triển dịch vụ truyền hình giao thức OTT và bắt đầu thu phí người dùng. K+ có myK+Now, thu phí 125.000 đồng/tháng, còn SCTV có SCTV VOD, thu phí từ 30.000 - 50.000 đồng/tháng. Hay như VTVcab với VTVcab ON cũng bắt thu phí dịch vụ với giá cước 40.000 - 50.000 đồng/tháng.
Ông Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCTV đánh giá, việc chuyển đổi thuê bao sang dịch vụ OTT được coi là một mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp truyền hình trả tiền, đặc biệt là ở các quốc gia nơi có Internet tốc độ cao với mức giá phải chăng. Một số lý do khác dẫn tới sự thay đổi này bao gồm tăng chi phí lập trình cho truyền hình trả tiền truyền thống, giảm khả năng chi trả đa kênh và các giao dịch hấp dẫn được cung cấp với việc bán các thiết bị OTT như Chromecast và Amazon Fire TV.
“Để phù hợp với xu thế hiện nay, các đài truyền hình trong nước cần phải sáng tạo hơn về mặt nội dung, tạo ra các chương trình hấp dẫn hơn đối với khán giả, nhất là giới trẻ. Một số đài như K+, FPT Telecom, MobiFone… cũng bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm truyền hình trực tuyến, dựa trên nền tảng Internet để người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Mức phí của gói tivi trực tuyến này cũng tương đương với các gói dịch vụ truyền hình truyền thống mà các đài này cung cấp”, ông Huy nhận xét.
Còn theo ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ số Sao Bắc Đẩu, sự phát triển của truyền hình OTT là cơ hội để tăng doanh thu cho các đài phát thanh - truyền hình hiện nay. Ngoài việc cố gắng duy trì lượng khán giả trung thành, việc phát triển lượng khán giả mới trên nền tảng OTT là cách để tối đa hóa doanh thu cho các đài truyền hình, đặc biệt, khi quảng cáo trên Internet đang tăng mạnh. Sau khi có nền tảng công nghệ tốt, việc duy nhất cần làm là chuẩn bị nội dung.
Ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV nhận định, đây là thời điểm vàng để dịch chuyển truyền hình truyền thống sang truyền hình OTT. Các đài truyền hình phải chấp nhận sống chung và cạnh tranh một cách sòng phẳng.
“Dù mất 5 năm và có thể thua lỗ hàng triệu USD, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm và tin tưởng OTT tại Việt Nam sẽ có chỗ đứng riêng”, ông Giản nói.
Hiện truyền hình OTT ở Việt Nam đang có 4 nhóm tham gia.
Nhóm thứ nhất là các nhà đài như K+, SCTV, VTV chuyển sang hướng làm OTT, lấy Internet làm nền tảng truyền dẫn (trước sử dụng các nền tảng cáp, vệ tinh).
Nhóm thứ hai là nhà mạng như Viettel, VTC, MobiFone, lấy nội dung của nhà đài hoặc tự sản xuất nội dung để làm truyền hình.
Nhóm thứ ba là các đơn vị sản xuất nội dung thuần túy như Cát Tiên Sa, BHD... có thế mạnh sản xuất các chương trình giải trí, muốn xây dựng ứng dụng riêng.
Nhóm thứ tư là những đơn vị làm dịch vụ nền tảng (platform) như FPT Play, ZingTV, Clip, VNPT Media... Ngoài ra, còn có các “ông lớn” nước ngoài tham gia cuộc chơi như YouTube, Netflix, Iflix.
Có thể thấy, với “thế trận” này, hứa hẹn sẽ có một cuộc chiến khốc liệt trên thị trường truyền hình trả tiền trong năm 2018.
Hữu Tuấn
Nguồn Báo Đầu Tư