Kinh tế chia sẻ lan sang tài chính thế hệ mới
Mô hình kinh tế chia sẻ đã bắt đầu với ô tô, phòng khách sạn và nay bành trướng sang lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Trước khi có Uber hay Grab, ở Đức hồi thập niên 70, khi giá xăng tăng cao, người Đức nghĩ ngay đến mô hình đi chung xe trước đó là Car Pooling. Mô hình này trở nên thịnh hành bởi nhiều người đi làm xa, cần dùng ô tô trong khi chi phí nhiên liệu tăng cao.
Dịch vụ tài chính là kế tiếp
Trong vài năm trở lại đây, hình thức chia sẻ nguồn lực tương tự là Uber, Grab đã trở nên phổ biến, nhưng rõ ràng, con người luôn khao khát tận dụng tốt nhất nguồn lực cộng đồng để tiết giảm chi phí. Niềm khao khát đó đã là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, dự kiến sẽ tạo ra doanh thu lên đến 335 tỉ USD vào năm 2025. Và tác động của nó được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến gần như tất cả các ngành công nghiệp, theo ước tính của PwC.
Việc chia sẻ có thể liên quan đến hầu hết các loại tài sản, bao gồm ô tô, nhà ở, chỗ đậu xe, năng lượng, kỹ năng con người, du lịch, nhà hàng khách sạn và đã manh nha xuất hiện ở lĩnh vực tài chính.
Theo McKinsey, 80% tương tác của khách hàng với ngân hàng của họ là thông qua việc chi trả cho hàng hóa và dịch vụ. Những ông lớn trong dịch vụ tài chính đang đối mặt với những đối thủ mới nổi được gọi tên chung là fintech (tài chính công nghệ), vốn nhận được dòng tiền khổng lồ từ các công ty mạo hiểm để thúc đẩy các giao dịch ngang hàng với nhau. Ngày nay, chúng ta có thể chứng kiến nhiều mô hình giao dịch tài chính như thế.
Một ví dụ điển hình là hoạt động chuyển tiền kiều hối xuyên biên giới có giá trị 600 tỉ USD mỗi năm. Nếu như trước đây, người dùng có thể chuyển qua hệ thống ngân hàng hoặc các công ty chuyển tiền phi ngân hàng (như MoneyGram hay Western Union), thì ngày nay, sự lựa chọn đó có thể là TransferWire hay WorldRemit hoạt động theo mô hình chuyển tiền trực tiếp, hạn chế khâu trung gian.
Nhưng một lựa chọn khả dĩ hơn, tiện lợi hơn và chi phí thấp hơn chính là việc sử dụng các đồng tiền mã hóa (cryptocurrency) để chi trả tiền xuyên biên giới, dựa trên nền tảng là công nghệ Blockchain đang gây nhiều tranh cãi cũng như sự thích thú. Thực tế, công nghệ Blockchain gần đây đang ngày càng nóng hơn, với đà tăng giá mạnh khi giới đầu cơ liên tục bơm tiền vào trong thời gian gần đây. Số liệu trên coinmarketcap.com cho thấy, quy mô thị trường hiện đã lên tới khoảng 600 tỉ USD.
Tuy nhiên, tiền mã hóa được biết đến với mức giá tăng quá nóng, làm lu mờ đi những tính năng mà nó có thể khai thác. Một ứng dụng vô cùng quan trọng mà Blockchain mang lại chính là việc đưa ra một đồng tiền trung gian thanh toán với chi phí thấp và tốc độ xử lý nhanh hơn hẳn. Mạng lưới giao dịch tiền mã hóa lúc này đóng vai trò như hệ thống thanh toán bù trừ trong ngân hàng, mà “sổ cái” ghi lại mọi giao dịch đều nằm ở trong tay mọi thành viên.
Không chỉ hoạt động chuyển tiền, một dịch vụ đáng kể khác là cho vay ngang hàng cũng giúp khách hàng tiết giảm chi phí. Một ví dụ phổ biến nhiều năm qua là mô hình Lending Club (Mỹ). Ứng dụng của Blockchain trong dịch vụ tài chính sẽ còn phát triển ở nhiều lĩnh vực khác, như lưu trữ thông tin, các hợp đồng giao dịch mua bán tài sản, hoặc bất kỳ giao dịch tài chính nào.
