Đâu là bí quyết sinh tồn của Tiki?

Với việc bán lẻ đa kênh sẽ trở thành xu thế tất yếu của ngành bán lẻ lẫn thương mại điện tử trong tương lai, Tiki đang đứng trước nhiều thách thức lớn, mà nếu không giải quyết tốt, họ có thể đánh mất vị thế hiện tại.

Theo chia sẻ của CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn, để cấu thành một hệ thống bán lẻ đa kênh tốt các doanh nghiệp buộc phải có 2 phần: nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) online mạnh cộng với chuỗi cửa hàng offline rộng khắp.

Tuy nhiên, phần 2 của Tiki là một mảng trống, không kể các nhà kho ở các tỉnh thành. Trong khi đó, hiện nay việc xây dựng chuỗi cửa hàng dường như là nhiệm vụ bất khả thi của Tiki.

Tiki không đủ tài lực, nhân sự để làm chuyện đó vì hiện tại, về tài chính, họ vẫn phải gồng mình nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng: chiếm lĩnh thị trường TMĐT Việt Nam.

Trong Chương trình CEO và Công nghệ mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho biết, để giải quyết nhiệm vụ xây dựng chuỗi cửa hàng offline, công ty đang có ý định hợp tác với tất cả doanh nghiệp cũng như nhà bán lẻ nhỏ – vừa tại Việt Nam và cả thế giới, tận dụng hệ thống cửa hàng về hệ thống phân phối offline của họ.

Đâu là bí quyết sinh tồn của Tiki?

CEO Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn cho rằng, bí quyết sống còn của Tiki ở năm 2018 và trong tương lai chắc chắn là hợp tác. Nếu được, nên chọn đối tác càng lớn càng tốt, vì có như thế mình mới có thể học tập những điều tốt nhất cũng như tạo cho mình áp lực lớn nhất, dù có thể hơi “ngợp” nhưng sẽ giúp chúng ta nhanh chóng lớn mạnh.

* Ông có thể vẽ phác thảo một bức tranh về người tiêu dùng và xu hướng TMĐT chính trong năm nay?

Nói rằng tất cả mọi người đều chuyển sang mua online mà bỏ offline là không đúng. Hiện tại, TMĐT chỉ chiếm 3% trong ngành bán lẻ ở Việt Nam, trong tương lai chắc chắn sẽ lên 10 đến 15%.

Trong khảo sát gần nhất, Google cho biết, TMĐT ở Việt Nam phát triển nhanh hơn họ nghĩ. Họ nghĩ, TMĐT ở Việt Nam trong thời gian gần đây sẽ tăng 35%, tức là gấp 3 đến 4 lần bán lẻ truyền thống, nhưng chúng ta tăng tới 40 đến 45%. Thế nên, sự chuyển dịch từ offline lên mua online là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, mình không lên kỳ vọng đó chuyển ngược lại, tức 97% online, 3% offline, điều đó sẽ không xảy ra và nó phi lý. Xu hướng bây giờ là sự kết hợp hài hòa không biên giới giữ online và offline, omni channel – bán lẻ đa kênh. Tôi tin đây sẽ là xu hướng của tương lai.

Có những thứ khách hàng tìm kiếm trên online nhưng mua offline, có những thứ họ coi ở offline và mua online. Thế nên, Tiki đang rất muốn hợp tác với các chuỗi bán lẻ, doanh nghiệp, các thương hiệu, vì tốt cho cả hai.

Xu hướng bây giờ là sự kết hợp hài hòa không biên giới giữ online và offline, omni channel – bán lẻ đa kênh.

Hợp tác chính là kim chỉ nam hành động của Tiki trong năm 2018 và tương lai. Theo tôi: Nếu không hợp tác sẽ chết, vì đây đã là thời online – offline kết hợp. Ví dụ, khi “đánh cờ” với Alibaba, Tiki cần sự hậu thuẫn của các quốc gia và khu vực, nếu không muốn bị thôn tính.

* Ông có thể nói rõ, đôi với doanh nghiệp hay các hệ thống bán lẻ khác sẽ được lợi ích cụ thể như thế nào trong quá trình hợp tác này?

Năm 2017, Tiki đã mở ra một sân chơi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là thương hiệu vừa và nhỏ, để các thương hiệu tự bán trên Tiki, tận dụng lượng traffic lớn của Tiki. Điểm khác biệt ở đây, Tiki sẽ là người trực tiếp quản lý chất lượng tất cả những mặt hàng có mặt trên chợ – marketplace.

Các doanh nghiệp khi đưa hàng lên đây có thể chủ động phối hợp với Tiki làm makerting, đẩy mạnh việc bán hàng, nhưng chất lượng vẫn phải được kiểm soát bởi hệ thống chuỗi cung ứng – supply chain của Tiki. Hàng phải về kho của Tiki, giao hàng là Tiki, nhận tiền là Tiki. Làm sao để cuối cùng khách hàng của Tiki nhận được hàng, dịch vụ đổi trả tốt và hàng hóa chất lượng.

Hơi khác với các công ty bán lẻ truyền thống, ưu tiên của Tiki luôn đến từ khách hàng. Sản phẩm nào được khách hàng yêu thích nhiều nhất sẽ được ưu ái nhiều nhất. Không phải nhà cung cấp cứ trả tiền là được khuyến mãi. Hiện tại, Tiki không có chính sách trả tiền để được khuyến mãi, chỉ cần hàng của bạn được đánh giá cao, review tốt, Tiki sẽ hỗ trợ nhiều.

Với dịch vụ logistic tốt của mình, Tiki sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa san bằng khoảng cách với các ông lớn. Việc giao hàng chính là một điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ không có được hệ thống phân phối sâu rộng trên khắp cả nước.

Họ chỉ cần để hàng trong kho của Tiki, sẽ được miễn phí giao hàng trong 2 giờ, vốn là điều mà rất hiếm doanh nghiệp lớn làm được. Khách hàng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi, Tiki chỉ lấy một phần phí rất nhỏ, chỉ vài phần trăm khi giao dịch thành công, giao được hàng và lấy được tiền.

Đâu là bí quyết sinh tồn của Tiki?

Việc giao hàng chính là một điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

* Ông có thể nói rõ hơn về dự án Thành phố Tết hợp tác với Google? Vì sao Google chọn Tiki thay vì các công ty TMĐT khác? Ông đã “dụ” Google bằng cách nào?

Thực ra tôi chẳng dụ gì hết. Google sẽ chọn ra một đơn vị mà họ tin rằng, đơn vị đó có dịch vụ logistic tốt. Mơ ước của Google là làm sao mọi người dùng internet nhiều hơn.

Người ta sử dụng internet nội dung càng nhiều, thì giao dịch càng cao, Google càng có lợi, nên họ sẽ là những thứ cần thiết để đẩy mạnh chuyện đó. Bên cạnh đó, những nhãn hàng toàn cầu cũng cần những đối tác nội địa, hiểu người Việt để làm sao họ có thể bán được hàng nhiều nhất. Đó là quan hệ win – win giữa 3 bên: nhãn hàng – Google – đơn vị TMĐT nội địa là Tiki.

Việc được Google chọn không phải là thành công trong một đêm, mà là việc Tiki đã xây dựng thương hiệu trong 7 năm, phát triển dịch vụ giao hàng trong suốt 7 đến 8 năm vừa qua. Và đó là cái mà Google nhìn thấy.

Thực ra, đây là dự án đầu tiên mà Google làm ở Việt Nam và họ cũng chưa biết thành công, thất bại. Mình cũng vậy, vẫn sẵn sàng làm vì luôn muốn thử những cái mới. Cái này không phải là ai dụ ai hết, mà cả hai bên đều tự nguyện.

Năm nay, Tiki kết hợp với Google làm Thành phố Tết, còn mấy năm trước làm với Facebook. Facebook có Facebook store. Cứ mỗi năm, Tiki sẽ cử nhân viên của mình qua trụ sở Facebook, mình học cách xây dựng hệ thống dữ liệu khách hàng – build customer database, đây là một dự án lớn của Tiki, để hiểu khách hàng hơn, giúp họ có sự lựa chọn đúng đắn.

Quan niệm của Tiki là phải hợp tác, nhất là với những công ty giải nhất thế giới vì đây là thời đại toàn cầu hóa. Mình không thể ở nhà tự làm, trên thế giới có nhiều người giỏi và công ty giỏi để mình đến hợp tác. Hợp tác càng nhiều càng tốt, với tất cả các đối tác ở Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Quỳnh Như
Nguồn TheLEADER