Công nghệ trong cuộc đua emoji
Đến nay, cuộc đua tung ra các emoji độc đáo, có tính cá nhân hóa cao không chỉ giới hạn trên các ứng dụng trực tuyến mà còn là thước đo về sáng tạo cho các nhà sản xuất smartphone.
Ngôn ngữ toàn cầu
Tạp chí Wired mới đây đưa tin Ứng dụng hẹn hò nổi tiếng thế giới Tinder vừa phát động chương trình hợp tác cùng Tổ chức Unicode Consortium để xây dựng bộ sưu tập các biểu tượng cảm xúc (emoji) gồm các cặp đôi là những người khác màu da. Tham gia dự án có cặp đôi nổi tiếng gồm tay vợt nữ Serena Williams (người da đen) cùng người chồng da trắng Alexis Ohanian - nhà đồng sáng lập trang Reddit.
Vốn dĩ, Unicode Consortium phát triển nền tảng bộ mã chuẩn quốc tế gồm cả các ký tự lẫn emoji. Lý do để tiến hành kế hoạch trên là nhằm bình đẳng hóa chủng tộc, bởi lâu nay các emoji thường biểu thị các cặp đôi cùng màu da. Trong khi đó, theo Tinder, emoji giờ đây đã thành một “ngôn ngữ toàn cầu” mà mọi người dễ dàng dùng để giao tiếp với nhau. Nhận xét của Tinder không hề quá lời bởi emoji đang ngày càng phát triển trên thế giới ảo, từ mạng xã hội như Facebook đến các ứng dụng dùng để gọi điện, nhắn tin, tán gẫu… như Viber, WhatsApp, Line, Zalo…
Thậm chí, các ứng dụng liên lạc còn phát triển hình thức thành các sticker độc đáo, cả dạng hình động để thu hút người dùng. Các bộ sưu tập emoji này vừa hướng đến sự gần gũi dễ hiểu, vừa ngày càng được đa dạng để người dùng có thể lựa chọn phù hợp. Tại VN, cả Viber lẫn Zalo thậm chí còn chạy đua để tích hợp tiếng Việt trong các sticker dựa trên các cụm từ đang được ưa chuộng trong giao tiếp.
Công nghệ thực tế ảo tiếp sức
Thực tế, không chỉ riêng gì các ứng dụng trên, mà những nhà sản xuất điện thoại di động nhiều năm trước đã chú ý phát triển các biểu tượng cảm xúc để đáp ứng nhu cầu người dùng. Từ năm 2002, Motorola đã tung ra mẫu điện thoại di động T190 với tính năng nổi bật là trang bị bộ sưu tập emoji có thể lồng vào tin nhắn. Tất nhiên, bộ sưu tập emoji khi đó khá đơn giản, thể hiện trên màn hình đơn sắc. Thế nhưng, những emoji sẵn có trên điện thoại di động có phần hơi “giậm chân tại chỗ” trong suốt nhiều năm, ngay cả khi điện thoại di động thông minh (smartphone) phát triển nóng.
Chỉ đến năm ngoái, khi công nghệ thực tế ảo (AR) bùng nổ thì Apple bắt đầu “phát động” cuộc đua sáng tạo emoji. Cụ thể, trên iPhone X, Apple đã bổ sung bộ sưu tập Animoji gồm các nhân vật biểu cảm theo phong cách emoji. Thông qua camera trước, iPhone X cho phép người dùng điều khiển chuyển động của emoji phỏng theo nét mặt người dùng dựa trên AR. Sau đó, người dùng có thể gửi tin nhắn kèm các emoji này dạng như gửi sticker trên Viber, Zalo…
Chưa đầy nửa năm sau khi iPhone X ra đời, Samsung cũng vừa giới thiệu dòng Galaxy S9/S9+ tích hợp tính năng AR Emoji. Không chỉ cung cấp bộ nhân vật biểu cảm sẵn có để phỏng theo nét mặt người dùng, S9/S9+ còn cho phép người dùng chụp hình chính mình để tạo nên emoji có nét mặt của mình rồi từ đó phát triển nên các trạng thái biểu cảm, lồng hiệu ứng và chữ như các sticker để tải lên mạng xã hội, gửi cho bạn bè qua tin nhắn. Thậm chí, tính năng này còn cho phép AR Emoji trên S9/S9+ còn có thể quay lại biểu cảm của người dùng khi đang nói chuyện, hát hò, hoặc bất kỳ cử chỉ nào.
Với những gì S9/S9+ và iPhone X thể hiện, Đài CNBC nhận xét: “Chiến trường mới của Apple và Samsung chính là emoji”.
Ngô Minh Trí
Nguồn Thanh Niên