“Dịch vụ tài chính nhanh hơn, thanh toán rẻ hơn có thể tạo ra hàng tỉ USD từ chi phí giao dịch trong khi tăng cường sự minh bạch”, PwC nhận định trong báo cáo về Blockchain năm 2016. Việc phát triển các công nghệ và phương pháp mới như Blockchain đã tạo ra các cơ hội tiết kiệm chi phí trong việc chuyển tiền và thanh toán. Công nghệ này cũng mở ra thêm nhiều cánh cửa cho nhiều sản phẩm và dịch vụ với cấu trúc thanh toán đã thay đổi, không còn cần đến khâu trung gian như các tổ chức ngân hàng. PwC ước tính đến năm 2020, người tiêu dùng sẽ cần các dịch vụ ngân hàng nhiều hơn, nhưng họ cũng có thể không cần đến ngân hàng nữa.
Sự liên kết giữa cá nhân trong mô hình tài chính chia sẻ là rất quan trọng. Hãng Apple xin cấp bằng sáng chế cho mô hình chuyển tiền ngang hàng với iPhone. Điều này có thể thay đổi cách thức tiếp cận giữa người dùng với các dịch vụ của công ty sản xuất thay vì với các ngân hàng.
Hợp tác hơn đấu tranh
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng khẳng định sẽ hợp tác hơn là “đấu tranh” để chống lại xu hướng công nghệ khó cưỡng và tiện lợi. Tuy nhiên, cũng vẫn còn đó những trục trặc trên con đường xây dựng “đế chế tài chính chia sẻ”. Vấn đề đầu tiên chính là niềm tin. Uber hay Airbnb rõ ràng phải thuyết phục được khách hàng bước chân lên xe hơi hay đặt chân vào nhà riêng của người khác mà không cảm thấy bị xâm phạm. Công cụ đánh giá hai chiều và hệ thống sàng lọc người tham gia (ở cả 2 phía) đã giúp cải thiện niềm tin này. Vấn đề an ninh cũng được đặc biệt chú ý đến, khi việc tiếp cận các tài sản trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là tội phạm mạng và những loại tài sản như ví tiền ảo rõ ràng là miếng mồi ngon.
Bên cạnh đó, sự phát triển về tài sản chia sẻ và dùng chung đang vướng phải những quy định của pháp luật và làm chậm lại đáng kể tiến trình phát triển, dù xu hướng thay đổi theo công nghệ có vẻ là chắc chắn. Nhiều quốc gia tỏ rõ sự thận trọng đối với những đổi mới quá nhanh về công nghệ, giúp thay đổi các mối quan hệ trong nền kinh tế chia sẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính vốn nhạy cảm.
Mối quan hệ giữa người có tài sản và những tổ chức trung gian cũng đáng bàn đến. Trong mô hình kinh tế chia sẻ kiểu mới, các fintech vẫn là tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ, nhưng vấn đề của Uber hay Grab là rủi ro kinh doanh đáng kể được chuyển sang cho người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp, mà họ gọi là đối tác, thay vì can thiệp sâu hơn. Trong lĩnh vực tài chính, các tổ chức trung gian cũng buộc phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của giới quản lý, khó mà chuyển hết rủi ro sang cho người dùng.
Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh mô hình chia sẻ chưa thực sự rõ ràng. Chẳng hạn như eBay, trang web thương mại bán đồ đấu giá giữa các thành viên tham gia trực tiếp, bắt đầu như một thị trường ngang hàng, nhưng nay đã được thống trị bằng những người bán hàng chuyên nghiệp. Điều này tương tự với Uber hay Grab đã đi quá xa so với ý tưởng chia sẻ chuyến đi chung nhàn rỗi thuở ban đầu, thay vào đó là các tài xế chuyên nghiệp, vay tiền ngân hàng để mua xe. Tác động của việc chia sẻ tài sản đang ngày càng không rõ ràng và tạo nhiều kết quả bất ngờ.
Trong lĩnh vực tài chính, sự chia sẻ khó khăn hơn, vì đòi hỏi một số yêu cầu nhất định đối với người tham gia, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian fintech phải thực sự chuyên nghiệp, trong khi 2 bên tham gia cần phải có hiểu biết nhất định trong lĩnh vực tài chính. Thêm nữa, với kinh nghiệm hàng trăm năm, các tổ chức tài chính thường đánh giá khoản cho vay tốt hơn là các tay chơi non trẻ và giữa người dùng với nhau vì thiếu thông tin.
Nhiều năm qua, các định chế tài chính đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, giúp việc mua hàng và dịch vụ trở nên dễ dàng hơn. Trước sự phát triển như vũ bão của mô hình kinh tế chia sẻ, chính các định chế này cũng đang đứng trước sự thay đổi mang tính lịch sử.
Thanh Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư