Grabbike lên tiếng về việc bị nhái thương hiệu khắp nơi
Không cạnh tranh nổi, một bộ phận xe ôm buộc phải chọn cách giả dạng Grabbike để mưu sinh giữa nền kinh tế chia sẻ. Trong khi đó, nhiều lái xe Grabbike tắt ứng dụng, chèo kéo khách như xe ôm truyền thống.
Tình trạng này diễn ra phổ biến ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hay bất cứ tỉnh, thành phố nào - nơi mà Grabbike được đồng ý thí điểm.
Vàng thau lẫn lộn
Sau cuộc chiến căng thẳng và khốc liệt giữa xe ôm truyền thống với Grabbike hay Uber Motor, nhiều tài xế xe ôm truyền thống đã chọn cách "hoá thân" thành Grabbike để mưu sinh.
7h sáng bến xe Mỹ Đình, Hà Nội nhuốm một màu xanh của thương hiệu Grab. Nếu như trước đây, ở cổng bến xe là những chiếc xe Dream hay Wave cũ kỹ của xe ôm truyền thống thì bây giờ là đội ngũ Grabbike đông đảo. Thay vì chờ đón khách đặt xe qua ứng dụng thì những lái xe này mặc trang phục Grabbike tụm lại thành từng nhóm, tràn ra lòng đường, án ngữ cổng bến xe tranh nhau chèo kéo khách.
Vừa nắm luôn cổ tay, kéo khách lên xe của mình, anh Nguyễn Văn Đ, một lái xe truyền thống không ngần ngại nói: Có đến một nửa ở đây là xe ôm truyền thống. Mọi người mượn áo, mũ thậm chí của những người chạy Grabbike rồi đi vẫy khách. Mặc dù mang trang phục của Grabbike nhưng vẫn hoạt động như xe ôm truyền thống. Khi mang trang phục này gọi khách sẽ dễ hơn vì nhiều người tin tưởng Grab. Còn nếu lỡ chẳng may ai đó gây khó chịu cho khách thì họ cũng nghĩ mình là Grab, họ ghét Grab có khi khách lại trở về với xe ôm truyền thống.
"Giá cả thì tuỳ vào khách hàng, hét giá cao họ mặc cả mà vẫn cao hơn Grabbike thì chạy, còn thấp hơn thì thôi", anh Đ nói.
Trong khi nhiều xe ôm truyền thống giả mạo Grabbike để chèo kéo khách thì ngược lại, cũng có nhiều lái xe Grabbike tắt ứng dụng gọi xe để vẫy khách.
Một tài xế tại bến xe Giáp Bát thừa nhận, tranh thủ những lúc không có khách, tài xế Grabike sẽ tắt ứng dụng để chạy xe ôm truyền thống. Đặc biệt là trong thời gian Grabbike đòi tăng chiết khấu, nhiều tài xế đã dùng cách này để tăng thêm thu nhập.
Grab lo ảnh hưởng đến thương hiệu
Về vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận Grabbike - Grab Việt Nam thừa nhận, có một số trường hợp không phải là đối tác tài xế của Grabbike đã lợi dụng đồng phục Grabbike để đón khách trực tiếp.
Điều này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và quyền lợi của họ có thể không được đảm bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, thương hiệu cũng như dịch vụ của Grab.
Đại diện Grabbike khẳng định, những chuyến xe không thực hiện thông qua ứng dụng Grab sẽ không được xem là đang sử dụng dịch vụ Grab. Với những trường hợp này, Grab sẽ không thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý nếu xảy ra sự cố.
"Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi trong chuyến đi của mình, bao gồm cả bảo hiểm tai nạn cho cả đối tác tài xế và khách hàng với mức tối đa lên tới 100 triệu đồng/người, Grab khuyến khích khách hàng luôn đặt xe thông qua ứng dụng để có thông tin chi tiết về tài xế, tránh gặp phải sự cố không mong muốn", ông Nguyễn Trung Thành khẳng định.
Cũng theo đại diện Grab, khi đăng ký trở thành đối tác tài xế của Grabbike, người đăng ký phải hoàn thiện các thủ tục như lý lịch cá nhân, xác nhận địa phương, đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy sở hữu xe và bằng lái xe theo quy định. Sau khi hoàn tất thủ tục bắt buộc và chương trình tập huấn của Grab, người đăng ký chính thức trở thành tài xế của Grab.
Trong suốt quá trình hợp tác và khi ngừng hợp tác, Grab cũng thực hiện quy trình chặt chẽ về việc thu hồi đồng phục cũ, hỏng.
Kiều Linh
Nguồn VN Economy